Cùng dự buổi Lễ có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; đồng chí Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.
Trong công cuộc giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, ngành ngân hàng đã có những đóng góp đặc biệt vào việc tổ chức chi viện kịp thời về tài chính cho chiến trường miền nam thông qua đường dây bí mật của hai đơn vị là Quỹ đặc biệt (B29) và Ban Tài chính đặc biệt (N2683). Hai đơn vị này cùng hệ thống đầu mối và cơ sở chân rết đã tiếp nhận chi viện, chuyển đổi ngoại tệ ra các loại tiền thích hợp, bảo quản tiền và chuyển giao tiền chi viện cho miền nam; trong 10 năm (1965-1975) đã chi viện tổng cộng 678 triệu USD một cách an toàn, hiệu quả, bảo đảm phục vụ cho chiến trường miền nam. Đạt được thành tích xuất sắc đó ngoài sự đoàn kết và sức mạnh của tập thể B29, N2683 còn có sự đóng góp to lớn, mưu trí, dũng cảm, dám nghĩ dám làm, không ngại khó khăn gian khổ, một lòng cống hiến, hy sinh thầm lặng của thế hệ cha anh đi trước mà một trong số đó là huyền thoại: “người buôn tiền lịch sử” Lữ Minh Châu (hay còn gọi là Ba Châu).
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trân trọng trao Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đại diện gia đình đồng chí Lữ Minh Châu.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong tình hình chiến tranh ác liệt ở chiến trường miền nam, với cương vị là Phó Trưởng Ban Tài chính đặc biệt, đồng chí Lữ Minh Châu giống như một nhà “tình báo kinh tế-tài chính” thực thụ đã cùng với các cộng sự chủ động, sáng tạo, quyết đoán thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam, không ngại khó khăn, gian khổ, dũng cảm, mưu trí vượt qua các hệ thống giám sát chặt chẽ của kẻ thù để vận chuyển tuyệt đối an toàn hàng trăm triệu đôla, cung cấp nhanh chóng cho tiền tuyến, phục vụ kịp thời cho các nhu cầu của cách mạng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chính phủ tin tưởng giao phó.
“Đồng chí mãi là tấm gương sáng về sự hy sinh, về đạo đức của người cán bộ ngân hàng khi quản lý hàng triệu đô la tiền mặt nhưng không một chút tơ hào mà nguyện cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình, âm thầm, dũng cảm hoạt động trong lòng địch với biết bao nguy hiểm cận kề để cùng các đồng chí, đồng đội tạo nên “Con đường tiền tệ” huyền thoại, hoàn thành sứ mệnh chi viện tài chính cho chiến trường miền nam”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Đề cập đến những yêu cầu mới đối với tiến trình phát triển của đất nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành ngân hàng cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tiếp bước đồng chí Lữ Minh Châu và các thế hệ đi trước; khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập; phấn đấu nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, điều hành chính sách tiền tệ và bảo đảm an ninh, an toàn, hiệu quả hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Với độ mở ngày càng lớn của nền kinh tế nước ta, Chủ tịch nước đề nghị ngành ngân hàng cần theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, đánh giá tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine ảnh hưởng đến kinh tế nước ta; lượng hóa đúng tác động của giá năng lượng thế giới gia tăng lên lạm phát trong nước, tác động của việc điều chỉnh lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương trên thế giới tới thị trường tiền tệ và thị trường vốn của nước ta.
Đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách và làm tốt công tác cán bộ để vừa nâng cao hiệu lực điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và nâng cao hiệu quả, bảo đảm chất lượng, an toàn hoạt động của toàn hệ thống; vừa nâng cao đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm và chấp hành pháp luật của người cán bộ ngân hàng để phát huy những điều tốt, ngăn ngừa rủi ro, vi phạm trong hoạt động ngân hàng. Cùng với đó là tổ chức triển khai khẩn trương, hiệu quả Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tiếp tục đi đầu trong chuyển đổi số, góp phần tạo nên thành công, sự lan tỏa và phát triển kinh tế số, xã hội số; chủ động, tích cực hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng.
Chủ tịch nước tin tưởng, với sự đoàn kết, thống nhất, bản lĩnh chính trị vững vàng và nhiệt huyết, quyết tâm đổi mới, cùng sự năng động, sáng tạo, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống vẻ vang, hào hùng của ngành, với niềm tin, sự gửi gắm của các thế hệ đi trước và trọng trách mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, tại thời điểm Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, ngày 30/4/1975, đồng chí Lữ Minh Châu được chỉ định làm Trưởng Ban Quân quản Ngân hàng Sài Gòn-Gia Định. Sau đó, được giao nhiệm vụ thành lập Ngân hàng cách mạng đầu tiên tại Sài Gòn với tên gọi là Ngân hàng Quốc gia Thành phố Sài Gòn-Gia Định và được bổ nhiệm làm Giám đốc của ngân hàng này. Năm 1986-1989, đồng chí Lữ Minh Châu đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội lần thứ VI của Đảng.
Với thành tích đặc biệt xuất sắc, đồng chí Lữ Minh Châu đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều hình thức cao quý như Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất và đặc biệt ngày 7/1/2022 Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 37/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân” cho đồng chí Lữ Minh Châu.