Trao quyền ngăn chặn phương tiện bay không người lái cho cảnh sát cơ động

NDO -

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong trường hợp các phương tiện bay không người lái trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm các mục tiêu do cảnh sát cơ động bảo vệ, nếu lực lượng trực tiếp bảo vệ không được quyền ngăn chặn mà chờ lực lượng khác đến xử lý thì sẽ gây ra hậu quả về nhiều mặt, nhất là các mục tiêu quan trọng về chính trị, ngoại giao.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm giải trình, làm rõ một số ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Bộ trưởng Công an Tô Lâm giải trình, làm rõ một số ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động bổ sung thêm hai quyền hạn mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát cơ động, trong đó gồm “ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của cảnh sát cơ động”.

Phát biểu trong phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật ngày 26/10, đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương (Hà Giang) cho biết, theo Nghị định số 36/NĐ-CP ngày 23/8/2008 của Chính phủ, Bộ Quốc phòng là đơn vị được giao chủ trì thực hiện công tác quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, quản lý, điều hành, giám sát hoạt động bay.

Đại biểu phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cảnh sát cơ động và của lực lượng quân đội đối với vấn đề này, tránh sự trùng lắp, chồng chéo.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, hiện nay cảnh sát cơ động trung ương, các địa phương được giao nhiệm vụ bảo vệ gần 650 mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, xã hội trên phạm vi toàn quốc theo danh mục do Chính phủ quy định.

Bên cạnh đó, cảnh sát cơ động còn được giao nhiệm vụ bảo vệ các hội nghị, sự kiện quan trọng như Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử Quốc hội, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, các sự kiện hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam, bảo vệ các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể đối với việc xử lý phương tiện bay không người lái khi xâm phạm mục tiêu do cảnh sát cơ động bảo vệ.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, các loại phương tiện bay siêu nhẹ được sử dụng rất rộng rãi trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tiềm ẩn nguy cơ gây hại đối với an ninh quốc gia, đe dọa nghiêm trọng tới an ninh trật tự nói chung, an toàn các mục tiêu do cảnh sát cơ động bảo vệ nói riêng.

“Thí dụ như những trường hợp phản động và tội phạm lợi dụng các phương tiện này để có thể mang chất nổ, chất hóa học, sinh học phá hoại hoặc gây nguy hại cho các mục tiêu. Nếu lực lượng trực tiếp bảo vệ không được quyền ngăn chặn mà chờ lực lượng khác đến xử lý thì sẽ gây ra hậu quả về nhiều mặt, nhất là các mục tiêu quan trọng về chính trị, ngoại giao”, Bộ trưởng nói.

Trao quyền ngăn chặn phương tiện bay không người lái cho cảnh sát cơ động -0
 Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động ngày 26/10. (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, việc quy định thẩm quyền này cho cảnh sát cơ động trong dự thảo Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý cho cảnh sát cơ động trong việc chủ động ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trong trường hợp các phương tiện này trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm các mục tiêu, bảo đảm tuyệt đối an toàn các mục tiêu được giao vũ trang canh gác, bảo vệ.

Giải trình về phạm vi hoạt động của cảnh sát cơ động, Bộ trưởng cho biết, với vị trí chức năng là lực lượng thuộc công an nhân dân nên phạm vi hoạt động của cảnh sát cơ động được thực hiện theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018. Theo đó, cảnh sát cơ động căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và điều động của cấp có thẩm quyền để triển khai lực lượng, biện pháp, kịp thời xử lý những vụ việc, những tình huống phức tạp về an ninh, trật tự có thể xảy ra ở bất kỳ địa bàn nào trong phạm vi toàn quốc.

Về nhiệm vụ của cảnh sát cơ động, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động và bổ sung những nhiệm vụ cảnh sát cơ động đang thực hiện theo quy định trong các quyết định của Bộ Công an, để đảm bảo tính ổn định và nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi, dự thảo Luật xác định 7 nhóm nhiệm vụ của cảnh sát cơ động.

Trong đó, bao gồm nhiệm vụ chủ trì và nhiều vụ phối hợp để đảm bảo các cơ sở pháp lý cho việc điều động, sử dụng lực lượng cảnh sát cơ động vì trong quá trình ra quân thực hiện nhiệm vụ, cảnh sát cơ động tác chiến theo đội hình với trang bị nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ sẽ tác động trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người có hành vi vi phạm pháp luật.

Bộ trưởng khẳng định, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật.

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV