Ngày 24-11, Trung Quốc đã phóng tàu thăm dò Hằng Nga 5 nhằm thu thập tài liệu để giúp các nhà khoa học tìm hiểu thêm về nguồn gốc của mặt trăng.
Tàu đổ bộ lên mặt trăng là một trong bốn robot trong sứ mệnh của tàu thăm dò Hằng Nga 5.
Cánh tay robot của tàu đổ bộ được lập trình để khoan khoảng 1,8 mét vào bề mặt mặt trăng để thu thập 2 kg đá và bụi mặt trăng từ một khu vực chưa được khám phá trước đây. Đó là đồng bằng dung nham khổng lồ thuộc vùng Oceanus Procellarum, hay còn gọi là “Đại dương của Bão”. Các mẫu vật này có thể cung cấp thông tin mới về hoạt động núi lửa trong quá khứ của mặt trăng.
Sau đó, cánh tay robot sẽ chuyển mẫu vật đến một module nằm trên đầu tàu đổ bộ. Khi mẫu vật được đặt an toàn, module đó sẽ cất cánh đáp vào tàu thăm dò Hằng Nga 5 hiện đang quay quanh quỹ đạo mặt trăng, rồi tàu thăm dò sẽ chở module chứa mẫu vật quay lại Trái đất.
Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cho biết, nước này sẽ bắt đầu thu thập các mẫu vật trên bề mặt mặt trăng trong hai ngày tới. Các mẫu vật sẽ được đưa về Trái đất, hạ cánh xuống khu vực Nội Mông của Trung Quốc vào giữa tháng 12.
Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên một quốc gia mang đá về từ mặt trăng sau hơn 40 năm. Và Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ ba thu được các mẫu vật từ mặt trăng sau Mỹ và Nga.
Ông David Draper, Phó giám đốc khoa học của NASA nói với New York Times: "Đây là một nhiệm vụ thực sự táo bạo. Họ sẽ tiến một bước lớn để hiểu được nhiều điều quan trọng về lịch sử mặt trăng".
“Chúng tôi sẽ viết lại lịch sử của mặt trăng”
Các mẫu đá mặt trăng trước đây do Mỹ và Nga thu thập đã khiến các nhà khoa học đưa ra kết luận là núi lửa hoạt động trên bề mặt mặt trăng khoảng 3 tỷ năm trước. Nhưng dựa trên quan sát bề mặt mặt trăng, các nhà khoa học ước tính, tại các khu vực như đồng bằng Mons Rümker thuộc vùng Oceanus Procellarum có thể đã có hoạt động núi lửa gần đây nhất là 1,2 tỷ năm trước.
“Nếu các núi lửa trên mặt trăng thực sự hoạt động gần đây, chúng ta sẽ viết lại lịch sử của mặt trăng", nhà địa chất hành tinh Xiao Long, Đại học Khoa học Địa chất ở Vũ Hán, Trung Quốc nói với tờ Nature.
Phân tích đá mặt trăng có thể giúp các nhà khoa học hành tinh hiểu được cách mặt trăng có thể duy trì hoạt động của núi lửa trong hàng tỷ năm.
Giáo sư Clive Neal, một nhà địa chất học tại Đại học Notre Dame, Mỹ nói với Nature: “Mặt trăng nhỏ, vì vậy động cơ nhiệt của nó đã cạn kiệt từ lâu”.
Các tảng đá cũng có thể giúp các nhà khoa học xác định tuổi của các khu vực trên các hành tinh khác như sao Hỏa. Các nhà nghiên cứu điều tra điều này bằng cách phân tích tuổi của các mẫu đá mặt trăng, sau đó đếm các miệng núi lửa trên các khu vực của mặt trăng mà các mẫu đó được thu thập. Nhiều miệng núi lửa hơn cho thấy một khu vực cũ hơn, vì có nhiều thời gian để các tác động tích tụ hơn.
Cho đến nay, các nhà khoa học mới chỉ có thể nghiên cứu các mẫu đá mặt trăng từ các vùng mặt trăng có tuổi đời ít nhất 3 tỷ năm. Bởi vì đồng bằng Mons Rümker có vẻ còn trẻ hơn nhiều, các mẫu đá từ khu vực này có thể giúp các nhà khoa học ước tính chính xác hơn tuổi của khu vực.
Sứ mệnh tàu thăm dò Hằng Nga 5 là sứ mệnh thứ sáu trong một loạt sứ mệnh đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm khám phá mặt trăng, nơi có khả năng sẽ được xây dựng một khu định cư cho con người.
Trung Quốc đã hạ cánh lần đầu tiên vào mặt trăng vào năm 2013. Vào tháng 1 năm ngoái, tàu thăm dò Hằng Nga 4 đã chạm xuống phía xa của mặt trăng, là tàu thăm dò vũ trụ đầu tiên trên thế giới làm được điều này.
Theo SpaceNews, đây là lần thứ ba Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) hạ cánh một robot trên bề mặt mặt trăng. Cơ quan này hiện có bảy tàu vũ trụ hoạt động trên mặt trăng hoặc trên quỹ đạo của mặt trăng.