Triển lãm giới thiệu bộ tranh hổ theo phong cách tranh Hàng Trống qua góc nhìn mới của họa sĩ, nhà thiết kế Nguyễn Minh Ngọc; tác phẩm hổ trong chủ đề 12 con giáp của họa sĩ Lê Trí Dũng; bộ sưu tập gốm chủ đề hổ của nghệ sĩ Nguyễn Văn Toán; bộ sưu tập “Khí phách uy mãnh” của Hội quán Di sản.
Triển lãm đồng thời giới thiệu nghệ thuật tạo hình hổ Việt Nam thông qua các sản phẩm mỹ thuật công nghiệp ứng dụng vào đời sống đương đại.
Tại triển lãm, nhiều tác phẩm lần đầu tiên được công bố, có tính ứng dụng cao, như: Hổ Phù, Hổ Vĩ, Hoàng Hổ thần tướng, Linh thần về trời… Ban tổ chức cũng trưng bày bức tranh Ngũ Hổ “lệch” với kích thước lớn được vẽ tay hoàn toàn, sử dụng thủ pháp thếp vàng truyền thống…
Các tác phẩm được chọn triển lãm thông qua sự tư vấn của nhà sử học Dương Trung Quốc, Lê Văn Lan; nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Mạnh Đức, nghệ nhân tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên.
Chia sẻ về triển lãm “Khí phách uy mãnh” đón Xuân Nhâm Dần, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, đây là hoạt động nghệ thuật với tinh thần lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống, thẩm mỹ và khích lệ những người làm nghệ thuật tạo ra sản phẩm mới, mang đến cảm hứng tích cực, lạc quan trong cuộc sống.
So với những năm trước, triển lãm năm nay tuy khiêm tốn hơn về mặt quy mô do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, song nội dung và tinh thần vẫn được phát huy, đóng góp những giá trị tích cực vào đời sống văn hóa nghệ thuật. Mỗi nghệ sĩ có cá tính, thế mạnh riêng và khi cùng xuất hiện ở triển lãm này, họ cùng mang đến sắc màu, không gian rất phù hợp với không khí Tết.
Đem đến bộ sưu tập gốm chủ đề hổ khá độc đáo, nghệ sĩ Nguyễn Văn Toán nhận định, gốm Việt có thể chưa hấp dẫn ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhưng có vẻ đẹp tiềm ẩn. Muốn khám phá vẻ đẹp đó, cần phải có thời gian quan sát, tìm hiểu nguồn gốc lịch sử của từng giai đoạn.
Gốm Việt hướng tới sự thư thái, không ràng buộc bởi quy phạm, không bị áp đặt. Đó là tinh thần phóng khoáng, tự do trong biểu hiện.
Họa sĩ trẻ Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ, quá trình tìm hiểu và vẽ tranh Hàng Trống là sự thúc đẩy chị tìm hiểu về văn hóa, các phong tục tín ngưỡng của người Việt. Vẽ tranh và thiết kế đồ họa là hai công việc song song, bổ trợ cho nhau. Bố cục, màu sắc, tạo hình, phong cách tranh Hàng Trống đều có thể ứng dụng, phát triển để đưa vào các ấn phẩm đồ họa.
Đóng góp những bức tranh đặc sắc về hổ trong triển lãm, họa sĩ Lê Trí Dũng đã có những trao đổi tâm huyết về đề tài này từ trước khi triển lãm diễn ra: “12 con giáp, vòng vận hành của Thập nhị chi, tại sao lại bắt đầu bằng con chuột bé tí, và khép lại bằng con lợn ủn ỉn? Tại sao vắng bóng nhiều con vật dũng mãnh? Đó vẫn là một điều bí ẩn của nhân loại. Với tư cách một người nghiên cứu thần học, tôi vẫn thấy người xưa thật uyên bác. Sự hướng thiện, mơ ước một cuộc sống an bình, an toàn, an vui, an nhiên… là mơ ước chính đáng”.
Trong các tác phẩm đặc sắc được giới thiệu tại triển lãm, nổi bật nhất vẫn là bức tranh Ngũ hổ. Đây cũng là tác phẩm tiêu biểu nhất của dòng tranh Hàng Trống, thể hiện học thuyết âm dương ngũ hành.
Hổ vàng ở chính giữa, ôm bài vị ghi chữ “Vương”, tượng trưng cho thiên tử. Từ đó tỏa ra bốn góc là các hổ còn lại: Hổ xanh hành mộc, trấn giữ phương đông; hổ trắng hành kim, trấn giữ phương tây; hổ đỏ hành hỏa, trấn giữ phương nam; hổ đen hành thủy, trấn giữ phương bắc.
Một số hình ảnh về Triển lãm: