Cuộc thi nhằm lan tỏa những câu chuyện nhân văn về cán bộ công đoàn, tổ chức công đoàn đã đồng hành, chăm lo thiết thực, hiệu quả cho đoàn viên, người lao động, giúp họ vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, tạo sự chuyển biến tích cực. Đồng thời cổ vũ những tấm gương cán bộ công đoàn, tổ chức công đoàn thực hiện tốt nhất một trong những chức năng, nhiệm vụ của mình.
Tiếp nối thành công của Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn” lần thứ 1, Cuộc thi lần 2 nhận được hơn 800 tác phẩm dự thi, tăng 35%. Những đơn vị, ngành có số bài dự thi nhiều nhất là Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa, Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Kết quả, Ban Tổ chức chọn 20 tác phẩm vào vòng Chung khảo. Trong đó bình chọn 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 3 giải Ba; 5 giải Khuyến khích. Giải nhất đã được trao cho tác giả Hồ Thị Lý với tác phẩm “Được sống một lần nữa”, Công đoàn ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao 5 giải Chuyên đề: Giải Công đoàn có nhiều tác phẩm dự thi nhất; Cán bộ công đoàn tận tụy nhất; Tập thể công đoàn sáng tạo nhất; Doanh nghiệp vì người lao động; Bài dự thi độc đáo nhất.
* Dịp này, Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức Kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống xuất bản Tạp chí Lao động và Công đoàn (1/10/1929-1/10/2022).
Ngày 1/10/1929, Tạp chí Công hội đỏ, tiền thân của Tạp chí Lao động và Công đoàn xuất bản số đầu tiên, do lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh – Hội trưởng lâm thời Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ trực tiếp phụ trách. Tôn chỉ mục đích của Tạp chí được xác định ngay từ đầu là “Cơ quan truyền bá lý luận của Công hội đỏ trong giai cấp công nhân Việt Nam”.
Trước đó, kế hoạch xuất bản quyển Tạp chí để làm cơ quan huấn luyện cho hội viên đã có trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ nhất Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội. Nhưng trong bối cảnh Pháp truy nã, đầy đoạ những người cách mạng, việc tổ chức toà soạn và nơi in ấn gặp nhiều khó khăn, đến 1/10/1929 Tạp chí Công hội đỏ mới ra đời.
Cho đến thời điểm hiện tại, dựa trên tài liệu gốc còn lưu trữ tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, có thể khẳng định “Công hội Đỏ” là tờ tạp chí có tính nghiên cứu lý luận đầu tiên trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Việc Tạp chí Công hội Đỏ xuất bản 2 số đầu tiên năm 1929 là dấu son của lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, mở ra chân trời, triển vọng của giai cấp vô sản và của cách mạng.
Trải qua 93 năm xây dựng và phát triển, hiện nay Tạp chí ngày càng lớn mạnh, là tiếng nói của tổ chức Công đoàn, đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền lợi người lao động.