Trải nghiệm Tết xưa

Cây nêu ngày Tết, tranh dân gian, “ông đồ” bên câu đối đỏ… được giới thiệu ở nhiều không gian văn hóa trên địa bàn Hà Nội như: Hoàng thành Thăng Long, các di tích trong phố cổ Hà Nội hay Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Những hoạt động này giúp mọi người được trải nghiệm, được sống lại không khí của Tết xưa.
0:00 / 0:00
0:00

Đình Kim Ngân những ngày này được trang trí rực rỡ đậm sắc Tết. Một cây nêu lớn dựng giữa sân đình được làm chọn từ một cây tre tươi, gióng thẳng và đều, Ban Tổ chức đã làm lễ dựng cây nêu, tái hiện không khí Tết cổ truyền xưa: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Trên cây nêu, một bức phướn có dòng chữ “Chúc mừng năm mới” viết trên nền vải điều và những vật phẩm có tính tượng trưng cho việc xua đuổi tà ma.

Phó trưởng Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết: “Có những phong tục ngày Tết vốn rất phổ biến nhưng hiện nay, do sự thay đổi của xã hội, cho nên không nhiều người biết đến. Phố cổ là một không gian đậm chất văn hóa của Thủ đô, do đó, chúng tôi phục dựng nhiều nét văn hóa cổ truyền để mọi người có cơ hội tìm hiểu, có dịp tham quan, trải nghiệm trong dịp này”.

Với chủ đề “Tết Việt - Tết Phố 2023”, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội đã đem đến những không gian đậm chất Tết xưa đến với công chúng. Tại đình Kim Ngân, sắc mầu của Tết còn thể hiện qua những bức tranh và hiện vật về con giáp của năm Quý Mão hay các dòng tranh dân gian: Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ… Tại đây cũng có hoạt động ông đồ viết thư pháp, cho chữ và xin chữ đầu năm. Trong khi đó, không gian Ngôi nhà Di sản (số 87 phố Mã Mây) được Ban Tổ chức sắp đặt và giới thiệu không gian sinh hoạt, đón Tết của một gia đình Hà Nội xưa.

Không gian này giúp mọi người hiểu rõ về “Tết phố” trong gia đình người Hà Nội xưa kia với các hoạt động gói bánh chưng, cúng Táo quân, tất niên, giới thiệu nghệ thuật gọt, tỉa và chơi hoa thủy tiên... Đúng vào những ngày cuối cùng của năm âm lịch Nhâm Dần, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm hoàn thành việc chỉnh trang, cải tạo không gian bích họa phố Phùng Hưng, phường Hàng Mã. Trong dịp này, các nghệ nhân và thợ thủ công của các làng nghề Việt Nam giới thiệu các sản phẩm dân gian truyền thống: Tranh dân gian, thư pháp, gốm sứ, mây tre đan, đồ chơi tò he, các mặt hàng phục vụ Tết… Ngoài ra còn có trình diễn giao lưu một số các loại hình âm nhạc truyền thống của các vùng, miền…

Tại di tích Hoàng thành Thăng Long, công chúng có cơ hội tìm hiểu về phong tục đón Tết trong cung đình. Hoàng thành Thăng Long xưa là nơi thiết triều, cũng là nơi ở của vua và các thành viên trong hoàng thất. Tại đây diễn ra nhiều nghi lễ đón Tết đặc biệt: Lễ tiến lịch (dâng lịch cho vua), Lễ tiến xuân ngưu (dâng trâu mùa xuân)… Để công chúng hiểu thêm về các sinh hoạt cung đình trong dịp Tết Nguyên đán, năm nay bên cạnh các nghi lễ: Dựng cây nêu, cúng Táo quân, thả cá chép…, với chủ đề “Cung đình ngày xuân”, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội dành không gian trung tâm để giới thiệu về nghi lễ Chính đán thời Lê với lễ thiết triều đầu năm.

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội Nguyễn Thanh Quang, Tết trong cung đình mang vẻ độc đáo của sự tôn nghiêm. Một trong những nghi lễ đầu tiên quan trọng nhất trong Tết Nguyên đán là lễ Chính đán - một nghi lễ triều hội của triều Lê, tổ chức vào ngày mồng 1 tháng Giêng với nghi thức thiết Đại triều ở điện Kính Thiên. Để công chúng hiểu thêm về lễ Chính đán, Ban Tổ chức thực hiện trưng bày bằng các phương thức, gồm: Hệ thống tranh vẽ phỏng dựng nghi lễ Chính đán trong cung đình Thăng Long thời Lê; không gian phỏng dựng nghi thức các quan dâng biểu chúc mừng nhà vua năm mới thêm hưởng phúc lành, sống lâu muôn tuổi; giới thiệu nghi thức ban thưởng tiền xuân thông qua bộ sưu tập tiền thưởng cổ thời Cảnh Hưng của nhà sưu tầm Đức Long.

Trong khuôn khổ trưng bày “Cung đình ngày xuân”, chương trình Tết Việt 2023 tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long còn có không gian trưng bày hoa, cây cảnh, với những cây hoa đặc trưng của mùa xuân, như: Đào, cúc, lan, thược dược, đỗ quyên.

Không gian trưng bày Tết Nguyên đán truyền thống giới thiệu những vật phẩm Tết chào đón năm mới an khang, thịnh vượng; thú chơi tranh Tết, một phong tục cổ truyền trong dịp Tết của người Việt với sự hiện diện của các dòng tranh nổi tiếng: Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ; phong tục thờ cúng vào ngày Tết của người Việt mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Treo câu đối, đốt pháo Tết, xin chữ đầu năm, mừng tuổi...

Trong dịp này, những địa chỉ văn hóa quan trọng của thành phố như: Bảo tàng Hà Nội, Văn Miếu-Quốc Tử Giám… cũng tổ chức các hoạt động đón Tết, tạo không gian cho người dân du xuân, đắm mình trong không khí của truyền thống.