Trong thời khắc gian nan

Bên cạnh những nỗ lực không thể đo đếm được của lực lượng chức năng và rất nhiều người dân tình nguyện, trong công cuộc chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam có sự dấn thân không nhỏ của các tổ chức tôn giáo. Bài viết này xin giới thiệu về sự đồng hành tham gia tích cực của Giáo hội Công giáo Việt Nam với quê hương, dân tộc trong thời khắc gian nan đó.
0:00 / 0:00
0:00
Các nữ tu Công giáo tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch tại Bệnh viện Quận 11.
Các nữ tu Công giáo tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch tại Bệnh viện Quận 11.

Khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát tại Việt Nam với tâm dịch ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã tích cực đóng góp nhân lực, vật lực phòng, chống dịch Covid-19. Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam và các giáo phận thuộc Tổng Giáo phận TP Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động từ thiện cung cấp thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, tiền mặt và các suất ăn hằng ngày cho các bệnh viện dã chiến, các chốt kiểm soát dịch bệnh và người dân có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 300 tỷ đồng. Trong đó đóng góp cho Quỹ Vaccine phòng Covid-19 5 tỷ đồng; hỗ trợ tiền mặt cho các khu điều trị Covid-19 và khu cách ly số tiền 200 tỷ đồng; hỗ trợ thiết bị y tế số tiền khoảng 15 tỷ đồng; hỗ trợ nhu yếu phẩm khoảng 50 tỷ đồng,… Ngoài ra, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tiếp nhận thủ tục nhập khẩu 200.000 khẩu trang FFP2 trị giá 88.500 euro để trao tặng một số bệnh viện và anh chị em phục vụ tuyến đầu.

Ủy ban Bác ái (Caritas) thuộc Tổng Giáo phận TP Hồ Chí Minh là một đầu mối kết nối các giáo phận trong cả nước để tập hợp các nguồn cung ứng hỗ trợ nhu yếu phẩm và thiết bị y tế từ các nhà hảo tâm và các nơi gửi đến địa bàn có dịch. Cụ thể, Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam và Caritas Tổng Giáo phận TP Hồ Chí Minh đã cấp phát 5.133 thùng sữa, 35.600 phần thực phẩm (cá, thịt), 14.062 thùng mì và cháo gói, 3.050 lít nước mắm và nước tương, 1 tấn đường, 1 tấn muối ăn, 3.000 lít dầu thực vật, 3 tấn cá khô, 700kg tôm, hơn 110 tấn thịt, hơn 290 tấn gạo và hơn 1.032 tấn rau, củ, quả… Giới doanh nhân Công giáo cũng thực hiện chương trình đóng góp 1.275 tấn gạo chia làm 25.500 phần quà giúp các gia đình khó khăn và chia sẻ với 1.704 gia đình có người qua đời. Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng huy động đóng góp 8 tỷ đồng thực hiện "Siêu thị 0 đồng" mang những lựa chọn thiết yếu đến 20.000 gia đình khó khăn tại thành phố. Caritas Tổng giáo phận cũng phối hợp ban Caritas các xứ đạo tổ chức chương trình tặng 26.160 phần quà hỗ trợ các gia đình khó khăn của 203 giáo xứ và 15 giáo điểm trong Tổng Giáo phận TP Hồ Chí Minh. Mỗi phần quà trị giá 350.000 đồng. Tổng chi phí chương trình hơn 9,1 tỷ đồng.

Với tinh thần hiệp hành chia sẻ, các giáo phận khác trong cả nước cũng hướng về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, hỗ trợ tích cực cho công cuộc phòng, chống dịch. Giáo phận Hà Tĩnh quyên góp hơn 6,5 tỷ đồng; ủng hộ vào "Quỹ Vaccine" số tiền 70 triệu đồng; trao 989 suất quà trị giá 316 triệu đồng, cùng với 10.065 suất cơm tương ứng 213 triệu đồng. Giáo phận Vinh kêu gọi được 60 tấn nhu yếu phẩm và khoảng 3 tỷ đồng đóng góp cho phòng, chống dịch. Caritas Giáo phận Đà Lạt đã hỗ trợ hơn 400 tấn rau, củ, quả và hàng tỷ đồng. Giáo phận Cần Thơ hỗ trợ hơn 42 tấn gạo, hơn 4,5 tấn nhu yếu phẩm và hơn 10 tỷ đồng. Giáo phận Buôn Ma Thuột hỗ trợ hơn 30 tấn rau, củ, quả và hàng tỷ đồng. Tổng Giám mục Giáo phận Huế hỗ trợ hơn 10 tấn rau, củ và đặc sản Huế. Caritas giáo phận Hải Phòng hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng…

Đặc biệt, phải kể đến hàng nghìn tình nguyện viên là linh mục, tu sĩ, giáo dân Công giáo phục vụ tại các bệnh viện tuyến đầu tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh phía nam khác. Đến ngày 10/10/2021, đã có 1.558 linh mục, tu sĩ và giáo dân các giáo phận phục vụ tại các bệnh viện tuyến đầu. Tại giáo phận Xuân Lộc, trong số 566 tình nguyện viên có hàng chục tình nguyện viên là bạn trẻ thuộc Ban mục vụ Giới trẻ và huynh trưởng của hội đoàn Thiếu nhi thánh thể của Giáo phận Xuân Lộc. Họ đồng hành cùng các ngành chức năng trong các vai trò khác nhau như trực tiếp điều trị, tư vấn, tình nguyện,… Sự tham gia của chức sắc, tu sĩ và giáo dân là thể hiện rõ nét của tinh thần yêu nước trong thời đại mới. Đặt trong sự kết nối quá khứ và hiện tại, có thể thấy rõ phong trào chống dịch do Giáo hội Công giáo Việt Nam phát động đã trở thành một nghĩa cử mà ở đó các thành phần Dân Chúa có khả năng liên kết trong một hành trình chung, vì đại cục, theo tinh thần của Tin Mừng. Chính sự đồng hành của cộng đồng tín hữu Việt Nam trong phòng, chống dịch cùng với Chính phủ và người dân làm cho mỗi cá nhân trong Giáo hội nhận rõ hơn trách nhiệm của mình với xã hội và Giáo hội.

Đỉnh dịch Covid-19 ở phía nam đã qua đi gần một năm nay với nhiều đau thương mất mát. Trong hành trình ấy, người ta không thể nhớ nổi bao nhiêu linh mục, giáo dân, tu sĩ đã chăm sóc những bệnh nhân xấu số. Sự đồng hành này của Giáo hội Công giáo Việt Nam như là một minh chứng cho những chân lý và gương sáng mà Đức Jesus Ki-tô đã từng hành động khi Ngài màu nhiệm nhập thế làm người. Ở đó, chính Đức Jesus đã đến với những bệnh nhân, những người nghèo cô đơn, không nơi nương tựa. Ở đó, Giáo hội đã ở cùng với giáo dân và người bệnh, chung tay cùng cả xã hội để không ai bị bỏ lại.