Hiện Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động có đoàn Cảnh sát đặc nhiệm được xây dựng trở thành lực lượng tinh nhuệ, mũi nhọn, hàng đầu của Bộ Công an, được huấn luyện đặc biệt về thể lực, kỹ chiến thuật, võ thuật, được trang bị hiện đại ngang tầm khu vực.
Mỗi ngày của các chiến sĩ đặc nhiệm bắt đầu từ 5 giờ 30 phút, kết thúc lúc 17 giờ với 80% thời gian là huấn luyện ngoài thao trường. Dù dưới cái nắng như đổ lửa hay dưới cơn mưa núi trút xối xả, những ngày đông lạnh tê tái, rét mướt, những người lính luôn phải vượt qua điều kiện khó khăn về thời tiết, duy trì thái độ tập luyện nghiêm túc, hoàn thành tốt nhất các tình huống đặt ra, với phương châm: "Thao trường đổ mồ hôi, chiến đấu bớt đổ máu".
Các nội dung huấn luyện được xây dựng đáp ứng những nhiệm vụ phức tạp, có độ nguy hiểm cao, các chuyên án mang tính chất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Bên cạnh nội dung huấn luyện kỹ năng cá nhân cho từng cán bộ, chiến sĩ, các bài như: khắc phục vật cản tổng hợp; vận động tiếp cận mục tiêu... sẽ luyện tập việc hiệp đồng giữa các nhóm khi thực hiện nhiệm vụ trong thực tế.
Không chỉ đáp ứng mục tiêu là một người lính thiện chiến, chiến đấu bất kể ngày đêm, địa hình, địa vật, thời tiết, lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm-Cảnh sát cơ động thường xuyên nêu cao tinh thần đồng đội, đoàn kết hiệp đồng tác chiến.
Ðại úy Nguyễn Gia Lương quê ở Sơn Tây, thuộc Ðoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1 vào ngành thấm thoắt đã 12 năm. Trước khi trở thành người lính Cảnh sát cơ động, anh là chiến sĩ nghĩa vụ. Sau thời gian huấn luyện tân binh, Ðại úy Lương được điều động về Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.
Nhớ lại quãng thời gian gắn bó với nghề, Ðại úy Lương cho biết: Mỗi người lính chúng tôi đều xác định dù trong hoàn cảnh nào cũng cố gắng cống hiến cho lực lượng. Trong môi trường có sự tuyển chọn khắt khe, sàng lọc liên tục, để có thể tiếp tục gắn bó với lực lượng, mỗi chúng tôi đều phải nỗ lực.
Vừa qua, tại Trung tâm huấn luyện quốc gia số 4, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ được tuyển chọn từ 3 đoàn Cảnh sát đặc nhiệm: số 1, số 2, số 3 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an) tham gia khóa huấn luyện đặc biệt nâng cao về nghiệp vụ, kỹ chiến thuật nhằm nâng cao sức chiến đấu, cơ động nhanh để thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn, trấn áp kịp thời các loại tội phạm khủng bố, bắt cóc con tin; phối hợp truy bắt các đối tượng phạm tội nguy hiểm theo lệnh của Bộ trưởng Công an và Tư lệnh Cảnh sát cơ động.
Thượng tá Phạm Mạnh Cường, Chỉ huy trưởng đợt huấn luyện đặc biệt cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động về việc tiếp tục huấn luyện nâng cao sẵn sàng chiến đấu, đồng chí Tư lệnh giao Ban chỉ huy tổ chức các đợt huấn luyện nâng cao nghiệp vụ nhằm nâng cao thể lực, khai thác, làm chủ hoàn toàn kỹ thuật, công nghệ thông tin và đặc biệt làm chủ khí tài, khoa học kỹ thuật, tự tin hơn khi thực hiện tác chiến độc lập hay kết hợp giữa các tổ, kíp nhiệm vụ.
Ở nội dung vượt vật cản, nếu ở các đợt huấn luyện thường xuyên, nội dung này chỉ thao tác vượt từng vật cản, thì ở khóa huấn luyện đặc biệt, các cán bộ, chiến sĩ phải vượt liên hoàn 19 vật cản với nhiều kỹ chiến thuật đặc biệt mới. Với nội dung vượt tường hơn 2m, từng cá nhân chiến sĩ vượt tường bằng dây độc lập, so với giáo án cũ là thao tác bằng hai người. Ðiều này đòi hỏi mỗi người cần có thể lực gấp đôi bình thường mới có thể hoàn thành.
Ðại úy Nguyễn Văn Ðính, đến từ Ðoàn Cảnh sát đặc nhiệm 2, quê ở tỉnh Vĩnh Long cho biết: Thời tiết nắng đó, rồi lại mưa đó, rất thất thường. Do tính chất các nội dung huấn luyện có tính chất phức tạp, cường độ cao, đã có những chiến sĩ chấn thương nhẹ. Ðiều đó không làm tinh thần và ý chí của chúng tôi giảm xuống, mà đã biến khó khăn thành động lực, kiên trì luyện tập, xứng đáng trở thành những người lính đặc biệt tinh nhuệ của lực lượng.
Những năm qua, hoạt động khủng bố trên thế giới diễn ra hết sức phức tạp, không ngừng gia tăng cả về số vụ, quy mô, phương thức với tính chất ngày càng manh động, nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam tuy chưa xảy ra hoạt động khủng bố quốc tế nhưng đã phát hiện âm mưu, hoạt động khủng bố do các đối tượng phản động, chống đối trong nước thực hiện.
Thượng tá Khưu Thanh Triều, Phó Chỉ huy trưởng đợt huấn luyện, có thâm niên hơn 30 năm gắn bó với lực lượng và nhiều chuyên án ma túy xuyên Việt hay tấn công trấn áp các loại tội phạm hình sự nguy hiểm cho biết: "Nuôi lính 3 năm sử dụng 1 giờ" rất đúng với tính chất chống khủng bố và các đối tượng phạm tội đặc biệt nguy hiểm của cảnh sát đặc nhiệm thuộc Cảnh sát cơ động.
Thượng tá Triều chia sẻ, đào tạo một người lính đặc nhiệm hoàn hảo là điều không dễ dàng. Mỗi người lính mất từ 5-7 năm học tập, rèn luyện để cơ bản trở thành một người lính đặc nhiệm. Sau đó, họ vẫn tiếp tục miệt mài học tập, rèn luyện, đổ mồ hôi trên thao trường để nâng cao nghiệp vụ, trình độ, quân sự, võ thuật, phương pháp tác chiến. Việc được trang bị kiến thức, nghiệp vụ thường xuyên là chưa đủ, bản thân mỗi cán bộ, chiến sĩ cảnh sát đặc nhiệm cần phải ý thức tự đào tạo mình để xứng đáng là một phần của lực lượng mũi nhọn, là "lá chắn thép", bảo vệ an ninh quốc gia, trấn áp tội phạm khủng bố, truy bắt các đối tượng nguy hiểm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.