Trải nghiệm miền sơn cước Quan Sơn

Những năm gần đây, bên cạnh khai thác lợi thế du lịch biển, tỉnh Thanh Hóa đã và đang hướng tới phát triển du lịch tại các huyện miền núi. Trong đó, huyện Quan Sơn là một điểm sáng với việc xây dựng và quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch văn hóa cộng đồng..., thu hút lượng khách trong nước và quốc tế ngày một tăng.
0:00 / 0:00
0:00
Công việc hằng ngày của bà Vi Thị Doanh (bản Ngàm, xã Sơn Điện) là dệt vải thổ cẩm và phục vụ khách tham quan.
Công việc hằng ngày của bà Vi Thị Doanh (bản Ngàm, xã Sơn Điện) là dệt vải thổ cẩm và phục vụ khách tham quan.

Huyện Quan Sơn nằm ở phía tây tỉnh Thanh Hóa, có Cửa khẩu quốc tế Na Mèo là cửa ngõ giao thương với nước bạn Lào, độ che phủ rừng đạt hơn 80%. Trên địa bàn huyện có gần 200 hang động, suối, thác lớn nhỏ; có nhiều thắng cảnh, lễ hội gắn liền với đời sống của 4 dân tộc anh em (người dân tộc Thái đông nhất, chiếm gần 82% số dân). Kỳ quan động Bo Cúng, di tích lịch sử cầu Phà Lò, lễ hội Mường Xia, chợ phiên biên giới Na Mèo, nghề dệt thổ cẩm bản Ngàm... đã góp phần làm nên tiềm năng phát triển du lịch Quan Sơn thời gian qua, đặc biệt là du lịch cộng đồng, trải nghiệm hang động. Bản Ngàm (xã Sơn Điện) là bản dân tộc Thái với gần 80 hộ, trong đó 20 hộ đã đăng ký tham gia cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống, phục vụ du khách tham quan. Du lịch cộng đồng ở bản Ngàm có điểm nhấn là văn hóa dân tộc Thái như: kiến trúc nhà sàn, ẩm thực, lời ca tiếng hát... và đặc biệt là nghệ thuật dệt thủ công truyền thống của phụ nữ. Bà Vi Thị Doanh (57 tuổi), một chủ homestay trong bản đồng thời là nghệ nhân dệt tâm huyết, kể rằng phụ nữ dân tộc Thái thế hệ của bà đều tự dệt, tự may được trang phục cho bản thân và cả gia đình. Hiện nay, nghề dệt có nguy cơ mai một bởi người dân có nhiều lựa chọn nhanh và rẻ hơn, song nhất thiết phải giữ nghề vì đó là tinh hoa văn hóa được trao truyền nhiều đời. Bà Vi Thị Doanh vận động bà con trong bản giữ khung dệt, mở lớp dạy nghề cho lớp trẻ đồng thời nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm dệt theo hướng hàng hóa, trong đó có các sản phẩm trang trí và quà lưu niệm bán cho du khách. Khách đến bản Ngàm tham quan, nghỉ dưỡng không chỉ có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ vùng cao, mà còn được hòa mình với sinh hoạt người dân bản địa, tìm hiểu các công đoạn nhuộm vải và dệt vải, giao lưu văn nghệ, mua sắm sản vật đặc trưng dân tộc Thái...

Nhắc đến Quan Sơn, không thể không kể đến nhiều hang động đẹp như động Bo Cúng, hang Nang Non, hang Pha Bái, hang Co Láy, hang Pha Khua... Nổi tiếng nhất là động Bo Cúng (xã Sơn Thủy) với chiều dài hơn 1 km và hệ thống thạch nhũ lung linh, tráng lệ. Năm 2023, Ủy ban nhân dân huyện Quan Sơn phối hợp Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh tại Việt Nam tiến hành khảo sát, đánh giá và công bố nhiều thông tin quan trọng về giá trị nổi bật của động: hình thành

4 triệu năm trước, độ cao 420m so với mực nước biển, nhiều măng đá đẹp và có ý nghĩa với cả nghiên cứu khoa học lẫn phát triển du lịch. Động Bo Cúng được huyện Quan Sơn đầu tư xây dựng và đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để trở thành điểm đến hấp dẫn, mỗi năm đón hàng chục nghìn lượt khách. Cách đó không xa còn có một công trình tâm linh nổi tiếng của huyện Quan Sơn: Đền thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào, một nhân vật lịch sử có công phò vua chống giặc, bảo vệ giang sơn. Ông là người dân tộc Thái, sống ở thế kỷ 15, thời Lê Sơ. Khi Lê Lợi khởi nghĩa chống giặc Minh, ông tham gia nghĩa quân và lập nhiều chiến công, được phong là Tư Mã (một chức quan võ thời đó) trấn thủ biên cương. Gắn với đền thờ Tư Mã Hai Đào là Lễ hội Mường Xia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2022). Lễ hội là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng của người dân, với các nghi lễ trang trọng và linh thiêng được duy trì hàng thế kỷ. Sau phần lễ là phần hội tưng bừng rộn rã cả miền rừng núi, mang dấu ấn dân tộc Thái với các trò chơi, văn nghệ dân gian như: khua luống, tung còn, chọi cù, đẩy gậy, hát khặp. Du lịch cộng đồng trải nghiệm văn hóa dân tộc Thái cũng dần manh nha ở bản Tong (xã Trung Tiến), bản Khạn (xã Trung Thượng)... với điều kiện tự nhiên thuận lợi, như núi Pha Dùa, suối Xia, ruộng lúa nương ngô xanh tươi và những nếp nhà sàn gỗ mộc mạc. Tuy nhiên, hoạt động du lịch tại huyện Quan Sơn vẫn còn nhiều điểm nghẽn, phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Những khó khăn có thể kể đến là: địa bàn xa xôi và thiếu kết nối với các tuyến du lịch liên vùng, chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư trọng điểm và đồng bộ, chất lượng nhân lực du lịch thiếu và yếu, sản phẩm du lịch còn đơn giản và chưa hấp dẫn, cơ sở lưu trú chưa đáp ứng được nhu cầu, công tác quảng bá và xúc tiến còn hạn chế...

Xác định phát triển du lịch là hướng đi đúng đắn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, chính quyền huyện Quan Sơn đã phê duyệt nhiều đề án như: “Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Quan Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, “Đề án phát triển du lịch hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái huyện Quan Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch phát triển du lịch huyện Quan Sơn đến năm 2025... Tín hiệu tích cực là từ năm 2023, đến nay các điểm du lịch trên địa bàn huyện đã đón 135.000 lượt khách. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quan Sơn Lê Hồng Quang, trong 2 năm qua huyện đã đầu tư gần 10 tỷ đồng cho các hạng mục phát triển du lịch, gồm: hỗ trợ đầu tư điểm du lịch cộng đồng và nâng cấp đường giao thông vào bản Ngàm; đưa điện lưới về và xây dựng nhà điều hành khu du lịch động Bo Cúng; tôn tạo cảnh quan đền thờ Tư Mã Hai Đào... Huyện cũng đã và đang chủ động kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp làm về du lịch cộng đồng, du lịch khám phá. Song song với đó là tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức người dân tham gia phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường, gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống. Tận dụng vị trí cửa khẩu quốc tế, huyện Quan Sơn cũng hứa hẹn góp phần quan trọng vào một số tour du lịch kết nối với tỉnh Hủa Phăn (Lào) trong thời gian tới ■