Trường Sa, nơi ấy có các anh

Những bãi san hô, rạn đá cũng trở thành pháo đài chiến đấu kiên trung giữa Biển Đông, cùng các điểm đảo tiền tiêu, làm thành phên dậu vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những cố gắng, những thành tích của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa và nhà giàn DKI đã đạt được trong thời gian qua thật sự ấn tượng, đáng ghi nhận trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
0:00 / 0:00
0:00
Nụ cười chiến sĩ Trường Sa.
Nụ cười chiến sĩ Trường Sa.

Bài 1: Tình yêu đất nước thiêng liêng

Viết về Trường Sa thật khó, bởi những xúc cảm từ đất liền luôn hiện hữu, chưa từng thôi tha thiết trong tâm hồn và trái tim mỗi người con đất Việt, nhất là với ai đã từng một lần được đặt chân lên quần đảo Trường Sa-vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc ta.

Cán bộ, thủy thủ tàu KN-390 đã đưa Đoàn công tác số 7 đi thăm và làm việc với 7 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DKI trong những ngày hè rực nắng. Chúng tôi đã được chứng kiến cuộc sống, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo ở nơi đầu sóng ngọn gió; thấy thêm cảm phục, thương mến, tự hào về hình ảnh người lính hải quân Việt Nam đang ngày đêm canh giữ biên cương Tổ quốc.

Màu xanh của ý chí quật cường

Hành trình đi thăm các điểm đảo và nhà giàn DKI trên tàu KN-390 mặc dù có đầy đủ các phương tiện cũng như điều kiện cần thiết, nhưng khi đứng trên boong tàu, trước biển trời bao la mới thấy con người quả thật quá bé nhỏ.

Ngày đầu tiên của chuyến công tác, Biển Đông mênh mông sóng nước, tiếng cười nói rổn rảng, những cuộc trò chuyện, giao lưu văn nghệ của chúng tôi với cán bộ, chiến sĩ hải quân khiến không khí vui… như Tết. Mỗi người trong đoàn công tác có lẽ lâu lắm rồi mới được sống trong cảm giác muốn gặp nhau là phải đi tìm, mà có khi tìm cũng chưa chắc thấy bởi tàu khá lớn và nhiều lối đi.

Mỗi người dường như đều muốn xích lại gần nhau, thân thiện và dễ quý mến nhau hơn. Có lẽ, vì chúng tôi đang cùng có chung xúc cảm tự hào và hạnh phúc khi cùng hướng trái tim mình theo hướng gió để đợi được nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay đầy kiêu hãnh giữa biển, đảo quê hương.

Sang đến ngày thứ hai, trời trong xanh, chạy lên boong tàu, chúng tôi đều thấy rõ đường chân trời xa tít tắp. Biển lúc bình minh đẹp như dát bạc, thi thoảng có đàn cá chuồn cả mấy trăm con bay lấp lánh, ràn rạt trên mặt biển. Cá heo khá hiếm, chỉ vài người may mắn mới nhìn thấy một lần khi các chú cá béo ấy tinh nghịch nô đùa, ngụp lặn chút xíu rồi mất hút dưới biển sâu.

Đến ngày thứ ba của hải trình, ai cũng dậy sớm hơn, háo hức rủ nhau lên boong để được ngắm hòn đảo đầu tiên của quần đảo Trường Sa. Nhìn từ xa, đảo Song Tử Tây giống như cây san hô khổng lồ hiên ngang giữa lòng biển cả. Khi tàu neo đậu, chúng tôi được chia theo đoàn để xuống xuồng lên đảo. Song Tử Tây chưa từng gặp vẫn khiến mỗi thành viên trong đoàn công tác thấy thật thân thương, gần gũi với những ngôi nhà ngói đỏ, những cây phong ba, cây bàng vuông cứng cáp, căng tràn sức sống.

Cán bộ, chiến sĩ và các hộ dân đang sinh sống trên đảo đứng đợi để chào đón đoàn công tác. Lễ chào cờ được tổ chức trang nghiêm, xúc động. Dù diện tích nhỏ, nhưng đảo Song Tử Tây là một đơn vị hành chính cấp xã, có đầy đủ trụ sở làm việc, nhà văn hóa, trường học, trạm xá… tất cả đều rất khang trang, sạch sẽ.

Tạm biệt Song Tử Tây, sau gần một giờ đồng hồ, chúng tôi đến với đảo Đá Nam. Lúc này, mặt trời đã lên cao, nước biển chuyển dần từ mầu đen thẫm sang xanh nhạt, trong vắt, đến mức có thể nhìn rõ rạn san hô trắng đục cách mặt nước chừng một mét với những chú cá bé xíu xiu, tung tăng bơi giữa đại dương. Đá Nam nhỏ bé, lặng lẽ, nhưng vững chắc, hiên ngang, kiên cường giữa sóng gió trùng khơi.

Tôi ngạc nhiên khi thấy mặc dù rau chỉ được trồng trong các chậu nhựa, thùng xốp, hộp gỗ…, từng nắm đất đều được mang từ đất liền ra, nhưng giữa mặn mòi gió biển, chiến sĩ vẫn có những vườn rau xanh tươi và phát triển rất tốt. Lá mùng tơi to như lá sen nhỏ, dưa chuột cũng như những trái mướp nếp thả dáng sung túc đầy sức sống, có cả các loại rau thơm, ớt sai trĩu. Để có được điều đó, các chiến sĩ luôn phải nắm bắt, theo dõi sát diễn biến của thời tiết, che chắn vườn rau theo đúng hướng gió.

Vườn rau được che chắn bởi các tấm tôn, lưới, nhựa để ngăn gió, hơi mặn từ biển thổi vào. Chiến sĩ Phùng Minh Đức ở đảo Đá Nam chia sẻ, những ngày cuối năm, gió biển thường rất mạnh, nếu chủ quan, chỉ cần một đêm quên không đóng cửa vườn rau thì hôm sau toàn bộ các luống rau sẽ bị gió muối táp đen, cho nên phải rất cẩn trọng.

Không chỉ ở những nơi có cả người dân sinh sống như Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa, mà ngay cả ở các đảo như Đá Nam, Đá Tây, Cô Lin… các vườn rau xanh đều có đủ cả bầu bí, mướp, cải, muống, mùng tơi… để cải thiện bữa ăn cho chiến sĩ. Nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt và tăng gia chăn nuôi trên các đảo chủ yếu được tích trữ từ nước mưa cho nên việc sử dụng nước luôn phải cố gắng tiết kiệm, tận dụng khoa học. Những vườn rau xanh ấy không chỉ gợi lên sức sống mạnh mẽ giữa muôn trùng sóng gió, mà còn là biểu tượng của ý chí quật cường, nỗ lực vượt khó của cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa.

Những vòng tròn bất tử

Quy định 5 giờ báo thức toàn tàu, nhưng không ai bảo ai, mọi người đều dậy trước cả tiếng đồng hồ, nhiều thành viên đã chọn chiếc áo mầu đỏ in ngôi sao vàng giống lá cờ Tổ quốc, trang nghiêm đứng trên sàn đỗ trực thăng của tàu, chờ đợi để được tham dự Lễ Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa.

Bình minh hôm ấy, hơn 200 thành viên trong đoàn đã làm lễ dâng hương và thả hoa, hạc giấy tưởng niệm xuống lòng biển Trường Sa để tri ân những người con đã hiến dâng đời mình cho Tổ quốc, tưởng nhớ về sự kiện bi hùng không thể nào quên cách đây 35 năm, ngày 14/3/1988. Đó là cuộc chiến đấu anh dũng, kiên quyết giữ đảo đến cùng của Hải quân nhân dân Việt Nam ngay tại vùng biển chủ quyền Trường Sa, tại khu vực Cô Lin-Len Đao-Gạc Ma.

Trong vòng tròn bất tử Cô Lin-Len Đao-Gạc Ma, cách bãi đá Gạc Ma (do Trung Quốc chiếm giữ trái phép) khoảng 1,9 hải lý về phía tây bắc, đảo Cô Lin như mũi của thanh kiếm sắc nhọn sừng sững, hiên ngang giữa Biển Đông. Mặt đảo tương đối bằng phẳng, như hình tam giác nhưng cạnh oằn cong, mỗi cạnh dài khoảng một hải lý.

Cả đoàn công tác bồi hồi đứng trên vùng biển ghi dấu lịch sử-nơi 64 Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, tạo nên vòng tròn bất tử huyền thoại. Mầu nước biển ở đây rất lạ, nhiều người đi trước kể rằng vùng biển này khác những nơi khác bởi có máu của các Anh hùng liệt sĩ đã hòa quyện vào nước biển, tạo nên mầu xanh tím trong vắt, vĩnh hằng. Hương trầm thơm ngát, vòng hoa và hàng trăm con hạc giấy gửi đến các anh với lòng tự hào, tiếc thương và tri ân vô hạn. Những giọt nước mắt của nhiều thành viên đoàn công tác lặng lẽ rơi.

Bước xuống xuồng để lên thăm đảo Cô Lin, lúc này mặt trời đã lên cao, ánh nắng chói chang như sáng bừng niềm tin của những người lính hải quân quyết giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Không hề sắp đặt, cả đoàn công tác đã kết với nhau tạo thành vòng tròn, hát vang bài “Nối vòng tay lớn” và những bài hát ngợi ca người lính.

Tạm biệt Cô Lin, chúng tôi đến với xã đảo Sinh Tồn. Bất ngờ được đón cơn mưa Trường Sa hiếm gặp sau mấy tháng nắng cháy da, dù chỉ thoáng qua nhưng cả đảo như được phủ lên một cảm giác xanh mát, trong trẻo. Đúng như tên gọi Sinh Tồn - như trời đất sinh ra và trường tồn mãi mãi với thời gian, sừng sững trước mắt chúng tôi như một bức thành đồng trong hệ thống phòng thủ đảo giữa Biển Đông.

Đảo chạy dài theo hướng đông tây, nằm trên bãi san hô ngập nước, có diện tích hơn 12ha. Trên đảo không có giếng nước ngọt nhưng trồng được cây xanh. Từ đảo đá cằn cỗi năm xưa giờ đã xanh mướt một màu của niềm tin và hy vọng, cây cối dần sinh sôi nảy nở, nhà cửa khang trang, đường đi lối lại thuận lợi...

Ngày hôm sau, chúng tôi đến đảo Đá Tây C lúc 6 giờ 30 phút. Đảo Đá Tây C được coi là ngư trường đánh bắt chính của ngư dân, nhìn quanh đã thấy hơn chục chiếc tàu cá có cờ đỏ sao vàng bay phần phật trước gió. Rời Đá Tây C, tàu tăng tốc, gần trưa đã đến đảo Trường Sa.

Là nơi duy nhất trong hành trình mà tàu trực tiếp cập cảng, không cần xuồng nhỏ trung chuyển, đảo Trường Sa rợp bóng cây xanh, hoa trái, nhà cửa khang trang hiện đại không khác gì thành phố. Nhìn từ xa, đảo Trường Sa như một pháo đài sừng sững, hiên ngang và mạnh mẽ giữa Biển Đông. Đây là điểm dừng chân lý tưởng cho các con tàu vượt qua quần đảo bão tố; nơi đã từng in dấu ấn của những con tàu thuộc Đoàn tàu không số, nhắc nhớ chúng ta về con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển năm xưa, chi viện vũ khí, trang bị cho chiến trường, chia lửa với miền nam ruột thịt.

Hát qua loa, tặng quà qua dây

Ngày cuối trong hải trình, tàu KN-390 tiếp cận nhà giàn DKI/17, lúc này gió biển cấp 5, cấp 6. Xuồng trung chuyển liên tục bị tung lên, dìm xuống bởi những con sóng lớn, đập ầm ầm vào trụ nhà giàn rồi lại bị kéo ra xa. Lên nhà giàn lúc này rất khó khăn, nguy hiểm cho nên mỗi đoàn chỉ được chọn một người có sức khỏe tốt, đại diện lên thăm các chiến sĩ.

Trường Sa, nơi ấy có các anh ảnh 1

Các ca sĩ giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ Trường Sa.

Đón chúng tôi là những người lính có nước da nhuộm màu nắng và gió biển, đầy sức trẻ, rắn rỏi với nụ cười luôn thường trực trên môi. Chỉ huy trưởng nhà giàn DKI là Đại úy Nguyễn Văn Duy. Át cả tiếng sóng, Đại úy Duy cho biết: “Sóng như này là bình thường, có lần sóng gió cấp 7, cấp 8, cao chừng 2-3m, vì xuồng không thể cập chân giàn cho nên khi các chiến sĩ đưa quân lên nhà phải dùng dây từ tàu vào đến sàn cập tàu của nhà giàn, khi cách sàn cập tàu khoảng 4-5m mới dùng cần cẩu để kéo từng người lên”. Chàng trai sinh năm 1985 có đôi mắt sáng và gương mặt kiên nghị, quả cảm ấy hào hứng nói thêm: “Nhưng gian khó mấy chúng em cũng không ngại, chỉ mong được đón thật nhiều người ra thăm nhà giàn”.

Vì không thể lên nhà giàn, cho nên hầu hết các thành viên đoàn công tác đều đứng trên cabin tàu (đài chỉ huy) để có thể trò chuyện và hát cùng các chiến sĩ qua điện đàm (mọi người thường đùa là hát qua loa). Còn đối với quà tặng cán bộ, chiến sĩ nhà giàn thì phải đưa xuống võng cẩu và được chuyển lên theo hệ thống tời cẩu cho nên mới gọi là tặng quà qua dây. Đó là những giây phút mang lại nhiều cảm xúc cho cả hai đầu nỗi nhớ.

Các thành viên, cả những người không phải ca sĩ cũng đề nghị được hát tặng các chiến sĩ nhà giàn. Lời bài hát “Mùa xuân DK” của nhạc sĩ Thập Nhất thật đúng với những người lính nhà giàn: “Nắng gió mặc nắng gió/Lính nhà giàn thề không ngại khó/Mưa giông mặc mưa giông/Lính nhà giàn vẫn thắm hoa hồng…”. Những tình cảm biết ơn, trân trọng, thiết tha và lắng sâu của Đoàn công tác số 7 đã được gửi qua loa tới các chiến sĩ DKI.

Sau hành trình bảy ngày với hơn 1.000 hải lý mãi đọng lại nghĩa tình sâu nặng với Trường Sa trong mỗi trái tim các thành viên đoàn công tác. Món quà quý giá nhất mang về của mỗi người chính là tình cảm biết ơn, niềm tự hào về những người lính hải quân; niềm tin vững chắc về chủ quyền biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc; và biết yêu hơn, trân trọng hơn cuộc sống mình đang có.

(Còn nữa)