Trầm cảm tuổi học đường: Đừng bỏ qua dấu hiệu nhỏ

NDO -

Rối loạn giấc ngủ, không có nhu cầu giao tiếp, khó học tập trung, thấy buồn chán… là những dấu hiệu rất đơn giản để nhận ra con mình đang đối mặt với trầm cảm. Người lớn cần chú ý những dấu hiệu đơn giản để cùng con vượt qua giai đoạn này vì trầm cảm kéo dài sẽ có những hành vi tiêu cực. 

(Ảnh minh họa: Internet)
(Ảnh minh họa: Internet)

Gia tăng trẻ mắc trầm cảm sau đại dịch

Bàng hoàng, đau đớn đến xót xa liên tục ập đến trong khoảng một tuần qua khi có một số em học sinh tự tử đầy thương tâm. Điều này như một lời cảnh tỉnh với người lớn về việc cần phải quan tâm con cái mình hơn, không tạo áp lực học hành cho con trẻ. Tuy nhiên, cũng có không ít luồng ý kiến cho rằng trẻ con hiện nay bị tác động nhiều bởi mạng xã hội và có những hành động nông nổi. 

Theo các chuyên gia tâm lý, khi trẻ có ý nghĩ và hành vi tự sát, đó là khi trẻ đã trải qua một giai đoạn dài trầm cảm. Thực tế, có đến 25-35% dân số bị rơi vào rối loạn trầm cảm lo âu, đặc biệt ở nhóm tuổi vị thành niên nhưng chưa được phát hiện và được can thiệp sớm.

Theo bác sĩ Chuyên khoa II Lâm Hiếu Minh, Phòng khám Tâm lý, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, trầm cảm là một sát nhân vô hình và cực nguy hiểm ở mọi độ tuổi, nhất là độ tuổi thanh thiếu niên hiện nay.

Sau đại dịch Covid-19, số lượng thanh thiếu niên đến khám tâm lý, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh tăng 30%. Các em gặp nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần đáng lo ngại như rối loạn lo âu, rối loạn nghiện ngập, đáng chú ý là rối loạn trầm cảm với các biểu hiện nghiêm trọng như có ý định tự hủy hoại bản thân mình, tự sát.

Theo bác sĩ Minh, bệnh nhân trầm cảm có nguy cơ tự sát là khi trẻ đã có thời gian dài bị trầm cảm, bộ máy tâm lý không có khả năng thích ứng với sự kiện xảy ra. 

Khi có sự kiện nào đó giống như giọt nước tràn ly thì xung đột tự sát xuất hiện. Một yếu tố quan trọng là yếu tố xã hội tác động tới các em như thiếu cân bằng, thiếu hệ thống nâng đỡ từ gia đình, nhà trường, xã hội, bạn bè.

"Có những em đến với chúng tôi trong trạng thái tự hủy hoại bản thân bằng những vật sắc nhọn nhằm giải tỏa tâm lý. Trong quá trình chia sẻ, các em có nói rằng khi tự lấy dao lam cứa tay mình, em cảm thấy dễ chịu hơn, giải tỏa được những bức xúc trong lòng", bác sĩ Minh nói. 

Nhiều trẻ bị rối loạn trầm cảm thường có triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với suy nhược như mất ngủ, mệt mỏi, giảm năng lượng, khó tập trung. Đa phần trẻ gặp vấn đề rối loạn tâm thần đến khám muộn, việc điều trị khó khăn.

TS, BS Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cho biết, hầu hết, trẻ chỉ được can thiệp khi trầm cảm đã nặng, thậm chí có tìm đến cái chết gia đình mới bàng hoàng nhận ra con có vấn đề.

Chuyên gia này cho biết, có những dấu hiệu đơn giản để cha mẹ nhận ra con mình có dấu hiệu bị trầm cảm hay không.

Đầu tiên là rối loạn giấc ngủ. Trẻ có thể ngủ ít hoặc ngủ nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, 80% các trường hợp trẻ trầm cảm mất ngủ.

Trẻ sẽ ngại giao tiếp, thu mình ít tham gia vào các hoạt động trong gia đình. Một số trẻ có thể trên lớp bình thường nhưng về nhà thì lại cáu gắt, hay cãi bố mẹ.

Có trẻ ăn uống kém, mệt mỏi không có sức lực; buồn chán, mất phương hướng. Nhiều trẻ có kết quả học tập sa sút, khó tập trung trong học hành. Một số trẻ có chứng rối loạn dạ dày ruột, một số trẻ sẽ có triệu chứng cơ thể như đau lưng, đau vai gáy….

“Rối loạn trầm cảm ở mức độ nặng, trẻ sẽ có những suy nghĩ bất mãn, tiêu cực, tự trách bản thân và thường có ý định tự sát… Đa phần trẻ đến khám đều ở mức nghiêm trọng nên việc điều trị kéo dài, khó khăn hơn”, bác sĩ Thu cho biết.

Đừng để trẻ trầm cảm nặng mới can thiệp

Rối loạn trầm cảm luôn tồn tại trong cuộc sống nhưng thường dễ khởi phát vào thời điểm có những áp lực. Bởi vậy, các bậc phụ huynh đừng chịu áp lực nặng nề cho rằng rối loạn trầm cảm do gắn liền với chữ tâm thần.

Theo TS Hồng Thu, khi trẻ có các triệu chứng trên nếu kéo dài trên 2 tuần thì cần phải đi khám sớm, vì nếu bình thường, trẻ có buồn chán mấy, bất mãn tới bố mẹ tới đâu cũng nhanh chóng qua đi chứ không kéo dài.

Rối loạn trầm cảm nếu được can thiệp sớm bệnh nhân sẽ sớm trở về cuộc sống bình thường. Nếu trẻ không được can thiệp điều trị sớm sẽ rất thiệt thòi, nguy hiểm tới tính mạng.

Bác sĩ Hồng Thu lưu ý thêm, tất cả mọi người cần phải coi trọng sức khỏe tâm thần ngang hàng so với sức khỏe thể chất. Khi có vấn đề về sức khỏe tâm thần thì cũng nên sẵn sàng điều trị như các bệnh lý cơ thể khác, tránh để khi xảy ra hậu quả đáng tiếc mới hối hận.

Theo bác sĩ Chuyên khoa II Lâm Hiếu Minh, điều trị trầm cảm ở lứa tuổi thanh thiếu niên nổi bật nhất vẫn là điều trị tâm lý. Bởi vậy, các gia đình cần phải quan tâm con em mình để có những biện pháp can thiệp kịp thời. Ngoài liệu pháp tâm lý, trong những trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân có thể được sử dụng thuốc chống trầm cảm, giải lo âu. 

Theo GS Cao Tiến Đức, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý Y học, khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, tự sát là vấn đề rất thường gặp tuy nhiên ít người để ý tới. Theo các nghiên cứu đã chỉ ra có khoảng 33% dân số thực hiện hành vi tự sát tại một thời điểm nào đó trong suốt cuộc đời của mình. 

“Trên thực tế nhiều người vẫn lầm tưởng chỉ người lớn mới nghĩ tới tự sát. Nhưng điều này không đúng vì rất nhiều trẻ nhỏ cũng có ý tưởng, hành vi tự sát”, GS Tiến cho hay. 

Do đó, GS Cao Đức Tiến nhấn mạnh, trẻ từ 10 tuổi trở đi bố mẹ, người chăm sóc cần phải để ý những dấu hiệu bất thường để có thể phát hiện ra trẻ nhỏ có ý định hoặc hành vi tự sát sớm. 

Sự thấu hiểu, bao dung của cha mẹ rất quan trọng vì lứa tuổi vị thành niên nhân cách chưa hoàn thiện, dễ phát sinh ý nghĩ tiêu cực. Bố mẹ nên cân nhắc và tìm những từ ngữ phù hợp để dạy bảo cho con đúng sai, không nên quá kỳ vọng gây ra những áp lực tâm lý không đáng có cho con.

Đặc biệt, sau đại dịch, có nhiều yếu tố tác động như trẻ học online, không được giao tiếp xã hội, trẻ dễ bị tác động cảm xúc vì thế cần phải hết sức lưu ý quan tâm tới con trẻ. Chỉ có sự yêu thương gần gũi, dành đủ thời gian cho con chính là cách giúp cho cha mẹ phát hiện ra những bất thường và hành vi tự sát của trẻ.

Để ngăn ngừa vấn đề sức khỏe tinh thần, theo bác sĩ Hiếu Minh, mọi người cần phải duy trì nhịp sinh học ổn định, kiểm soát yếu tố stress, quản lý và cân bằng cảm xúc. Đây là những kỹ năng mềm ngay cả bạn trẻ cũng phải học hỏi.