Trùng tu di sản: Bài học chưa bao giờ cũ

NDO -

Những tháng đầu năm, lĩnh vực di sản lại đón nhận thêm những thông tin không vui khi thêm những di tích tiếp tục bị trùng tu, làm mới không tuân theo thiết kế ban đầu, thậm chí làm hỏng di tích. Năm nào cũng vậy, việc các di tích tiếp tục bị biến dạng do trùng tu, làm mới, sơn lại… vẫn luôn là bài học không mới tại nhiều địa phương. 

Di tích Đình Tự Đông khi mới vẽ tranh tường lên. (Ảnh: Báo Hải Dương)
Di tích Đình Tự Đông khi mới vẽ tranh tường lên. (Ảnh: Báo Hải Dương)

Cách đây gần 1 tuần, đình Tự Đông, di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia tại khu dân cư số 4, phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương đã bị Đoàn Thanh niên phường vẽ bích họa lên bức tường trái của đình. Đoạn tường bao phía sau hậu cung dài khoảng 40m cũng được vẽ thành một bức tranh phong cảnh. Được biết, đây là hoạt động hưởng ứng phát động Tháng Thanh niên của Thành đoàn TP Hải Dương. 

Theo giải thích ban đầu của địa phương, việc vẽ tranh cổ động lên tường xuất phát từ việc bức tường bị in các thông tin quảng cáo rác và khẩu hiệu cũ. Đoàn thanh niên đề xuất vẽ tranh cổ động để che các quảng cáo rác và khẩu hiệu cũ, nhưng do thiếu hiểu biết về pháp luật cho nên không lường trước được như vậy lại là xâm phạm đến di tích cấp quốc gia.

Đình Tự Đông được khởi dựng từ thời Hậu Lê, thế kỷ 18, thờ Cửa Ngõ Đại Vương, có tài chữa bệnh cứu dân và được tôn làm Thành hoàng. Đình Tự Đông có kiến trúc hình chữ Đinh, gồm 5 gian đại bái và 1 gian hậu cung. Hiện di tích vẫn còn lưu giữ được kiến trúc cơ bản thời Hậu Lê với nhiều mảng chạm khắc gỗ như bức cốn tứ linh, long quần và lưỡng long chầu nguyệt ở gian đại bái, các đầu dư, đầu bẩy, hệ thống cột vẫn còn khá nguyên vẹn. Năm 1997, đình Tự Đông được xếp hạng Di tích cấp quốc gia.

Ngay sau khi báo chí và dư luận lên tiếng, phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương đã sửa sai bằng cách quét sơn đè lên các phần tranh màu. 

Trùng tu di sản: Bài học chưa bao giờ cũ -0
 Giếng mới đang được xây trong lòng giếng cũ. (Ảnh: Báo Pháp luật)

Trước đó, tại di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu (tại thôn 3, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa), dự án tu bổ, tôn tạo di tích này đã phá bỏ giếng ngọc trong khuôn viên di tích, và dự kiến xây thay vào đó một chiếc giếng mới.

Giải thích cho việc làm lại giếng này, đơn vị quản lý dự án cho biết, giếng được thu nhỏ đường kính lòng giếng từ 10m còn 6m để làm đường lưu thông giữa chùa Hương Nghiêm với đền Lê Văn Hưu, và có diện tích để xây dựng nhà bia.

Sau khi dư luận lên tiếng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã kiểm tra và yêu cầu dừng việc thi công. Trong báo cáo của Sở gửi Cục Di sản cho biết, chưa có tài liệu nào chứng minh giếng của đền Lê Văn Hưu là giếng cổ nghìn năm.

Cơ quan này cũng cho biết, đã phối hợp UBND huyện Thiệu Hóa, UBND xã Thiệu Trung, Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa và các nhà nghiên cứu di tích, lịch sử kiểm tra thực tế tại di tích đền thờ Lê Văn Hưu. Tuy nhiên, tại hội nghị đang còn có những ý kiến trái chiều nhau giữa các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu văn hoá, khoa học, lịch sử và địa phương. 

Hiện tại, việc thi công giếng tại đền thờ Lê Văn Hưu đang dừng lại, chờ các quyết định tiếp theo. 

Các di tích này, dù đã khắc phục việc xâm hại hoặc dừng thi công trùng tu, nhưng rõ ràng là hậu quả không thể xử lý ngay trong một thời gian ngắn, thậm chí khó có thể trở lại nguyên vẹn như trước.

Những năm trước, gần như năm nào cũng có chuyện di tích bị trùng tu, tu bổ hỏng, từ sơn đỏ kết cấu gỗ bằng sơn công nghiệp ở đình Văn Xá (Hà Nam), đình Trùng Hạ (Ninh Bình), cho đến bê-tông hóa đình Lương Xá (Ứng Hòa, Hà Nội), mài hỏng bia Sùng Thiện Diên Linh gần 900 năm tuổi ở chùa Long Đọi (Hà Nam)… cùng rất nhiều vụ việc khác. Mấu chốt ở những vụ việc này là sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan quản lý địa phương, thiếu sâu sát, không bám thực tế. Ở hai trường hợp cụ thể là đình Tự Đông và đền thờ Lê Văn Hưu, việc thi công, vẽ tường diễn ra một thời gian dài, phải đến khi dư luận lên tiếng, cơ quan quản lý tại địa phương mới kiểm tra và xử lý. Vai trò giám sát, bảo vệ của cộng đồng dân cư tại địa phương cũng chưa được nêu cao. 

Những bài học về bảo vệ di sản dường như chưa bao giờ cũ. Nó cũ ở địa phương này, thì ở địa phương khác, lại mới hoàn toàn, và di sản tiếp tục mất đi.