Trở lại làng phong

Khu làng phong Di Linh
Khu làng phong Di Linh

Xơ Mai Thị Mậu nói vậy, bởi trong lòng người Anh hùng Lao động, thầy thuốc - tu sĩ ấy mãi mãi không bao giờ quên những nỗi ấm ức và mặc cảm mà những người bệnh của bà và con cái họ từng phải gánh chịu...

Từ "ốc đảo Hansen" thành ngôi làng ấm áp

Mỗi ngày ở đây, trên ngọn đồi đầy sắc mầu hoa lá ở Bảo Thuận cùng với những vườn cà-phê xanh tươi ở Gia Hiệp thuộc huyện Di Linh (Lâm Ðồng), cuộc sống vẫn diễn ra bình thường như bất cứ ngôi làng nào. Trong những ngôi nhà nho nhỏ, xinh xinh ở cả hai cơ sở là mái ấm của 200 hộ dân "làng phong" với gần 300 nhân khẩu mà trong đó có hơn 150 người đã bị tàn phế hoặc đang được chữa trị. Với sự chăm sóc của 19 cán bộ, thầy thuốc, họ nhẫn nại trên bước đường tìm kiếm sự thành công trong điều trị bệnh với niềm tin và mơ ước yên lành cho cơ thể cũng như tâm hồn. Họ gắng sức tạo lập một cuộc sống dù còn lắm gian truân.

Từ xưa đến tận đầu thế kỷ 20, bệnh phong vẫn được coi là căn bệnh ghê gớm, có khả năng lây nhanh và không có thuốc chữa. Người ta đã xua đuổi và những người bị mắc bệnh phong trên thế giới này đã phải trốn chui, trốn nhủi vào rừng sâu, ra hoang đảo, nhưng khi bị phát hiện họ vẫn có thể bị thiêu sống hoặc thả bè trôi ra biển. Họ chết dần, chết mòn cả thể xác lẫn tinh thần trong sự xa lánh, định kiến. Thế nhưng, trong hoàn cảnh đó, dù ít ỏi, vẫn còn có những tấm lòng nhân ái tìm đến để cảm thông, an ủi họ, mặc dù hồi đó chưa hề có một loại thuốc đặc trị hay cách điều trị hữu hiệu nào.

Trở lại với làng phong Di Linh. Những năm đầu thế kỷ 20, không ít người dân tộc Cơ Ho, Châu Mạ và cả người Kinh ở Lâm Ðồng, Bình Thuận bị mắc bệnh phong. Mặc cảm sợ hãi đã đưa họ vào rừng sâu với cuộc sống bế tắc, đói khổ, đau đớn. Trong những lần vào rừng săn bắn, vị Giám mục người Pháp Giăng Ca-xai-nê thuộc dòng Thừa sai Pa-ri đã tìm thấy họ. Năm 1927, "ông Tây" giàu lòng bác ái này đã lập nên trại phong Di Linh. Giăng Ca-xai-nê đã gắn bó suốt 48 năm với những người bệnh phong cho đến năm 1973 ông mất. Giờ đây, phần mộ của ông vẫn yên vị giữa làng phong và hằng ngày những người bất hạnh vẫn đến cầu nguyện cho linh hồn vị tu sĩ giàu lòng thương người...

Ông K'Bai, một bệnh nhân phong lâu năm nói rằng: "Ðối với chúng tôi, còn có những điều đáng sợ hơn cái chết!" Vâng, đáng sợ hơn cái chết, đó chính là sự mặc cảm, sự lạnh lùng, miệt thị, sự bất bình đẳng trong đối xử, sự xa lánh của gia đình và cộng đồng. Họ đã bị bệnh tật hành hạ đau đớn, nhưng đau đớn hơn là sự quay lưng của người đời, tủi nhục gặm nhấm. Năm nay 80 tuổi, K'Bai mắc bệnh từ năm 1959. Ông bị buôn, làng xua đuổi vào rừng và linh mục Giăng Ca-xai-nê phát hiện và đưa về trại từ đó. 51 năm qua, làng phong chính là nhà của ông, các thầy thuốc và những người đồng bệnh là người thân của ông. Ngay cả vợ ông, bà Ka Rérh cũng là một bệnh nhân phong mà các vị thầy thuốc đã ghép đôi cho ông và giúp ông có tới ba người con khỏe mạnh. Khoa học đã chứng minh, bệnh phong không phải là căn bệnh di truyền, rất khó lây nhiễm, bệnh phong có thể chữa khỏi hoàn toàn và tránh được tàn phế nếu điều trị sớm bằng đa hóa trị liệu. Những người điều trị bệnh phong đã thực hiện tốt công việc của mình và xác tín điều đó. Thế nhưng, đến bây giờ ngoài xã hội vẫn nhiều người chưa nhận thức được điều đó nên vẫn còn những hành vi đối xử thiếu tình người.

                          Anh hùng Mai Thị Mậu với trẻ em làng phong

Thời gian trôi qua, từ một "trại cùi" hẻo lánh được mệnh danh là "ốc đảo Hansen" nay đã trở thành một Trung tâm điều trị bệnh phong tầm cỡ với những thành tích rất đáng trân trọng. Ðể đạt được kết quả như vậy, điều đáng nói đầu tiên chính là nhờ những chính sách thể hiện tính nhân văn và ưu việt của chế độ. Nhờ sự nỗ lực của ngành y tế quốc gia và địa phương với quyết tâm loại trừ bệnh phong ra khỏi cộng đồng. Nhưng trực tiếp ở đây, ở chính làng phong này, công đầu thuộc về xơ Mai Thị Mậu (nguyên giám đốc), xơ Nguyễn Thị Tiến (giám đốc đương nhiệm) và 17 người cộng sự hết lòng vì người bệnh của hai bà. Lòng nhân hậu và tình yêu nghề đã tạo nên một không gian ấm áp trong một vùng cộng cư chứa đầy virus và dịch u cùi. Giám đốc Nguyễn Thị Tiến nói: "Là một cơ sở y tế, chúng tôi hết lòng vì bệnh nhân. Nhưng, điều quan trọng khác là giúp họ xóa tan mặc cảm, hòa nhập cộng đồng, làm sao họ thấy mình là người có ích...".

Những đứa con trở về

Tôi nhớ mãi kỷ niệm lần đầu đến Trung tâm điều trị bệnh phong Di Linh mà người dân địa phương quen gọi là "làng phong". Trên ngọn đồi dừng chân trong buổi trưa đứng bóng hôm ấy là một mầu xanh ẩn dật, lành lạnh và những ngôi nhà nhỏ nép vào nhau, tựa vào nhau. Họ như là những cư dân có đời sống rất riêng trên một "ốc đảo". Trước mặt tôi là một người đàn ông gầy gò, dáng nhỏ thó, gương mặt chìm sâu, ảm đạm. Vẻ như ông không muốn tiếp chuyện khi ánh mắt chạm vào chiếc máy ảnh mà người đối diện vô tình đeo lủng lẳng bên người. Tôi chợt giật mình hiểu ra, chẳng có ai lại thích ngắm gương khi khuôn mặt của mình đang biến dạng, méo mó. Sự mặc cảm đã thiêu đốt đến tận tâm can, thao thức trong từng giấc ngủ của những con người ấy.

Ðiều đáng mừng là, con cái bệnh nhân, những đứa trẻ lớn lên từ mảnh đất trại phong đã trả lời cho xã hội những câu hỏi bấy lâu còn chưa được giải đáp thỏa đáng. Họ lớn lên, lành lặn cả thể xác lẫn tâm hồn, được chăm sóc dạy dỗ tử tế, nhiều người đã bước qua cổng trường đại học. Nhiều người trong số đó sau những tháng ngày đèn sách đã trở về với làng phong trong vai trò thầy giáo hay thầy thuốc, góp sức cùng "mẹ Mậu", "mẹ Tiến" cùng mọi người và cả cộng đồng thoa dịu nỗi đau chung. Có lẽ đây là một trong những thành công lớn nhất của những người làm công tác loại trừ bệnh phong. Trong khi loại trừ một căn bệnh đặc biệt, họ đã "loại trừ" luôn những định kiến xã hội bằng câu trả lời: con cái của bệnh nhân phong là những người lành lặn, là những người có ích cho xã hội.  

Là con trai của hai bệnh nhân phong lâu năm, ông K'Bràng và bà Ka Mát, bác sĩ K'Brình không thể nào quên những năm tháng gian khó đã đi qua của cuộc đời mình. Khổ về vật chất chỉ là "chuyện nhỏ", ám ảnh khôn nguôi với anh chính là nỗi mặc cảm trong suốt thời cắp sách. Thế nhưng, với sự yêu thương, động viên của những "người mẹ" ở làng phong, anh quyết chí học hành thành tài, học để trở về làng phong mà anh coi là một gia đình lớn. Học để trở về phục vụ chính cha mẹ đẻ, cho những bệnh nhân mà từ ấu thơ anh đã coi là người thân của mình. Tốt nghiệp đa khoa Ðại học Y thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2005, K'Brình đã trở thành một trong ba bác sĩ giàu kinh nghiệm và tình yêu thương của khu điều trị. Cũng có hoàn cảnh giống anh, bác sỹ K'Ðỉu - Phó Giám đốc Khu điều trị bệnh phong Di Linh cũng sinh ra và lớn lên tại làng phong khi có cha và mẹ đều là bệnh nhân. Bà giám đốc cấp cho tôi thông tin, trong số 19 cán bộ - nhân viên của trung tâm, có đến tám người là con của bệnh nhân: đó là các bác sĩ K'Brình, K'Ðỉu và Ðinh Quốc Quan; các hộ lý - điều dưỡng Ka Thủy, Ka Rụng, Ka Riềm và hai lái xe K'Brèm và K'Jeóh. Một điều dưỡng viên trẻ tên là Lan nói rằng: "Các anh chị ấy làm việc rất tận tâm. Ngoài lương tâm, trách nhiệm, trong họ còn có sự đồng cảm và chia sẻ tột cùng. Bởi, hơn ai hết, họ là người trong cuộc".          

Chuyện về người nữ tu - anh hùng

Ðể những người con bệnh nhân phong lành lặn, thành đạt trở về làng phong, đó là nhờ ý tưởng cao đẹp và công lao của xơ Mai Thị Mậu. Bà là người mà nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã từng nói: "Với xơ Mậu, phải phong ba lần Anh hùng mới xứng đáng!". Khi biết tin bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng vào cuối tháng 2-2005, không mấy ai ngạc nhiên. Nhiều bệnh nhân phong còn đang được bàn tay bà chăm sóc hằng ngày hay đã bình phục trở về với cộng đồng đều xúc động rơi nước mắt khi chứng kiến vị ân nhân của họ được  trao tặng phần thưởng cao quý. Giám đốc đương nhiệm Nguyễn Thị Tiến nói: "Tôi quý mến xơ Mậu vì tấm lòng vị tha và tinh thần phục vụ tận tụy của bà. Xơ Mậu là tấm gương sáng của những người thầy thuốc ở đây, và là ân nhân suốt đời của các bệnh nhân phong".

Không gặp xơ Mậu nhiều lần, nhưng quả thật, với đôi cuộc tiếp xúc ngắn ngủi và những gì biết được về người nữ tu ấy đã để lại trong suy nghĩ của tôi những ấn tượng thật khó phai mờ. Là nhà quản lý, là cán bộ y tế, nhưng trước hết, bà là một người phụ nữ mà lòng nhân hậu và những hành động thể hiện đức tính từ tâm thật khó có thể dùng ngôn từ để chuyển tải hết. Năm 1973, khi Giăng Ca-xai-nê tạ thế, trách nhiệm điều hành ngôi làng đặc biệt này, ngay từ thời điểm đó, đã đặt lên đôi vai Mai Thị Mậu, lúc đó bà mới 32 tuổi. Xơ Mậu nói: "Ðược hòa nhập cộng đồng, được đối xử bình đẳng và nhân từ là niềm an ủi lớn lao nhất của những ai bị mắc bệnh phong. Vì, họ cũng là con người và có đời sống tâm hồn như bất cứ ai khác". Bà đã nói như thế và suốt gần bốn mươi năm qua của cuộc đời mình đã sống và làm hết sức cho điều tâm niệm đó. Bà như một điểm tựa tinh thần, một chiếc gậy cuối cùng cho những người bệnh vượt qua cái "dốc" dữ dội nhất trong cuộc đời tàn phế của mình. Một giấc ngủ không sâu trong cơn đau thể xác cũng có sự vỗ về của xơ Mậu. Một người trở dạ sinh con cũng bíu chặt bàn tay của bà. Ai đó xấu số qua đời thì người chia sẻ sự mất mát, đau thương đầu tiên vẫn là xơ Mậu. Con cái người bệnh đi học, bà lo mọi giấy tờ thủ tục. Bọn trẻ yêu đương nhau bà góp thêm đôi lời khuyên giải; khi chúng thành gia thất bà lại giữ vai trò chủ hôn. Bà lo từng giấc ngủ, bữa ăn, không ngần ngại khi đưa bàn tay của mình rửa ráy, băng bó cho những cơ thể lở loét. Người thầy thuốc tu sĩ ấy coi nỗi đau của những bệnh nhân, những người đồng loại như chính nỗi đau trên cơ thể mình...

Người phụ nữ lưng còng mang bộ áo quần bạc mầu, đầu đội chiếc nón lá đang tỉ mẩn đưa từng nhát chổi quét sân mà tôi nhìn thấy đầu tiên trong chuyến trở lại làng phong này vẫn là xơ Mậu. Ngoài tuổi bảy mươi, đã nghỉ hưu nhưng xơ Mậu vẫn còn đầy nhiệt huyết với công việc phụ giúp làng phong. Có lẽ bà không biết mệt mỏi? Anh hùng Lao động Mai Thị Mậu nói rằng: "Nhiều lúc cũng mệt mỏi lắm chứ. Nhưng những thân phận đáng thương ở đây không cho phép tôi được quyền nghỉ ngơi. Tôi phải ở bên họ, chăm sóc họ. Cùng với những người đồng nghiệp, đồng đạo và cả xã hội này, tôi góp chút tình cảm và sức lực của mình làm dịu phần nào nỗi đau của những người bệnh phong. Cuộc đời tôi đã thuộc về họ".