Trái chiều chuyện thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng

Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh là đơn vị chủ trì nghiên cứu việc triển khai đề án thí điểm phát triển dịch vụ xe đạp công cộng khu vực trung tâm thành phố sau khi có văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Với một thành phố có hệ thống hạ tầng giao thông mang tính đặc thù như TP Hồ Chí Minh, đề án này hiện đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều...

Xe đạp công cộng là một loại dịch vụ đã được triển khai ở nhiều nước có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ như Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc... Tại mỗi khu vực triển khai dịch vụ này, các nước đều xây dựng hàng trăm trạm cung cấp dịch vụ và hàng chục nghìn chiếc xe đạp nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Xe đạp là phương tiện thân thiện với môi trường, góp phần giảm ô nhiễm và tiếng ồn tại các thành phố, đồng thời cải thiện tình trạng kẹt xe, tăng cường kết nối các phương tiện vận tải công cộng với nhau. Dịch vụ này có những nét đặc trưng tối ưu như cho phép người dân sử dụng phương tiện đi lại trên quãng đường ngắn mà không phải lo đến vấn đề như giữ xe và bảo quản. Với những ưu điểm như thế, đề án đã nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình, hưởng ứng của người dân.

Tuy nhiên, xem xét tổng thể hệ thống giao thông của TP Hồ Chí Minh như hiện nay, việc triển khai các dịch vụ, bến bãi, không gian để triển khai đề án là rất khó thực hiện. Anh Nguyễn Minh Hải, ngụ phường Phước Long A, quận 9 cho biết: "Nhà tôi ở quận 9, đi làm ở quận 1. Tôi làm bên ngành dịch vụ, cho nên công việc đòi hỏi phải đi giao dịch nhiều nơi, nếu đề án này được triển khai tôi cũng khó tham gia vì bất tiện. Tôi không thể gửi xe máy để sử dụng xe đạp và ngược lại".

Theo phân tích của các chuyên gia, nguyên nhân khiến TP Hồ Chí Minh rất khó thành công khi thực hiện đề án này là cơ sở hạ tầng giao thông chưa cho phép; việc kết nối giữa các hệ thống giao thông còn rời rạc, đường dành riêng cho hệ thống xe buýt công cộng và xe gắn máy còn thiếu.

Toàn thành phố hiện có khoảng sáu triệu xe máy, hơn 600 nghìn ô-tô, nhưng chỉ có 14% số đường có bốn làn xe. Với mật độ phương tiện đang trong tình trạng quá tải như hiện nay, nếu xuất hiện thêm phương tiện xe đạp (có tốc độ chậm) thì rất dễ làm chậm lại tốc độ của các phương tiện khác (vốn đã chậm) đang lưu thông trên đường. Khi ấy, tình trạng ùn tắc giao thông sẽ rất khó được cải thiện. Quan trọng hơn, việc di chuyển của hầu hết người dân hiện nay đều được thực hiện trên quãng đường dài, thường vào khoảng 10 km, cho nên việc đạp xe sẽ ảnh hưởng tiến độ làm việc và chất lượng công việc. Ngoài ra, việc tìm quỹ đất để xây dựng hệ thống trạm, bãi xe trong điều kiện vỉa hè bị lấn chiếm như hiện nay cũng là một bài toán khó đối với thành phố.

Để triển khai đề án này, các chuyên gia kiến nghị các cơ quan chức năng cần tạo được sự kết nối đồng bộ giữa cơ sở hạ tầng về giao thông với hệ thống giao thông công cộng, địa điểm quy hoạch xây dựng đề án xe đạp.

Ngay cả khi hệ thống giao thông đáp ứng được yêu cầu thì thành phố cũng chỉ nên triển khai thí điểm, nếu thành công mới nhân rộng bởi không như ở các nước phát triển, Việt Nam còn rất nhiều yếu tố chi phối như: ý thức người dân, an ninh trật tự... Việc thí điểm này có thể thực hiện tại các khu đô thị nhỏ để có cơ sở đánh giá và rút kinh nghiệm. Đề án xe đạp công cộng là một chủ trương hướng đến việc nâng cao sức khỏe người dân và bảo vệ môi trường. Với những đặc thù như đã phân tích thì việc triển khai cần có lộ trình phù hợp và khoa học. Bài học thành công về mô hình này đã và đang được triển khai rất tốt ở Hội An (Quảng Nam).

Hiện nay, Sở Giao thông vận tải thành phố đang thu thập ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà quản lý, người dân, đồng thời giao cho đơn vị chuyên trách nghiên cứu, phân tích và đánh giá về vấn đề này...