Đây là thông tin được ông Tiêu Á Khánh, Chủ tịch Ủy ban Giám sát và quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc (SASAC) công bố tại Hội nghị thường niên 2019 của Diễn đàn châu Á Bác Ngao hôm qua (27-3).
Theo đó, sau Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, công cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước được kiên trì thúc đẩy với định hướng mục tiêu rõ ràng vận hành theo cơ chế thị trường. Cơ quan giám sát và quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc đã tập trung vào các vấn đề như: xác lập vai trò chủ thể của doanh nghiệp trên thị trường, xây dựng thể chế vận hành doanh nghiệp, nỗ lực giải quyết nhiều vướng mắc tồn tại trong thời gian dài.
Để khắc phục vấn đề thể chế doanh nghiệp hiện đại chưa hoàn thiện, Trung Quốc đã thúc đẩy xây dựng hội đồng quản trị với số thành viên bên ngoài chiếm đa số, thúc đẩy 83 doanh nghiệp kiện toàn hội đồng quản trị.
Với vấn đề hoạt động doanh nghiệp chưa theo cơ chế thị trường, Trung Quốc trọng điểm thúc đẩy cơ chế tuyển chọn và sử dụng nhân lực theo cơ chế thị trường, tăng cường các hình thức khuyến khích lâu dài, để quản lý đội ngũ quản lý doanh nghiệp theo hình thức ký kết hợp đồng, đồng thời thực hiện cơ chế cổ phần ưu đãi.
Đồng thời, Ủy ban Giám sát và quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc cũng ủy quyền hoặc phân cấp mạnh trong quản lý giám sát vốn và tài sản nhà nước; đồng thời, tăng cường giám sát trong các lĩnh vực trọng điểm, tăng cường truy cứu trách nhiệm với các vi phạm, nâng cao hiệu quả và chất lượng giám sát và quản lý.
Theo lãnh đạo SASAC, cải cách thể chế sở hữu hỗn hợp trong các doanh nghiệp nhà nước không chỉ mở rộng về số lượng, mà còn phải tiếp tục làm sâu sắc thêm các nội hàm, để kích thích sức sống và sáng tạo của doanh nghiệp trong quá trình phát triển. Doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc còn không gian hợp tác rất lớn với các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong quá trình cải cách thể chế sở hữu hỗn hợp, tái cơ cấu và chuyển đổi, cải cách cơ cấu nguồn cung, nâng cấp ngành nghề…