Triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Iran

Năm nay, Việt Nam và Iran kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Thời gian qua, hai nước đã nỗ lực đẩy mạnh hợp tác thương mại song phương, tuy nhiên, kim ngạch thương mại Việt Nam-Iran vẫn chỉ dừng ở mức trên 100 triệu USD, con số rất nhỏ so với tiềm năng tiêu thụ của thị trường Iran đối với nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ phát biểu về quan hệ hai nước tại Viện nghiên cứu chính trị và quốc tế, Bộ Ngoại giao Iran.
Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ phát biểu về quan hệ hai nước tại Viện nghiên cứu chính trị và quốc tế, Bộ Ngoại giao Iran.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Ðại sứ Iran tại Việt Nam Ali Akbar Nazari (A.Na-da-ri) bày tỏ tin tưởng vào triển vọng hợp tác giữa hai nước về kinh tế, thương mại; đồng thời có những đánh giá lạc quan về tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm Halal của Việt Nam sang thị trường Iran, bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu truyền thống.

Theo Ðại sứ Nazari, trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, Việt Nam và Iran đã và đang hợp tác trên nhiều lĩnh vực ở cả song phương và đa phương, quy mô khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế thương mại vẫn chưa tương xứng với khía cạnh chính trị. Tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước còn rất lớn, nền kinh tế của Iran và Việt Nam có thể bổ sung cho nhau. Là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, Việt Nam rất cần năng lượng và các sản phẩm hóa dầu, trong khi Iran là một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ và các sản phẩm hóa dầu lớn với giá cạnh tranh, điều này có thể tạo cơ hội hợp tác hơn nữa giữa hai nước. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam có thể cung cấp cà-phê, trà và gia vị cho thị trường Iran, còn Iran cũng có thể xuất khẩu sang thị trường Việt Nam các mặt hàng nông sản như táo, kiwi, quả cherry…

Ðại sứ Nazari cho rằng, bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu truyền thống, các sản phẩm Halal của Việt Nam cũng có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Iran. Ðặc biệt, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Hồi giáo Iran của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Ðình Huệ vào tháng 8 vừa qua, lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Ðo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) Việt Nam và Tổ chức Tiêu chuẩn quốc gia Iran (INSO) đã ký Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, đánh giá sự phù hợp và công nhận, đo lường và Halal. Văn kiện này tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu thực phẩm Halal từ Việt Nam sang Iran.

Ðánh giá về tiềm năng, sự đa dạng cũng như chất lượng các sản phẩm Halal của Việt Nam, Ðại sứ Iran Ali Akbar Nazari đã có những nhận định quan trọng, đồng thời đưa ra các gợi ý nhằm đẩy mạnh việc xuất khẩu các sản phẩm này sang thị trường Iran. Theo Ðại sứ, với dân số hơn 80 triệu người, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đang trở thành điểm đến hấp dẫn và là thị trường đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam, trong lĩnh vực sản phẩm Halal. Với sự đa dạng, phong phú về nông sản, thủy sản, Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều sản phẩm Halal hơn sang Iran, quốc gia có vị trí chiến lược ở Trung Ðông và là thị trường hấp dẫn để kinh doanh và giao thương.

Doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm Halal vào thị trường Iran cần đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu của nước sở tại. Việc gỡ bỏ rào cản và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm Halal sang thị trường Iran đòi hỏi sự kết hợp giữa cách tiếp cận chiến lược, hợp tác và tuân thủ các quy định. Phát triển cách tiếp cận mang tính chiến lược và đầy đủ thông tin, cùng với việc xây dựng mối quan hệ và thích ứng với sở thích của địa phương sẽ nâng cao cơ hội thành công trong việc tiếp cận thị trường Halal của Iran. Theo Ðại sứ, các doanh nghiệp, nhà xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam sang thị trường Iran có thể dễ dàng tiếp cận các thủ tục, tiêu chuẩn của sản phẩm Halal dựa trên các quy tắc, quy định, tiêu chuẩn của sản phẩm này tại Iran.

Việc ký kết MOU nói trên biểu thị cam kết chung giữa Việt Nam và Iran trong hợp tác thương mại, bao gồm cả thực phẩm Halal. Nó thể hiện sự sẵn sàng hợp lý hóa các quy trình và tạo điều kiện tiếp cận thị trường. Hợp tác trong việc tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp có thể dẫn đến sự phù hợp với các tiêu chuẩn Halal quốc tế. Ðiều này rất quan trọng để bảo đảm các sản phẩm Halal của Việt Nam đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của Iran và được người tiêu dùng Iran chấp nhận.

Theo Ðại sứ, trên cơ sở tài liệu này, có thể đưa ra một số yếu tố quan trọng để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước. Thứ nhất, việc liên lạc, đối thoại thường xuyên giữa các cơ quan liên quan là cần thiết để bảo đảm các điều khoản của MOU được thực hiện một cách hiệu quả. Thứ hai, hai bên cần tổ chức các hội thảo kỹ thuật và khóa đào tạo để tạo điều kiện trao đổi kiến thức và nâng cao năng lực giữa các chuyên gia của hai nước. Thứ ba, tổ chức các phái đoàn thương mại, triển lãm, diễn đàn kinh doanh nêu bật các sản phẩm Halal và thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất Việt Nam và các nhà nhập khẩu Iran. Ðiều đáng chú ý, Phòng Thương mại Iran có một bộ phận nghiên cứu tích cực về lĩnh vực Halal và Ðại sứ quán đã có những phối hợp cần thiết với cơ quan này để kết nối với Việt Nam thông qua Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Ðông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Việt Nam và Iran có tiềm năng đáng kể trong việc thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm Halal từ Việt Nam sang Iran. Bằng cách tập trung vào giáo dục, hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ thông tin và các sáng kiến hợp tác, cả hai nước có thể mở đường cho sự hợp tác thành công và bền vững trong lĩnh vực Halal. Sự hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích thương mại mà còn góp phần tăng cường quan hệ song phương giữa hai nước.