Trịnh Thanh Sơn – Người rót biển vào chai

NDO - Nhắc đến đội ngũ những cây bút sinh từ cuối thập niên 40, lớn lên cùng cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc và tiếp tục có những tác phẩm nở rộ trong giai đoạn sau 1975, không thể không kể đến Trịnh Thanh Sơn.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Gia tài văn học nghệ thuật mà Trịnh Thanh Sơn để lại khá đa dạng, phong phú bao gồm vài chục truyện ngắn, hơn hai trăm bài phê bình tiểu luận văn học, nhiều bài phê bình điện ảnh, một số kịch bản văn học, song có lẽ phần đặc sắc nhất, nhiều cống hiến nhất của ông vẫn là thơ. Trịnh Thanh Sơn đã để lại 4 tập thơ và một số bài thơ Di Cảo, đưa tổng số các tác phẩm thơ của ông lên gần 300 bài. Nhân dịp tròn 15 năm ngày ông đi xa (2007-2022), chúng tôi một lần nữa muốn nhớ về những thi phẩm tiêu biểu của ông, đã in dấu một cách đậm nét trong lòng nhiều thế hệ độc giả suốt mấy thập kỷ qua.

Ngay từ tập thơ đầu tiên trình làng - ““Cọng rơm vàng”” (1993), Trịnh Thanh Sơn đã chứng tỏ một giọng điệu thơ riêng, một nội lực thơ mạnh mẽ, được cất cánh từ một hồn thơ giàu tình cảm, biết trân trọng những giá trị truyền thống. Câu thơ xuất thần khép lại bài “Biển vắng” mà tôi dùng làm nhan đề cho bài viết này, cũng đã hiện diện ngay từ tập thơ đầu tiên. Xin được đọc lại trọn vẹn cả bài thơ: “Rơi chiều vàng ngơ ngác sóng/ Xin đừng dõi chi chân trời/ Anh ngồi im chìm chiếc bóng/ Chén này biển với mình thôi/ Một cộng với một thành đôi/ Anh cộng cô đơn thành biển/ Nắng tắt mà người không đến/ Anh ngồi rót biển vào chai”.

Không chỉ là một bài thơ tình, “Biển vắng” còn là bài thơ về nỗi cô đơn muôn thuở của kiếp người, của những tâm hồn nghệ sĩ. Cái cô đơn là sự cần có để sinh ra sáng tạo nhưng sau đó, người nghệ sĩ vẫn khát khao vô cùng một đồng cảm sẻ chia. Vì thế mới có cảm giác đợi chờ tha nhân cùng đến với mình. Khi nỗi đợi chờ rơi vào vô vọng thì một sự bùng nổ xuất hiện, đem cái vô hạn vào cái hữu hạn, muốn nhốt cái hữu hạn lại bằng cảm xúc bất tận của một hồn thơ đã đến độ thăng hoa: “Anh ngồi rót biển vào chai”.

Ý thức cao độ về sáng tạo, Trịnh Thanh Sơn đã sớm có những tuyên ngôn về thơ: “Tôi dắt Thơ bước vào phòng cưới/ Thơ - Nàng Dâu trong trắng ngọc ngà/ Thơ đồng bóng, cả tin và nổi loạn/ Thơ ngoại tình như Em và Ta!/ Tôi lặn vào Thơ như đồng thiếp/ Dường trong thơ chứa sẵn một hồn ma/ Ma ám ảnh đời tôi cả trong giấc ngủ/ Tôi mệt nhoài, Ma vẫn chưa tha/ Tôi về với thơ như về nhà với mẹ/ Nơi có rặng tre vọng tiếng cu gù/ Nơi Mẹ chong đèn đợi tôi về trước cửa/ Và cũng chính từ nơi ấy…Thơ đi!” (Tản mạn thơ).

Bài thơ gồm 3 khổ mà thực chất mỗi khổ có thể tồn tại độc lập như một bài thơ tứ tuyệt, ở đó ta thấy rõ quan niệm sáng tạo của Trịnh Thanh Sơn: thơ ca phải mang trong nó vẻ sang trọng, đẹp đẽ nhưng cũng đầy bất thường, kỳ ảo, nổi loạn. Vẻ đẹp của thơ phải vừa hữu lý vừa vô lý, nhưng cuối cùng, thơ ca cũng phải biết nâng niu trân trọng những gì là nguồn cội như quê hương, như mẹ hiền.

Trịnh Thanh Sơn ngay từ tập thơ này đã có những câu thơ, bài thơ về tình cảm gia đình thật cảm động. Sự chân thật, chân thành cộng với cảm xúc dâng trào đã giúp những hình tượng thơ độc đáo ra đời: “Con thân yêu, con là gái hay trai/ Cha thầm gọi tên con là dòng suối/ Trong vắt chảy giữa cỗi cằn khe núi/ Suốt đời cha ngả bóng xuống lòng con/ Cuộc đời cha từng thớ đá u buồn/ Cũng chắt lọc cho con dòng mát ngọt/ Nếu có thể dùng Thơ làm tã lót/ Thì suốt đời cha sẽ đủ cho con…” (Những ngày đợi con ra đời).

Vậy là với Trịnh Thanh Sơn, Thơ ngoài việc là Nàng Dâu, là Tình Ái, là Ma Quỷ, là Quê Hương với Mẹ Hiền, Thơ cũng sẵn sàng trở thành Tã Lót, chỉ cần trong đó chứa đủ đầy những yêu thương che chở. Với một tinh thần thơ, tình cảm thơ như thế, không khó để tìm ra nhiều câu thơ tài hoa của Trịnh Thanh Sơn trong tập thơ đầu tay ““Cọng rơm vàng””: “Cái lá bàng, cái lá bàng mỏng mảnh/ Đã khôn ngoan rơi trước trận mưa rồi” (Mưa chuyển mùa), “Chỉ còn dấu guốc em để lại/ Cắm trên bùn tươi như một vết thương” (Chiêm bao), “Có một ngày chủ nhật/ Dài như chiếc dây phơi” (Có một ngày chủ nhật).

Cũng trong tập thơ ““Cọng rơm vàng””, Trịnh Thanh Sơn còn sớm chứng tỏ nội lực thơ mình qua thể loại trường ca. Thi phẩm Câu hát cuối cùng với gần 500 dòng thơ là một cảm xúc trào dâng và mạnh mẽ, là một trải lòng tự sự về mối tình nhiều hạnh phúc xen lần đắng cay của nhà thơ: "Thôi vĩnh biệt những mùa thu yên tĩnh/ Hương sữa bay lơ đãng lòng đường/ Nắng đã lặn trong trái hồng áy đỏ/ Cỏ ven hồ và cây lẫn trong sương/ Đã trót lạc vào vườn ăn trái cấm/ Lối đam mê còn ngoái lại làm gì/ Cũng chỉ bởi môi em mềm như cốm/ Mà sen tàn, nắng hạ mới bay đi".

Sau “Cọng rơm vàng” (1993), Trịnh Thanh Sơn tiếp tục cho ra mắt “Giậu cúc tần” (1996), “Đóa tầm xuân” (1999) và “Giàn thiên lý” (2004). Theo cảm nhận của tôi, hành trình thơ Trịnh Thanh Sơn suốt mấy chục năm luôn nhất quán về phong cách và giữ vững về phong độ.

Trịnh Thanh Sơn – Người rót biển vào chai ảnh 1

Cố NSND Trọng Khôi, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán thăm nhà thơ Trịnh Thanh Sơn khi ngã bệnh.

Nếu ở thời kỳ “Cọng rơm vàng”, ông có những bài thơ, câu thơ thật hay về tình cảm gia đình; thì đến thời kỳ sau, ông tiếp tục chinh phục người đọc bằng những bài thơ xuất sắc như “Bà tôi”, “Cho con”. Người đọc có thể cùng nghẹn ngào với tác giả trong dòng hồi ức về kỷ niệm đã qua, gắn với những biến cố lịch sử không chỉ của một gia đình mà còn là lịch sử của dân tộc: “Anh hàng xóm răng đen mắt toét/ Rủ tôi đi “đả đảo” bà tôi/ Trèo lên cây bàng tôi vạch lá/ Nhìn xuống sân đình tôi khóc gọi: Bà ơi!/ Bà tôi tóc bạc da mồi/ Đứng chôn chân trước “vành móng ngựa”/ Vành móng ngựa quây bằng tre nứa/ Bóng bà nghiêng xô lệch cả hoàng hôn!” Người đọc cũng cảm nhận được những cay đắng, đau xót của một người cha khi phải chứng kiến, đối mặt với những sai phạm, lầm lạc của chính con mình, nhưng không bao giờ lụi tắt một niềm tin.

Và ông muốn nhắn nhủ: con cái hãy biết sống xứng đáng với sự hy sinh của cha mẹ: “Thôi cũng liều một nhát này xem/ Nhất là bét! Ba làm con cá chuối/ Đã đắm đuối thêm một lần đắm đuối/ Miễn con là hàng thật để ba mua”.

Trịnh Thanh Sơn – Người rót biển vào chai ảnh 2

Nhà Thơ Hoàng Cầm và nhà thơ Trịnh Thanh Sơn và câu thơ nhà thơ Hoàng Cầm tặng trước khi nhà thơ Trịnh Thanh Sơn mất “Dẫu núi đi xa mãi/ Núi vẫn xanh lòng anh”. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Trịnh Thanh Sơn tiếp tục dâng tặng cho đời những câu thơ tài hoa: “Ta như gã ăn mày hậu đậu/ Có rá buồn đem đổ ở cầu ao”. Thơ Trịnh Thanh Sơn trong những giai đoạn sau mang nhiều khắc khoải hơn bởi những suy tư về thân phận, về kiếp người. Tứ thơ độc đáo về cuộc trò chuyện giữa một văn nhân và một cô gái điếm bên bãi biển sẽ còn làm chúng ta nhớ mãi: “Nào ngồi đây ta trò chuyện cùng nhau/ Chân dẫm cát ngang đầu vành trăng khuyết/ Tôi là điếm! Còn em giờ là khách/ Thôi nữa mà, chặc lưỡi hát đi em” (Và tôi đối mặt).

Nếu như ở giai đoạn đầu, Trịnh Thanh Sơn đã có trường ca “Câu hát cuối cùng” thì ở giai đoạn sau, ông tiếp tục có những tác phẩm phô diễn trường lực như thế, mà điển hình nhất phải kể đến Nguyệt thực với độ dài 152 câu thơ. Một bài thơ tình với lớp lớp câu thơ ùa ra như ngàn sóng, trào ra từ những khổ đau mất mát, những nuối tiếc nhớ nhung, những đắm say tha thiết, những ngông cuồng tuyệt vọng: “Thôi cầm lòng quay mặt tóc dài ơi/ Rừng đâu chỉ một mình chim gõ kiến/ Thả theo suối một mảnh trời sẫm tím/ Chiều không trôi mắc cạn ở ngang dòng/ Người đi rồi bỏ lại cánh chiều không/ Ly rượu quán Vân vài trang báo cũ/ Như gốc cây bên hè đường bật rễ/ Ta làm sao tiêu hết một buổi chiều/ Ly rượu một mình thơm mùi độc dược/…Có lẽ nào rơm rạ bỏ ta đi?/ Ta vẫn nghĩ rạ rơm là dáng Mẹ/ Những ngón tay nâng, những lời thủ thỉ/ Những cánh cò lặng lẽ rẽ hoàng hôn/ Rạ rơm đi trống trải cả linh hồn”.

Trịnh Thanh Sơn – Người rót biển vào chai ảnh 3

Nhà thơ Hoàng Cầm và nhà thơ Trịnh Thanh Sơn. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Trịnh Thanh Sơn còn có một mảng thơ độc đáo dành cho văn nhân bạn hữu, cũng là những tên tuổi tiêu biểu trong làng văn. Chỉ với một vài nét tạc, thần thái chân dung của từng gương mặt hiện lên rõ ràng. Chẳng hạn với Hữu Loan: “Tóc trắng xõa trên câu thơ khốc liệt/ Thi nhân ơi mây trắng vắt ngang đầu”. Hay với Hoàng Cầm: “Khóc bên bồi bên lở/ Sông Đuống mồ côi nghiêng”. Ông đã viết nhiều câu thơ khóc bạn: “Anh chết rồi vẫn còn lắm nhà thơ/ Mỗi ngày chừng dăm trăm bài thơ trên mặt báo/ Dưới đất nâu chắc anh thầm thì bảo/ Liệu có câu thơ nào trong trí nhớ của tôi” (Khóc Tô Hà), “Chu Hồng Hải thân yêu/ Long An xa xôi tao không vào được/ Đêm đêm tao để hình mày chụp cùng tao trên bàn viết/ Cây bút bi cầm như một nén hương” (Nhớ Chu Hồng Hải).

Và rồi đến lượt mình, ông lại viết những câu thơ thật bình thản trong những ngày cuối cùng của cuộc đời nhưng cũng đầy quyến luyến khát khao với sự sống, với tình yêu: “Các bạn ơi/ Với riêng tôi/ Ngày mai có thể mặt trời không dậy nữa/ Nhưng không sao/ Xin chào tất cả, tôi đã sẵn sàng!/ Đêm im vắng lạ lùng/ Thảng thốt tiếng còi tàu ngoài ga Hàng Cỏ/ Vút một tiếng chim lợn ngang trời sắc như cật nứa/…Chợt một cánh tay/Một giọng nói ấm êm khẩn thiết dịu dàng vươn ra níu giữ/ Tôi ngoái nhìn/ Trời ơi! Gương mặt mẹ! Và khuất sau lưng mẹ là Em!” (Trước cửa Đài Hóa thân Hoàn vũ)

Nhớ về Trịnh Thanh Sơn nhân dịp tròn 15 năm ngày ông đi xa, những bài thơ, câu thơ của ông vẫn còn đọng lại mãi nơi đây, làm bạn với chúng ta qua biết bao ngày tháng vui buồn. Đó cũng là những cống hiến, đóng góp của ông để lại cho đời sống này, nhắc chúng ta không bao giờ quên ông, một hồn thơ tận hiến: “Tôi đã sống hồn nhiên như cỏ/ Dẫu bao nhiêu giông tố nát thân mình/ Để một mai về trong lòng đất/ Hóa thân thành muôn đọt non xanh” (Tự bạch).