Cùng suy ngẫm

Trách nhiệm công vụ trong cải cách thủ tục hành chính

Kết quả từ 1.245 mẫu khảo sát của Ban pháp chế, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, có 53% số ý kiến người dân chưa hài lòng thái độ phục vụ, 7% chưa hài lòng việc hướng dẫn thủ tục, 12,8% ý kiến phản ánh phải đi lại hơn ba lần mới giải quyết được thủ tục hành chính…
0:00 / 0:00
0:00
Người dân làm thủ tục tại phòng tiếp nhận và trả kết quả của UBND quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Người dân làm thủ tục tại phòng tiếp nhận và trả kết quả của UBND quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Dù khảo sát nêu trên chưa phải trên phạm vi rộng nhưng đã phản ánh được phần nào sự chưa hài lòng của người dân trong cải cách hành chính tại Thành phố Hồ Chí Minh. Báo cáo cho thấy, trong năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh đã giải quyết hơn 22 triệu hồ sơ, đúng hạn 99,8%, còn lại trễ hạn và có thư xin lỗi. Ðiều đáng nói, chỉ hơn 0,2% hồ sơ trễ hạn nhưng đã tương đương 25.000 hồ sơ. Ðây là con số không nhỏ đối với một đô thị đang coi cải cách hành chính là nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.

Vẫn còn đó nhiều trường hợp người dân phải đi lại nhiều lần để làm những thủ tục đơn giản như: xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký học cho con hay xin phép xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Người dân xin cấp số nhà, nhưng huyện chỉ xuống xã, xã lại chỉ lên huyện. Lớn hơn là tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các sở, ngành khi làm thủ tục pháp lý cho các dự án nhà ở mà chỉ đến khi lãnh đạo thành phố “chỉ mặt đặt tên”, giao nhiệm vụ cụ thể thì người dân, doanh nghiệp mới được gỡ vướng.

Như cách nói của ông Huỳnh Thành Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, vấn đề cốt yếu trong cải cách hành chính nằm ở con người, ở đội ngũ cán bộ, công chức. Chỉ khi nào cải cách hành chính chạm đến trái tim của công chức thì sẽ có sáng kiến tâm huyết. Khi chứng kiến người dân tới xếp hàng lâu thì công chức phải bức xúc, phải suy nghĩ cách để người dân bớt khổ.

Xét cho cùng, dù công việc giản đơn hay công nghệ hiện đại đến mức độ nào thì cũng được vận hành bởi con người. Xử lý hồ sơ đơn giản hay phức tạp đều do cán bộ, công chức thực hiện; muốn tìm cách tháo gỡ hay trả hồ sơ về làm lại cũng là cán bộ, công chức thụ lý… Khi hồ sơ vướng mắc, nếu cán bộ, công chức có tâm sẽ hướng dẫn và tìm giải pháp, còn vô tâm thì thoái thác và đùn đẩy trách nhiệm dưới vỏ bọc “làm theo quy trình”. Sâu xa hơn, chính đội ngũ cán bộ, công chức sẽ nhận ra bất cập của quy trình để rút ngắn, xóa bỏ những điều kiện vô lý, hành dân, từng bước hướng tới nền hành chính phục vụ.

Thành phố Hồ Chí Minh đang kiến nghị cơ chế được bố trí cán bộ, công chức theo quy mô dân số trên địa bàn từng phường. Thế nhưng, với “núi” thủ tục và quy định như hiện hành, tăng thêm cán bộ chỉ có thể giải quyết được phần ngọn. Phần gốc vẫn là thành phố phải mạnh dạn loại bỏ những thủ tục không cần thiết; công khai, minh bạch quy trình, thủ tục để dân biết, dân làm, dân giám sát. Bên cạnh đó là làm rõ trách nhiệm của từng công chức, của người đứng đầu đơn vị. Bởi người đứng đầu còn sợ, còn đùn đẩy trách nhiệm thì chắc chắn hồ sơ sẽ không được giải quyết sớm.

Ðể biết được cán bộ, công chức có hoàn thành nhiệm vụ hay không, thành phố cần ban hành quy trình giám sát và luân chuyển hồ sơ ở từng cơ quan, đơn vị. Cùng với đó là các giải pháp như tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, chú trọng kiểm tra đột xuất; nếu phát hiện vi phạm thì phải xử lý. Với những cán bộ vi phạm đến mức xử lý kỷ luật thì phải bố trí, sắp xếp lại theo quy định. Việc luân chuyển, điều động cán bộ phải bảo đảm sử dụng cán bộ đúng năng lực, chuyên môn, công khai, minh bạch. Thành phố cần chú trọng nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới toàn diện công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới công tác đánh giá cán bộ.