Trường đại học Kinh tế quốc dân trở thành thành viên Hiệp hội các trường đào tạo kinh doanh (Hoa Kỳ)

NDO - Ngày 27/2, tại Hà Nội, Trường đại học Kinh tế quốc dân đã ký thỏa thuận chính thức trở thành thành viên Hiệp hội các trường đào tạo kinh doanh (Hoa Kỳ) - AACSB.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh buổi lễ ký thỏa thuận.
Toàn cảnh buổi lễ ký thỏa thuận.

AACSB được thành lập năm 1916, nhằm phát triển giảng dạy kinh doanh bậc đại học trên thế giới và là tổ chức kiểm định giáo dục quốc tế lâu đời và nổi tiếng nhất tại Hoa Kỳ và thế giới về các chương trình đào tạo kinh doanh.

Các trường đại học nhận được kiểm định AACSB cần phải đáp ứng được những tiêu chuẩn kiểm định khắt khe về cơ sở học tập, chương trình giảng dạy và chất lượng của giảng viên.

Hiện nay, AACSB có hơn 1.700 tổ chức thành viên và hơn 900 trường kinh doanh được công nhận trên toàn thế giới; có thể kể đến như Trường kinh doanh của Đại học Harvard (Harvard Business School), Stanford University (Hoa Kỳ); Imperial College London, University of Edinburgh (Vương quốc Anh); University of Toronto, University of British Columbia (Canada); University of Melbourne, University of Sydney (Australia)…

​GS, TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân cho biết, chứng nhận AACSB được biết đến trên toàn thế giới là hình thức chứng nhận chuyên ngành lâu đời nhất.

Việc trở thành thành viên chính thức của AACSB sẽ giúp Trường đại học Kinh tế quốc dân có cơ hội hợp tác với các đại học có uy tín trên thế giới; cũng như thường xuyên trao đổi, tiếp cận được các thông tin về cách thức hoạt động của các trường trong một cộng đồng mở.

Ngay trong hoạt động kiểm định, AACSB sử dụng nguyên lý đánh giá đồng cấp, qua đó tạo cơ hội tối đa để các trường cọ xát với nhau, học hỏi và trao đổi cách làm tốt của nhau; cung cấp các giá trị của mình cho toàn cầu.

​Đáng chú ý, việc trở thành thành viên của AACSB, bằng đại học về kinh doanh được cấp bởi Trường đại học Kinh tế quốc dân sẽ được công nhận rộng rãi bởi cộng đồng các đại học danh tiếng của thế giới có cùng ngành đào tạo; bảo đảm cho người học khả năng được tuyển dụng, cạnh tranh mạnh để phát triển nghề nghiệp và tương lai trên phạm vi toàn cầu.