Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, kể rằng: Cách đây 4 năm, khi mà người dân trồng mía bắt đầu chán nản vì lợi nhuận thấp, không có lời, thậm chí lỗ vốn và bắt đầu chọn những cây trồng khác để chuyển đổi như mãng cầu xiêm, chanh không hạt… Lúc đó, có Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu miền tây (Westfood) ở Cần Thơ đến đặt vấn đề xây dựng mô hình trồng cây dứa MD2 chỉ vài ha ở xã Phương Bình để nhân rộng, nhằm từng bước xây dựng vùng nguyên liệu cho công ty. Doanh nghiệp sẽ hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm bảo đảm người trồng có lãi.
Xét thấy dứa MD2 (hay còn gọi là khóm Mỹ) là loại cây sinh trưởng khỏe, chịu phèn, hạn tốt; trái có vỏ mỏng, nhiều nước, thịt giòn, màu vàng tươi, ít xơ, hương vị thơm ngon, sử dụng rất phù hợp cả cho ăn tươi và chế biến. Do vậy, địa phương đã phối hợp xây dựng mô hình điểm.
Qua một năm, thấy có hiệu quả, người dân ở xã Phương Bình và Phương Phú bắt đầu tham gia và diện tích đến nay đã tăng lên gần 130 ha, với số lượng trồng 60 nghìn cây/ha, ước đạt năng suất bình quân 65-70 tấn/ha, sản lượng bình quân 7.000-7.500 tấn trái.
Ông Lâm Văn Lam, ở ấp Phương Quới A, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, một trong những hộ đã chuyển từ cây mía sang trồng cây dứa MD2 được 3 năm cho biết, nhiều người trong ấp thấy trồng dứa có hiệu quả, nên cùng nhau đầu tư chuyển hướng. Cái thuận lợi khi tham gia mô hình liên kết này là người trồng được doanh nghiệp hỗ trợ về kỹ thuật và hỗ trợ bán con giống bằng hình thức trả chậm. Khi thu hoạch trái đến đâu, doanh nghiệp bao tiêu đến đó. Chồi dứa giống của bà con cũng được công ty thu mua với giá 2.000 đồng/chồi.
Còn bà Trần Phương Quyên, người cùng xóm với ông Lâm Văn Lam, kể rằng: Những năm gia đình bà còn trồng mía, cuộc sống không khá lên nổi. Bởi vì, sau một năm trồng mía, thu nhập chỉ được khoảng 10-20 triệu đồng/ha, có năm huề vốn, thậm chí thua lỗ. Từ khi gia đình chuyển qua trồng cây dứa MD2 cho thu nhập cao hơn, lời khoảng 60-70 triệu/ha/năm.
“Nếu trồng đạt năng suất trái từ 70-90 tấn/ha, với giá bao tiêu 5.700 đồng/kg như hiện nay, cùng với tiền bán chồi giống, sau khi trừ hết các khoản chi phí như làm đất, màng phủ nông nghiệp, nhân công lao động, cây giống, phân… người trồng dứa MD2 nơi đây sẽ còn lãi từ 120-160 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng mía”, bà Trần Phương Quyên, cho biết.
Mới đây, lãnh đạo Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu miền tây (Westfood), có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang về hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu dứa MD2 tại huyện Phụng Hiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty (Westfood), doanh nghiệp đang chuẩn bị khởi công nhà máy chế biến nông sản lớn trên diện tích khoảng 7 ha trong khu công nghiệp sông Hậu. Tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, công suất chế biến 80 nghìn tấn nguyên liệu/năm. Vì vậy, đơn vị mong muốn mở rộng vùng nguyên liệu để ổn định và nâng cao chất lượng đầu vào, không bị ảnh hưởng bởi sự biến động bất thường của giá cả nông sản. Nếu được tỉnh Hậu Giang ủng hộ, theo kế hoạch dự kiến từ 2022-2024, Westfood sẽ mở rộng diện tích trồng đến 500 ha; từ 2025-2027, sẽ mở rộng đến 1.000 ha, sản lượng dự kiến đạt 11 nghìn tấn vào năm 2024 và 30 nghìn tấn vào năm 2027.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, cho biết, thời gian qua, tỉnh rất quan tâm và ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là sản xuất theo chuỗi giá trị có sự liên kết sản xuất, bao tiêu giữa doanh nghiệp với nông dân. Ở các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, Hậu Giang ưu tiên thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến gắn với phát triển vùng nguyên liệu sản xuất nông sản, nhất là những nông sản có thế mạnh của tỉnh.
Do đó, việc đề xuất của doanh nghiệp về việc mở rộng vùng nguyên liệu trồng dứa MD2, Hậu Giang sẽ xem xét hỗ trợ tối đa, sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu dứa MD2 trên đất Hậu Giang.
Có thể nói, cây dứa MD2 là một trong những loại cây phù hợp, có triển vọng, thêm hướng mở cho nông dân Hậu Giang chọn để chuyển đổi từ vườn tạp, đất lúa ở vùng trũng, phèn kém hiệu quả, nhất là vùng mía ở huyện Phụng Hiệp, nhằm tăng thu nhập cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.