Trường học hạnh phúc và trường học thông minh có gì khác biệt?

NDO -

Hiện nay, đồng hành với mô hình trường học hạnh phúc có mô hình trường học thông minh. Vậy, 2 mô hình trường học này có gì giống nhau và khác nhau?

Trường tiểu học thị trấn Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), ngôi trường hạnh phúc trên quê hương Đại thi hào Nguyễn Du.
Trường tiểu học thị trấn Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), ngôi trường hạnh phúc trên quê hương Đại thi hào Nguyễn Du.

Trường học hạnh phúc

Lấy cảm hứng từ mô hình “Happy School” của UNESCO, mô hình "Trường học hạnh phúc" được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai từ năm 2019 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước.

Theo các nhà nghiên cứu, cũng như kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, 1 trường học hạnh phúc có 21 tiêu chí; trong đó có 3 tiêu chí quan trọng, có tính cốt lõi là: yêu thương, an toàn và tôn trọng.

Cụ thể, về tiêu chí yêu thương đó là sự quan tâm, chia sẻ, tin tưởng, hỗ trợ và bao trùm lên là bao dung.

Về tiêu chí an toàn: Trường học phải an toàn về thể chất và tinh thần. Giáo viên, học sinh phải được bảo vệ, không có sự xúc phạm về thể xác và tinh thần để mỗi khi đến trường như là về nhà.

Đối với tiêu chí tôn trọng: Cần tôn trọng sự khác biệt bởi chính sự khác biệt ấy mới tạo nên sự đa dạng về văn hóa và đổi mới. Tôn trọng sự khác biệt, trước hết là không áp đặt, đem giá trị của một vài cá nhân, áp đặt cho cái chung.

Trường học thông minh

Nhằm đào tạo nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều nước trên thế giới đã và đang chuyển đổi trường học, từ mô hình truyền thống sang trường học thông minh, gọi là “SMART School”.

Ở Hoa Kỳ, từ những năm 1990, chương trình dạy học thông minh nhấn mạnh vai trò tích hợp công nghệ số trong lớp học.

Năm 2014, Ủy ban giáo dục tại New York đã đưa ra 7 tiêu chí cho trường học thông minh, gồm: (1) Cung cấp và mở rộng học tập trực tuyến; (2) Sử dụng công nghệ để cá nhân hóa học tập; (3) Kết nối trường học băng thông rộng, tốc độ cao và ứng dụng công nghệ; (4) Kết nối lớp học với các nguồn mở ngoài nhà trường; (5) Giáo viên ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và phát triển nghề nghiệp liên tục; (6) Tập trung vào phát triển các kỹ năng STEM cho người học; (7) Lãnh đạo và quản lý thông minh dựa trên nền tảng công nghệ và năng lực công nghệ.

Ở Việt Nam, trường học thông minh được thí điểm triển khai tại nhiều tỉnh và thành phố. Hà Nội thí điểm triển khai “Mô hình trường học điện tử” tại quận Long Biên cho 7 trường học. Mô hình trường học này được xây dựng trên 3 căn cứ: (1) Cơ sở hạ tầng; (2) Ứng dụng công nghệ thông tin; (3) Môi trường chính sách và các điều kiện để bảo đảm 5 mục tiêu: Bổ sung cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, đầu tư và nâng cao chất lượng khai thác trang thông tin điện tử nhà trường; áp dụng hiệu quả các phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành, giảng dạy và học tập; kiện toàn công tác chỉ đạo điều hành, môi trường chính sách ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường.

Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Trong đó, ngành Giáo dục triển khai xây dựng Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh tại Sở Giáo dục và Đào tạo và xây dựng thí điểm trường học thông minh tại 5 trường học.

Theo đó, trường học thông minh được xây dựng với 5 tiêu chí: (1) Thi trực tuyến, hướng nghiệp trực tuyến, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giảng dạy; (2) Giáo viên được trang bị tin học văn phòng quốc tế; (3) Phủ sóng internet tốc độ; (4) Triển khai thư viện thông minh, học bạ điện tử; (5) Học sinh được sử dụng thiết bị cầm tay thông minh trong giờ học và trong kiểm tra, đánh giá.

Mặc dù có sự khác nhau về các tiêu chí xây dựng, nhưng tựu trung lại, trường học thông minh đề cao tính chất thông minh của nhà trường hướng tới tính linh hoạt, thích ứng, hiện đại và phát triển liên tục-cân bằng động với sự phát triển của thế giới công nghệ hiện đại và đề cao vai trò quan trọng của công nghệ thông minh để xây dựng và duy trì môi trường giáo dục thông minh đó.

Từ các tiêu chí của 2 loại mô hình trường học trên, chúng ta thấy rằng: Trường học thông minh có sự hội tụ của các yếu tố: sư phạm thông minh, học tập thông minh, môi trường giáo dục thông minh. Ứng dụng công nghệ thông tin, các thiết bị công nghệ thông minh sâu rộng trong các hoạt động của nhà trường làm tăng tương tác, mở rộng kết nối, nâng cao chất lượng dạy và học, tăng hiệu quả quản lý nhà trường. Nhà trường trở thành 1 tế bào, 1 mắt xích quan trọng trong thế giới kết nối với các trường học, với các tổ chức học tập khác và với cộng đồng nói chung.

Các tiêu chí của trường học thông minh còn tập trung nhiều về “dạy chữ” còn trường học hạnh phúc có những điểm nhấn thực sự về “dạy người”.

Vì vậy, xây dựng trường học thông minh và xây dựng trường học hạnh phúc là hai cách tiếp cận nhằm hướng tới 1 mục đích: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.

Xây dựng trường học hạnh phúc là một giải pháp tạo cơ sở để xây dựng, duy trì, phát triển trường học học thông minh một cách vững chắc và xây dựng trường học thông minh chính là góp phần đáp ứng các yêu cầu, nội dung, tiêu chí của trường học hạnh phúc.