“Chúng tôi đều là công dân của Trái đất khi ở trên vũ trụ”
Tham dự buổi giao lưu có đại diện các bộ, ban ngành, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực hàng không vũ trụ và sinh viên của các trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH FPT, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Phòng không - Không quân, Học viện An ninh Nhân dân, Đại học CNTT-TT – Đại học Thái Nguyên, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc Gia Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Mật mã, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Tại buổi giao lưu, Trung tướng Phạm Tuân đã kể lại những ký ức không quên của mình về chuyến bay lên vũ trụ 41 năm trước. “Những gì đã xảy ra luôn nằm trong ký ức tôi. Bay vũ trụ là mơ ước của nhiều người, nhưng đó là một quá trình gian nan không phải ai cũng làm được. Được nhìn thấy Trái đất từ vũ trụ thật tuyệt vời. Khi bay vào vũ trụ, chúng tôi đều là công dân của Trái đất và cả Trái đất thân thương đều là quê hương của mình”.
Cũng tại đây, nhà khoa học vũ trụ trẻ Phạm Gia Vinh đã chia sẻ về quá trình chinh phục tầng bình lưu của mình bằng cả niềm đam mê cháy bỏng.
“Tầng bình lưu là khu vực rất ít nước chinh phục được, nhưng đó là nơi tiềm năng để tiến hành các thử nghiệm khoa học. Nó quá thấp để chinh phục bằng tàu vũ trụ và quá cao để bay bằng máy bay. Vì thế, chúng tôi quyết định chinh phục bằng những gì mình có”, anh nói.
Anh và nhóm cộng sự đã đưa được một người và ba con chuột lên tầng bình lưu. Ước mơ của Phạm Gia Vinh là biến Việt Nam thành một trung tâm vũ trụ để cung cấp dịch vụ bay vào tầng bình lưu cho cả thế giới.
Việt Nam tham gia dự án đưa người trở lại mặt trăng của NASA
PGS, TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam chia sẻ, ông như sống lại tuổi sinh viên của mình khi tham gia cuộc giao lưu.
“Năm 1980, khi anh hùng Phạm Tuân bay lên vũ trụ, tôi đang học đại học năm thứ nhất tại Đức, nhưng thế hệ chúng tôi hồi đó không ai theo học ngành vũ trụ”, PGS Phạm Anh Tuấn nói. Nhưng chính đam mê vũ trụ đã đưa ông bén duyên với ngành khoa học này.
Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 137/2006/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020”, trong đó có nhiệm vụ xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Từ đó, chúng ta đã dần chinh phục công nghệ vũ trụ bằng cách chế tạo những vệ tinh nhỏ.
Và gần đây nhất, vệ tinh NanoDragon được thiết kế, chế tạo hoàn toàn bởi Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, đã được Cơ quan Nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) lựa chọn là 1 trong 15 vệ tinh được phóng lên quỹ đạo vào năm 2021. Ngày 7-4 vừa qua, vệ tinh này đã vượt qua cuộc sát hạch rung động, sốc và nhiệt chân không tại Nhật Bản, đủ tiêu chuẩn để phóng lên vũ trụ.
PGS, TS Phạm Anh Tuấn cho biết: “Việt Nam đã được NASA mời tham gia dự án Artemis đưa các thiết bị khoa học và đưa con người trở lại Mặt trăng vào năm 2024 và chúng tôi đã nhận lời”. Tâm sự với các sinh viên đang theo học chuyên ngành công nghệ vũ trụ ở các trường đại học, PGS Phạm Anh Tuấn mong muốn Việt Nam sẽ có thiết bị lên mặt trăng trong tương lai.
Tạo sân chơi cho giới trẻ đam mê không gian
Tại buổi giao lưu, PGS, TS Phạm Ngọc Lãng, Chủ tịch Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam (VASA) cho biết, Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi “Thiết kế, chế tạo và trình diễn phương tiện bay không người lái” Việt Nam lần thứ I, viết tắt là ROBOBAY.
Đối tượng dự thi là cá nhân, tập thể học sinh, sinh viên các Học viện, trường Đại học, và Cao đẳng trên phạm vi cả nước. Lễ phát động và công bố thể lệ cuộc thi sẽ được tổ chức vào ngày Khoa học và Công nghệ 18-5 tới.
Bộ đề thi bao gồm các cấp độ, phù hợp với các đối tượng dự thi khác nhau ở các trường khối kỹ thuật và các trường ngoài khối kỹ thuật nhưng đều có đam mê “Thiết kế, chế tạo và trình diễn phương tiện bay không người lái”.
Ban tổ chức cuộc thi dự kiến sẽ nhận hồ sơ đợt 1 của các cá nhân, tập thể đăng ký dự thi vào ngày 19-8. Vòng thi đầu tiên dự kiến sẽ được tổ chức vào 20-11 và vòng thi bán kết và chung kết sẽ được tổ chức từ 20-4-2022 đến 18-5-2022.
Đối với phương tiện bay không người lái nhỏ dùng cánh quạt sẽ được tổ chức thi đấu tại trường quay Đài truyền hình Việt Nam. Với loại máy bay UAV cánh bằng sẽ được tổ chức thi đấu trên thao trường không gian ngoài trời.
Ngay sau khi thể lệ cuộc thi được công bố và chốt danh sách các đội tham gia dự thi, VASA sẽ tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện từ xa và thành lập tổ tư vấn kỹ thuật hướng dẫn các đội dự thi để có thể hoàn thành được chương trình dự thi của mình. Ban tổ chức sẽ có đội phi công để trợ giúp các đội thuê trong trường hợp chưa kịp đào tạo phi công hoặc khi gặp bài thi bay trình diễn phức tạp.
Ban tổ chức sẽ xây dựng Bộ giải thưởng đặc biệt hấp dẫn để trao cho các giải trên tinh thần khuyến khích niềm đam mê Khoa học Hàng không - Vũ trụ của học sinh, sinh viên Việt Nam.
Ban tổ chức tin tưởng, với sự hưởng ứng và trực tiếp tham gia của gần 600 Học viện, trường Đại học và Cao đẳng trên phạm vi cả nước, cuộc thi ROBOBAY Việt Nam lần I sẽ là sự khởi đầu và là ngày hội Khoa học và Công nghệ về Hàng không - Vũ trụ của thế hệ trẻ Việt Nam để có thể vươn xa hơn tới các nước trong khu vực ASEAN, Đông Nam Á và trên thế giới.
Nhân dịp này, VASA cũng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với các trường đại học và học viện nhằm hợp tác chia sẻ thông tin khoa học và công nghệ về hàng không – vũ trụ; hỗ trợ học sinh, sinh viên tiếp cận các thông tin và tài liệu được cập nhật mới nhất cũng như phổ biến kiến thức về hàng không – vũ trụ trong học sinh, sinh viên và cộng đồng.
VASA và các trường, viện sẽ hợp tác nghiên cứu khoa học về hàng không – vũ trụ qua các đề tài nghiên cứu khoa học; chương trình ứng dụng khoa học và công nghệ mà hai bên có tiềm năng.
VASA, thông qua Hội đồng khoa học và Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Hội sẽ đưa ra các tiêu chuẩn và đánh giá các đề tài nghiên cứu khoa học khả thi của học sinh, sinh viên trường để tài trợ giúp các em thực hiện hóa đề tài nghiên cứu khoa học của mình.
Trường Đại học, học viện sẽ tạo mọi điều kiện để thầy cô và học sinh, sinh viên của trường tham gia các hoạt động khoa học, các sự kiện của Hội dưới hình thức đăng ký trở thành hội viên/cộng tác viên tham gia các hoạt động của Hội như nghiên cứu khoa học, viết bài cho các chuyên mục “Vũ trụ học”, “Hàng không và Đời sống”..., góp phần lan tỏa đam mê khoa học, công nghệ, đặc biệt về lĩnh vực hàng không – vũ trụ trong học sinh, sinh viên và cộng đồng.
Hợp tác tổ chức hội nghị, hội thảo hoặc dưới các hình thức khác để chia sẻ tầm nhìn, thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp, kỹ năng... về lĩnh vực khoa học và công nghệ, trong đó có lĩnh vực Hàng không – Vũ trụ gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng.