Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc đổi mới toàn diện để đạt chuẩn

Bám sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của địa phương, Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, đa dạng hóa hoạt động, từng bước hoàn thành lộ trình xây dựng trường chính trị chuẩn.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà trường tổ chức tọa đàm về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, công chức cấp cơ sở.
Nhà trường tổ chức tọa đàm về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, công chức cấp cơ sở.

Nhà trường tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, không ngừng mở rộng quan hệ với các ngành, địa phương, đơn vị để tăng cường năng lực chuyên môn, củng cố vị thế là cơ quan đi đầu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh Vĩnh Phúc.

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Đến nay, Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc đã có 65 năm phát triển và đang trên đường đổi mới mạnh mẽ, toàn diện. Bên cạnh đổi mới công tác quản lý, điều hành, tăng cường mở rộng quan hệ, cán bộ, giảng viên của Trường luôn chủ động học tập nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp truyền đạt để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của học viên.

Phó Hiệu trưởng Lê Thị Điều khái quát những nét mới của nhà trường: Các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đều căn cứ vào kết quả khảo sát nhu cầu thực tế của các sở, ngành, đoàn thể và địa phương.

Trong 2 năm 2021-2022, Trường tăng cường mở các lớp trung cấp lý luận chính trị hệ tập trung để nâng cao chất lượng đào tạo; mở nhiều lớp cho bí thư chi bộ, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, trưởng, phó phòng các huyện, thành phố và tương đương. Có lớp rất đông học viên tham gia như lớp dành cho 328 trưởng, phó phòng ban các sở, huyện, thành phố, bồi dưỡng về kỹ năng quản lý sự thay đổi, giải quyết xung đột và tạo động lực làm việc. Nội dung các chương trình bồi dưỡng được cân nhắc kỹ, bảo đảm thiết thực và phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của từng giai đoạn, từng lĩnh vực. Trường mời nhiều chuyên gia, giảng viên cao cấp của Trung ương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham gia giảng dạy.

Năm 2022, ngoài các lớp bồi dưỡng thường xuyên, Trường mở thêm các lớp bồi dưỡng cho cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện quản lý; phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở lớp kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho giảng viên của Trường và giảng viên Trung tâm Chính trị các huyện, thành phố.

Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc đổi mới toàn diện để đạt chuẩn ảnh 1

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hà trao bằng tốt nghiệp Trung cấp lý luận chính trị cho học viên.

Nhìn chung, các lớp đào tạo, bồi dưỡng thực hiện theo đúng kế hoạch, quy chế, quy định, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Nhà trường cũng thực hiện việc đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng theo quy định. Kết quả đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đạt từ mức khá trở lên.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường, bày tỏ tự hào vì đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường đều sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm Power Point trong bài giảng. Đội ngũ giảng viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tham dự các hoạt động của địa phương như hội nghị báo cáo viên của Tỉnh ủy, các buổi tiếp công dân hằng tháng của Ủy ban nhân dân tỉnh, hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh, qua đó, bổ sung thông tin, kiến thức thực tiễn vào bài giảng.

Nhờ đó, các buổi học, buổi hội thảo diễn ra sôi nổi, có sự tham gia tích cực, chủ động của học viên. Chỉ với 40 cán bộ, nhân viên, song 2 năm qua, Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc đã mở 109 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho gần 15.000 học viên, góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Hướng tới mục tiêu trường chuẩn

Hiện nay, Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc đang nỗ lực thực hiện Đề án xây dựng Trường chính trị đạt chuẩn theo Quy định số 11 của Ban Bí thư và Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Để cụ thể hóa từng mục tiêu, nhiệm vụ, Trường đề xuất với tỉnh xây dựng cơ sở vật chất đạt mức chuẩn 1 và chuẩn 2 theo lộ trình. Ban giám hiệu yêu cầu cán bộ, viên chức toàn trường cam kết hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu đối với cá nhân, chỉ đạo các khoa, phòng xây dựng kế hoạch chi tiết về đào tạo, bồi dưỡng, hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và các quy định khác.

Đến tháng 11/2022, Trường đã đạt 4/6 tiêu chí của trường chuẩn là Tiêu chí thể chế, quy định; Tiêu chí hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; Tiêu chí xây dựng văn hóa trường Đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương và Tiêu chí cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và tài chính. Nhà trường đang phấn đấu hoàn thiện sớm Tiêu chí đội ngũ cán bộ, viên chức và Tiêu chí hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.

Sau một thời gian tập trung xây dựng đội ngũ, đến nay, 25/29 giảng viên của Trường có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có 1 tiến sĩ, 1 nghiên cứu sinh. Có 4/14 lãnh đạo khoa, phòng đang giữ ngạch giảng viên chính hoặc tương đương. Để đạt chỉ tiêu 60% giảng viên giữ ngạch giảng viên chính, Trường đề nghị tỉnh xét thăng hạng cho nhiều cán bộ, giảng viên có đủ điều kiện; cử 6 giảng viên đi đào tạo tiến sĩ.

Trong những năm gần đây, Trường tổ chức khá nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở được nghiệm thu đánh giá tốt, có tính ứng dụng cao và được đưa vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Các chương trình hội thảo, tọa đàm được tổ chức thường xuyên. Năm 2022, Trường thực hiện 1 hội thảo cấp bộ, 2 hội thảo cấp tỉnh, 1 tọa đàm cấp tỉnh, 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, 1 đề án cấp tỉnh, 5 đề tài cấp trường, 5 hội thảo cấp trường, biên tập và xuất bản 4 cuốn sách chuyên khảo, tham khảo.

Trong đó, một số hội thảo có tiếng vang như hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương cấp xã ở tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay”; hội thảo khoa học cấp tỉnh “Phát huy tiềm năng văn hóa, lịch sử truyền thống, góp phần đưa Vĩnh Phúc phát triển giàu có, phồn vinh”; hội thảo khoa học “Cải thiện môi trường đầu tư, khai thông nguồn lực, tháo gỡ nút thắt trong phát triển kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc”; tọa đàm khoa học “Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, công chức cấp cơ sở”... Các cuộc hội thảo, tọa đàm được chuẩn bị công phu, tổ chức bài bản, cung cấp luận cứ để tỉnh, huyện xây dựng các nghị quyết, chỉ thị, chương trình và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ, mục tiêu của trường là phấn đấu đạt chuẩn mức 1 vào năm 2023, chuẩn mức 2 vào năm 2027. Toàn bộ cán bộ, viên chức của Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc đang tập trung cao độ cho nhiệm vụ chính trị quan trọng này.