Trên quê hương Ấp Bắc anh hùng

NDO - Cách đây 50 năm, ngày 2-1-1963, tại Ấp Bắc, xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân Tân Phú đã lập nên chiến công hiển hách đánh bại chiến thuật: Trực thăng vận, thiết xa vận với vũ khí hiện đại và một lực lượng hùng hậu của Mỹ - ngụy. Chiến thắng vang dội ấy đã trở thành sức mạnh truyền thống, để Tân Phú hôm nay vẫn tươi nguyên giá trị của sự chung sức, chung lòng bám đất, giữ làng, từng bước xua đi đói nghèo, vươn lên xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

 Khôi phục sản xuất

 Nếu có dịp trở lại Tân Phú hôm nay - vùng đất anh hùng, cũng là nơi địch tập trung càn quét, tàn phá khốc liệt sau trận đánh Ấp Bắc vang dội, mọi người sẽ ngỡ ngàng trước bao đổi thay, khởi sắc. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm khang trang, sạch đẹp. Những ngôi nhà xây, mái ngói đỏ au in hình trên mầu xanh bất tận của những cánh đồng lúa đông xuân đang thì con gái, hứa hẹn thêm một mùa bội thu. Quang cảnh ấy, chứng minh sự vươn lên mạnh mẽ ở vùng quê cách mạng này.

 Ông Võ Văn Nhơn, ở Ấp Bắc vui vẻ cho chúng tôi biết về cảm nhận của mình trước những thay đổi của quê hương: "Ðổi thay nhiều lắm. Trước đây vùng này đường sá nhỏ hẹp, khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa... Làm nông nghiệp rất vất vả, đồng ruộng lỗ chỗ hố bom, mìn; nguồn nước phục vụ sản xuất không đáp ứng, cho nên năng suất chỉ đạt 20 giạ lúa/công. Bây giờ thì hệ thống thủy lợi đã đưa đến tận ruộng phục vụ ba vụ lúa/năm, năng suất đạt tám tấn/ha; đường giao thông được nhựa hóa trải dài tận xóm, ấp; trường tiểu học, trung học, trạm y tế đều khang trang..., bà con quê tôi vui mừng lắm".

 Ðể có cái nhìn đầy đủ hơn về vùng đất từng bị địch càn quét, trả thù tàn khốc và cũng để chứng minh sức sống vươn lên của người dân nơi đây, chúng tôi tìm gặp đồng chí Lê Văn Dĩ, tham gia cách mạng năm 1960, nguyên Bí thư Ðảng ủy xã vào thập niên 80 của thế kỷ trước. Ở tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng khi chúng tôi gợi lại ký ức của Chiến thắng Ấp Bắc cũng như việc khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của quê hương, ông Dĩ tươi tắn hẳn lên, kể: Sau trận đánh Ấp Bắc, địch càn quét, trả thù rất dữ, gom dân vào ấp chiến lược, bà con phải tản cư đến các xã khác lánh nạn (địch thấy có người là bắn). Lúc đó, khu vực này đất hoang vu không một bóng người, chỉ một số hộ ở sâu trong đồng giáp với xã Ðiềm Hy còn trụ lại. Sau Hiệp định Pa-ri, lúc này thế và lực của địch suy yếu, cách mạng chủ trương đưa dân về phục hồi sản xuất, đồng thời làm nhiệm vụ cung cấp lương thực phục vụ bộ đội, các cơ quan, ban, ngành tỉnh và khu. Phần lớn người dân trở về lúc này đều đứng "hai chân" (sáng về sản xuất, tối về nơi tản cư, chủ yếu ở khu vực giáp đường lộ lớn). Ðến năm 1974, 1975 các hộ dân mới chính thức về đây sản xuất và cất nhà sinh sống. Lúc này, sản xuất được phục hồi nhưng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu phương tiện, đất hoang hóa nhiều phải cải tạo lại từ đầu, năng suất thấp. Ðến những năm 1980 - 1984, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, huyện, khó khăn dần cũng qua đi, diện tích sản xuất tăng lên. Từ năm 1990 trở đi, nhờ khoa học kỹ thuật được tăng cường áp dụng vào sản xuất, năng suất lúa nâng lên rõ rệt. Cơ sở hạ tầng trường lớp, y tế, giao thông được quan tâm đầu tư, xây dựng; văn hóa, xã hội có điều kiện phát triển. "Hiện nay, kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển vượt bậc, gấp mười lần so với giai đoạn trước đó. Dù vậy, so với các địa phương bạn, Tân Phú còn nhiều khó khăn. Nhưng kết quả như thế là tốt lắm rồi"- ông Dĩ khiêm tốn cho biết.

 Chung sức xây dựng quê hương

 Phó Bí thư Ðảng ủy xã Lê Chí Thanh cho biết, Tân Phú là xã thuần nông, chủ yếu canh tác cây lúa. Toàn xã có hơn sáu nghìn nhân khẩu, trong đó có 718,36 ha đất nông nghiệp, chiếm 86,92%, với 92% số dân lao động sinh sống bằng nghề nông. Với xuất phát điểm thấp, hoàn toàn phụ thuộc vào cây lúa cho nên lúc đầu phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân, xã gặp rất nhiều khó khăn. Thời điểm đó, phần lớn người dân Tân Phú đều thuộc diện hộ nghèo. Cơ sở vật chất chưa đầu tư đồng bộ, tình trạng học sinh bỏ học, lưu ban còn nhiều.Việc chăm sóc sức khỏe người dân còn hạn chế, thiết bị y tế chưa đầy đủ. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, chung sức chung lòng khôi phục sản xuất sau chiến tranh, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Phú đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức.

 Bước đột phá đầu tiên, tạo chuyển biến rõ rệt là ngoài việc đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi, Tân Phú đã áp dụng thành công các tiến bộ khoa học -kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất; đổi mới cơ cấu giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao. Theo đó, đời sống người dân từng bước được ổn định, cải thiện, từng bước khá, giàu. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông xã Nguyễn Ngọc Phấn cho biết: Nông dân Tân Phú chủ yếu sản xuất lúa giống, nhờ biết ứng dụng, kết hợp những mô hình trồng cây màu, chăn nuôi hợp lý nên đem lại thu nhập cao. Ðiển hình như hộ Lê Văn Nhỏ (ấp Tân Thới), Lê Văn Hoàng (ấp Tân An)..., trên diện tích gần hai ha, các anh đã áp dụng thành công mô hình trồng nấm rơm và sản xuất lúa giống, mỗi năm trừ chi phí thu lãi hơn 100 triệu đồng. Bằng sự cần cù, chịu khó tìm tòi, học hỏi, ở Tân Phú ngày càng xuất hiện nhiều nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, hiện toàn xã đã có 328 nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ba cấp.

 Ông Phấn hướng dẫn chúng tôi đến thăm nhà ông Nguyễn Văn Ðức (Ấp Bắc), nông dân hai lần được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích sản xuất - kinh doanh giỏi. Trong căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, ông Ðức nói vui: Ðây là thành quả có được từ mô hình chăn nuôi và trồng lúa. Thật vậy, mô hình sản xuất của ông Ðức hoàn toàn khép kín. Trại chăn nuôi lợn của ông kết hợp với hầm Bi-ô-ga tạo khí đốt phục vụ sinh hoạt gia đình. Dưới ao có diện tích mặt nước hơn 300 m2 ông thả cá tra và cá tai tượng. Hơn hai ha sản xuất lúa giống, ông đầu tư xây dựng một lò sấy để bảo đảm chất lượng hạt giống. Với cách làm này, bình quân mỗi năm trừ chi phí, ông Ðức thu lợi hơn 200 triệu đồng.

 Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp Tân Phú phát triển bền vững, từ năm 2011, cơ quan bảo vệ thực vật tỉnh và ngành nông nghiệp huyện cùng với xã tổ chức mô hình cộng đồng ứng dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu ở ấp Tân Thới, giúp giảm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, mô hình đã được tiếp tục mở rộng 45 ha ở Ấp Bắc. Ðồng thời, những năm gần đây, Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang đã tiến hành triển khai mô hình "Cùng nông dân ra đồng" trên địa bàn... Ðây là cơ sở để ngành nông nghiệp huyện và UBND xã định hướng sản xuất lúa cánh đồng mẫu lớn trong tương lai với quy mô hơn 100 ha".

 Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Xây cho biết, nhờ sự chung sức, chung lòng của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được nâng lên; hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, điện, nước, giao thông liên lạc, các công trình văn hóa, giáo dục, y tế được đầu tư xây dựng đồng bộ phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Hiện toàn xã còn 7% số hộ nghèo theo chuẩn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 14 triệu đồng/người/năm, tăng gần gấp ba lần cách đây năm năm.

 Tân Phú những ngày cuối năm 2012 thật nhộn nhịp, tràn đầy sức sống. Ðường nông thôn rợp cờ, hoa, băng-rôn để chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963 - 2-1-2013), đồng thời dịp này người dân Tân Phú cũng phấn khởi đón nhận Danh hiệu Xã văn hóa. Tự hào về Chiến thắng Ấp Bắc, và những thành tựu đạt được thời gian qua, Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân Tân Phú quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng danh vùng đất mang tên Ấp Bắc Anh hùng.