Trong thiết kế chính sách, cần chú ý tới nhóm lao động dễ “tổn thương”

NDO -

NDĐT - Những ước tính mới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, các biện pháp phong tỏa một phần hoặc toàn diện do tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới 2,7 tỷ người lao động, tức khoảng 81% lực lượng lao động trên toàn cầu; số giờ làm việc trên thế giới sẽ giảm 6,7% trong quý 2 năm nay, tương đương 195 triệu người lao động làm việc toàn thời gian… Tiến sĩ Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam đã có những chia sẻ về tác động tiêu cực của Covid-19 đến tình hình lao động - việc làm tại Việt Nam.

TS Chang-Hee Lee.
TS Chang-Hee Lee.

Phóng viên: Trong báo cáo nhanh mới đây, ILO đã đưa ra những dự báo cập nhật về tình trạng mất việc làm và giảm số giờ làm việc nghiêm trọng trên toàn thế giới. Theo ông, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

TS Chang-Hee Lee: Vẫn còn quá sớm để đưa ra những dự báo chắc chắn đối với Việt Nam do chúng ta chưa có những số liệu phản ánh tác động toàn diện của đại dịch Covid-19 gây nên đối với doanh nghiệp và việc làm. Đã có một số dự báo được đưa ra dựa trên kết quả khảo sát, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo sẽ có khoảng hai triệu việc làm có nguy cơ bị ảnh hưởng hay Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, 50% các doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ có thể tồn tại được tối đa sáu tháng nếu tình hình khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây nên không được cải thiện. Nhưng chúng ta cần đợi tới khi công bố kết quả điều tra về lao động và việc làm của Tổng cục Thống kê để có một bức tranh chính xác về hoạt động của doanh nghiệp và tình trạng mất việc làm.

Trong báo cáo nhanh mới đây của ILO cho thấy, khoảng 38% lực lượng lao động toàn cầu làm việc trong các lĩnh vực hiện đang chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng, kèm với những nguy cơ cao phải sa thải lao động, giảm lương và giờ làm. Trong đó, tập trung vào các ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản và các hoạt động kinh doanh, vận tải và giải trí.

Ở Việt Nam, những lĩnh vực này hiện đang sử dụng hơn 22,1 triệu lao động, tức 40,8% tổng số việc làm của Việt Nam (theo tính toán của ILO dựa trên kế quả Điều tra Lao động việc làm năm 2018). Chúng ta không nói rằng, tất cả những lao động này sẽ bị mất việc, nhưng có thể thấy họ đang làm việc trong những lĩnh vực có rủi ro cao, đối diện với những thách thức vô cùng lớn để duy trì sự sống còn của doanh nghiệp và duy trì lực lượng lao động.

Điều này cũng mang hàm ý chính sách rất quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người lao động tại Việt Nam. Bởi đây là những lĩnh vực thâm dụng lao động, thường tuyển dụng người lao động được trả lương thấp, trình độ kỹ năng thấp và lao động nữ chiếm phần lớn.

Trong thiết kế chính sách, cần chú ý tới nhóm lao động dễ “tổn thương” ảnh 1

Lao động nữ di cư là một trong những nhóm "đối tượng" dễ tổn thương nhất do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: THU HẰNG

Điều đó có nghĩa rằng khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây nên ảnh hưởng nặng nề hơn đối với người lao động dễ bị tổn thương và lao động nữ. Vì vậy, khi Chính phủ thiết kế các gói hỗ trợ cần phải đặc biệt chú trọng đến vấn đề này…

Phóng viên: Vậy theo Tiến sĩ, trong thị trường lao động Việt Nam đâu là nhóm lao động dễ bị tổn thương nhất trong tình hình hiện nay?

TS Chang-Hee Lee: Có thể thấy, các nhóm dễ bị tổn thương nhất gồm có người lao động làm công việc phi chính thức, lao động di cư và phụ nữ. Nhu cầu của họ cần phải được coi là vấn đề ưu tiên và cấp bách cần giải quyết.

Mặc dù tỷ lệ lao động phi chính thức ở Việt Nam đã giảm, nhưng hơn 70% dân số có việc làm (bao gồm cả các việc làm nông nghiệp) vẫn đang làm các công việc phi chính thức. Phần đông những lao động này không được hưởng các hình thức bảo vệ cơ bản như khi làm những công việc chính thức, cụ thể là chế độ bảo vệ thu nhập, nghỉ ốm và chăm sóc y tế. Trong cuộc khủng hoảng Covid-19 này, họ có thể buộc phải tiếp tục làm việc hay không muốn tự cách ly khi cần... Điều đó, dẫn đến tình trạng họ phải tự đặt sức khỏe của bản thân vào tình thế nguy hiểm và có nguy cơ lây nhiễm cho thêm nhiều người. Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là lao động tự làm, lao động phi chính thức làm việc trong các lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất, lao động giúp việc gia đình và lao động trong nền kinh tế Gig (nền kinh tế việc làm tự do).

Trong khi đó, lao động di cư trong nước, lực lượng chiếm 13,6% tổng dân số, thường làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức không có hợp đồng làm việc và không được tiếp cận với các chế độ bảo trợ xã hội.

Bên cạnh đó, phụ nữ là đối tượng phải chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng lần này. Như tôi đã đề cập, bốn lĩnh vực ILO xác định có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn nhất là dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản và hoạt động kinh doanh hiện đang sử dụng 44,1% lao động nữ ở Việt Nam, trong khi tỷ lệ này đối với lao động nam chỉ là 30,4%. Phụ nữ cũng là lực lượng đảm nhiệm các công việc chăm sóc ở tuyến đầu. Họ chiếm phần đông trong số hai triệu lao động gia đình không được trả lương. Họ là những người chăm sóc chính cho con cái và cha mẹ già. Và chiếm số đông trong các công việc thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất (dệt may, giúp việc gia đình)... Chính vì vậy, việc bảo đảm yếu tố giới trong các phản ứng chính sách phải được xem xét, coi trọng.

Thêm vào đó, trẻ em cũng có thể bị ảnh hưởng do bố mẹ mất việc làm hay bị cắt giảm thu nhập. Khi xảy ra khủng hoảng, tình trạng bỏ học, suy dinh dưỡng, bóc lột lao động và lao động trẻ em có thể gia tăng nghiêm trọng dẫn đến những hệ quả lâu dài và không thể đảo ngược được đối với công cuộc phát triển nguồn lực con người.

Phóng viên: Theo ông, Việt Nam cần xây dựng một khung chính sách như thế nào để đối phó hiệu quả với đại dịch?

TS Chang-Hee Lee: Tôi đánh giá cao việc Việt Nam đã bắt đầu đưa ra và triển khai các gói chính sách kích thích nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập. Gói hỗ trợ thông qua Nghị quyết mới của Chính phủ nhìn chung phù hợp với những khuyến nghị ILO đã đưa ra ở cấp độ toàn cầu đối với các phản ứng chính sách trên diện rộng và đồng bộ để đối phó với Covid-19, bao gồm: kích thích nền kinh tế và việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập, và bảo vệ người lao động tại nơi làm việc. Khung chính sách đó sẽ giúp tăng cường khả năng hồi phục hậu Covid-19 bằng việc giảm thiểu những tác động tiêu cực lên con người cũng như tiềm năng phát triển kinh tế của tương lai.

Tôi cũng nhấn mạnh ba điều, mà Việt Nam cần lưu ý.

Thứ nhất, trong tình hình hiện tại, doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ phải cho thêm nhiều người lao động nghỉ việc - điều mà chúng ta đã bắt đầu nhìn thấy. Nếu không có biện pháp kiềm chế, sẽ làm trầm trọng thêm khủng hoảng xã hội.

Điều quan trọng cần làm là tập trung duy trì việc làm, bằng cách hướng những hỗ trợ của Chính phủ tới những doanh nghiệp có thực hiện các biện pháp để giữ người lao động và bảo vệ sức khỏe của người lao động. Như việc đổi ca hàng ngày có thể vừa giúp giữ người lao động vừa thực hiện giãn cách xã hội. Đây cũng là cách thức chia sẻ công việc trong thời kỳ khó khăn. Làm như vậy cũng sẽ giúp làm chậm lại và giảm thiểu cú sốc từ khủng hoảng việc làm.

Để làm được điều đó, quan trọng là cần phải tổ chức đối thoại xã hội giữa doanh nghiệp và người lao động, và giữa cả hai bên với Chính phủ để tìm được hướng điều chỉnh dần dần đối với việc làm, số giờ làm việc và tiền lương, dựa trên cơ sở đồng thuận. Đối thoại xã hội có thể tạo ra niềm tin và sự tín nhiệm vào chính sách và các biện pháp mà Chính phủ và doanh nghiệp thực hiện nhằm giảm thiểu khả năng dẫn tới bất ổn xã hội. Điều đó sẽ giúp nền kinh tế hồi phục khi Covid-19 được khống chế. Về phương diện này, Việt Nam đã có một số sáng kiến hay, như những gì Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng vừa thực hiện.

Tôi muốn nói thêm về mối liên quan giữa giữ việc làm, kinh doanh an toàn và thúc đẩy các ngành dịch vụ. Chẳng hạn, việc luân phiên lực lượng lao động theo ngày có thể vừa giúp giữ người lao động vừa thực hiện giãn cách xã hội. Hoặc nhà máy có thể chia ca làm việc. Thí dụ, một số người lao động bắt đầu từ 7 giờ sáng, một số khác lúc 11 giờ trưa, và tốp còn lại bắt đầu lúc 3 giờ chiều. Cách này có thể bảo đảm giãn cách xã hội không chỉ trong phạm vi nhà máy mà còn cả ở ngoài phố nữa, do người lao động cần di chuyển đến và đi từ nơi làm việc. Nó cũng tạo tác động tích cực, chẳng hạn đối với các ngành dịch vụ, bởi vì người lao động có thể đến nhà hàng, quán ăn, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, trong các khung thời gian khác nhau phù hợp với thời gian làm việc của họ, nên có thể giúp tăng số lượng khách hàng và duy trì giãn cách xã hội ở các địa điểm đó. Điều này giúp bảo đảm kinh doanh an toàn, giữ việc làm và thúc đẩy tiêu dùng nội địa đồng thời.

Thứ hai, cần giảm thiểu tác động của các biện pháp kiềm chế dịch bệnh tới các doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh gia đình, nông hộ và khu vực nông nghiệp - nông thôn. Trong trường hợp sụt giảm mạnh nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, hoặc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, thì chính hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, đơn vị kinh doanh hộ gia đình và khu vực nông nghiệp - nông thôn mang lại sự hỗ trợ thay thế. Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần tạo điều kiện để họ phát huy vai trò của mình trong giai đoạn quan trọng này, với sự hỗ trợ của Chính phủ.

Thứ ba, như tôi đã nói, bảo trợ xã hội cần được tiếp tục đóng vai trò ưu tiên trong các gói hỗ trợ kích thích, bao gồm cả các gói hỗ trợ trong tương lai, để củng cố các biện pháp đã được thực hiện nhằm bảo vệ người dân và sinh kế của họ. Giờ chính là lúc chúng ta cần có cách tiếp cận cân bằng để đối phó với cuộc khủng hoảng kép này. Về phương diện sức khỏe cộng đồng, Việt Nam đã thể hiện là một trong những nước đi đầu trên thế giới. Đã đến lúc chứng tỏ rằng, Việt Nam cũng xuất sắc như vậy trong giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội, và thị trường lao động. Tôi có niềm tin lớn rằng Việt Nam sẽ làm được. Cộng đồng quốc tế, trong đó có ILO và các tổ chức Liên hợp quốc, luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn.

Phóng viên: Cảm ơn những chia sẻ của ông!