“Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” - một nguồn tư liệu quý

NDO - Là cuốn sách đầu tiên tập hợp các trò chơi của trẻ nhỏ ở Bắc Bộ vào đầu thế kỷ 20 “Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” của tác giả Ngô Quý Sơn lần đầu được bạn đọc biết tới vào năm 1943 bằng tiếng Pháp trên Tập san của Viện Nghiên cứu con người Đông Dương. Gần một thế kỷ sau, cuốn sách được chuyển ngữ sang tiếng Việt và được Nhã Nam và quỹ VinIF phối hợp giới thiệu tới bạn đọc.
0:00 / 0:00
0:00
Buổi giao lưu ra mắt sách.
Buổi giao lưu ra mắt sách.

Đây là cuốn sách đầu tiên viết về trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ vào đầu thế kỷ 20, khi xã hội truyền thống của người Việt bắt đầu có sự chuyển biến dưới tác động của chính sách cai trị của thực dân Pháp. Ban đầu, sách được viết bằng tiếng Pháp, có lẽ chủ yếu cho người Pháp đọc và những người Việt biết tiếng Pháp.

“Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” - một nguồn tư liệu quý ảnh 1

Cuốn sách được đánh giá là nguồn tư liệu “gốc”, là tài liệu nghiên cứu văn hóa quý, chân xác về trò chơi của trẻ em, mà phần lớn các trò chơi đó đến nay không còn; nhiều trò chơi bị mất từ rất lâu. Chính nhờ những trò chơi thôn dã như đánh khăng, đánh đáo, bịt mắt bắt dê... mà ta hiểu rõ hơn tính chất các hoạt động của trẻ em Bắc Kỳ, thời kỳ thực dân-phong kiến.

Đây là kết quả một dự án nghiên cứu văn hóa của Nhã Nam, được xuất bản với sự tài trợ của VinIF (Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup).

“Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” - một nguồn tư liệu quý ảnh 2

Các diễn giả tại buổi giao lưu ra mắt sách.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, tính cộng đồng trẻ em làng xã không còn và rất nhiều trò chơi trong cuốn sách cũng mất đi tính phổ biến. Ngoài tính chất khảo cứu về mặt xã hội học, dân tộc học, “Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” cũng là một cuốn sách bổ ích giúp độc giả ngày nay tìm lại những trò chơi đã bị lãng quên.

Sách miêu tả chi tiết đi kèm với tranh minh họa sống động, đưa độc giả đến với thế giới giải trí vô tư của trẻ em, để rồi qua đó, giúp người đọc hiểu được những tập tục và truyền thống sinh hoạt của người An Nam xưa theo một cách thức tự nhiên và lôi cuốn.

Nói về cuốn sách, PGS.TS Bùi Xuân Đính cho rằng, “Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” của tác giả Ngô Quý Sơn là cơ sở khoa học đáng tin cậy để phục hồi, truyền bá và phát triển các trò chơi dân gian đã vắng bóng ở trường học, các vùng nông thôn và một số vùng đô thị.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng, nếu đối chiếu với thực tế, các trò chơi này ít nhất còn tồn tại đến những năm 1970, tuy nhiên việc thực hành các trò chơi này giảm dần ở tùy địa phương khác nhau. Thí dụ các trò phổ biến đến những năm 1970, như chồng nụ chồng hoa, đánh khăng, đánh đáo, bịt mắt bắt dê, đánh chắt… có đôi chút thay đổi về mẹo thuật, cũng như các câu đồng dao hát kèm so với 50 năm trước.

“Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” - một nguồn tư liệu quý ảnh 3

Đông đảo bạn đọc trẻ đã đến dự chương trình.

Cuốn sách chủ yếu khảo tả các trò chơi phổ biến ở Bắc Bộ, cấu trúc đầu và cuối của một trò chơi, mà không đi sâu nghiên cứu lịch sử của nó. Tác giả Ngô Quý Sơn đưa ra một hệ thống về trò chơi của trẻ em Bắc Bộ như sau: Các trò chơi liên quan đến cơ thể, Các trò chơi dùng que, Các trò chơi dùng sỏi, Đánh đáo, Chơi diều, Các trò chơi may rủi và tìm kiếm, Các trò giải trí khác, Các trò ma thuật, Các trò dùng lời nói, Những trò ức hiếp diễu nhại, và cuối cùng là các bài đồng dao.

Trong hệ thống này, chúng ta thấy có những trò chơi dễ, không cần học hỏi gì cả, không cần phương tiện, nhưng khá nhiều trò chơi cần thực tập, cần sự trợ giúp của người lớn (ví dụ chơi diều, soạn bài đồng dao nào đó có ý nghĩa), lại có thể nhìn nhận trò chơi với lứa tuổi, ví dụ chơi quay, chơi sáo diều cần có thể lực và lớn một chút. Về cách phân loại này, Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn nhận xét rằng, mới nhìn thì thấy đơn giản, nhưng khá ấn tượng và rõ ràng, có thể từ đây gợi ý cho việc khôi phục và xây dựng lại trò chơi cho phù hợp với ngày nay.

Cuốn sách là một công trình đầy đủ, sáng rõ và trung thực về trò chơi trẻ em. Các trò chơi, bài vè, các ngạn ngữ… được mô tả tỉ mỉ, được chỉ rõ địa danh và cung cấp nhiều phiên bản khác nhau. Chẳng hạn như trò Nu na nu nống được ghi chú rõ ràng: “Trẻ trai, trẻ gái. Chơi chung hoặc riêng. Quanh năm. Phổ biến” và được đưa ra một số phiên bản khác nhau kèm địa danh, như bản gốc, bản ở Hà Đông, bản ở Bắc Ninh... Ngoài ra, đây còn là một công trình mang lại nguồn tư liệu đáng quý, liên quan đến một chủ đề hiếm khi được khai thác.

Thông tin về tác giả Ngô Quý Sơn không nhiều. Theo nhà nghiên cứu Ngô Thế Long, Ngô Quý Sơn là Thành viên thực thụ của Viện Nghiên cứu về con người Đông Dương, thành lập năm 1937. Năm 1943, ông cho ra mắt Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ lần đầu bằng tiếng Pháp trên Tập san của Viện.

Các tài liệu đi kèm trong cuốn sách được Ngô Quý Sơn thu thập vào các năm 1940 và 1941 tại một số làng ở Bắc Kỳ. Phần lớn trò chơi được ông quan sát trực tiếp tại các tỉnh Hà Đông, Bắc Ninh và Sơn Tây. Thông tin về trò chơi ở các địa phương khác được cung cấp bởi những người đưa tin là dân gốc tại đó nhưng tạm trú ở Hà Nội.