Để có đủ quỹ đất tái định cư cấp cho người dân, hiện thành phố Gia Nghĩa đang tập trung mọi nguồn lực để thực hiện, phối hợp với các đơn vị chủ đầu tư hoàn thành các khu tái định cư, và sẽ tổ chức cấp đất cho người dân trong quý 1, nếu có phát sinh cũng sẽ hoàn thành trong quý 2 năm 2021, nhằm sớm bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân có đất bị thu hồi.
Năm 2005, gia đình bà N.T.N. cùng nhiều hộ dân phường Nghĩa Phú, thành phố Gia Nghĩa thuộc diện thu hồi dất để xây dựng công trình Trụ sở làm việc Công an tỉnh Đắk Nông.
Theo quyết định, ngoài được cấp một lô đất tái định cư thì nhiều hộ dân còn được nhận từ một đến hai lô đất tái định cư thuộc diện thưởng do tổ chức bàn giao mặt bằng sớm và có diện tích đất thu hồi lớn. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 15 năm người dân vùng dự án vẫn chưa được cấp đất tái định cư nên cuộc sống hết sức khó khăn.
Bà N.T.N. cho biết, gia đình bà và con trai T.V.Đ. có hơn 2ha đất ở và đất trồng cây lâu năm, trên đất có nhà ở kiên cố và trồng các loại cây nông nhiệp. Tổng số tiền bồi thường nhà ở, đất ở, đất nông nghiệp và các loại cây trồng khoảng 340 triệu đồng. Theo quyết định thu hồi đất thì gia đình bà N. được cấp ba lô đất bao gồm: một lô đất tái định cư theo quy định và hai lô đất tái định cư theo diện thưởng.
Tương tự, người con trai T.V.Đ. cũng được nhận một lô đất tái định cư theo quy định và một lô đất tái định cư theo diện thưởng. Tổng số lô đất tái định cư của bà N. và con trai T.V.Đ. được cấp theo quy định là năm lô. Thế nhưng, đến nay, đại gia đình bà N. chưa hề nhận được đất tái định cư, bản thân bà N. hàng chục năm nay phải đi ở nhờ trông nhà cho người khác nên cuộc sống hết sức khó khăn. Bà N. cũng đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết cấp đất tái định cư.
Tương tự, từ năm 2012 đến năm 2014, có 17 hộ dân thuộc phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa phải tổ chức di dời để thực hiện Dự án hạ tầng Công viên Hồ Thiên Nga, đến nay vẫn chưa được cấp đất tái định cư.
Có hai nguyên nhân các hộ chưa được cấp đất, một là chưa có quỹ đất tái định cư để cấp cho dân, hai là một số hộ được chọn ưu tiên cấp đất trước thì vị trí không phù hợp, do cách xa với khu vực đất sản xuất hoặc giá đất quá cao so với tiền hỗ trợ đền bù tài sản lúc ban đầu nên người dân không thể nhận đất tái định cư.
Bà N.T.L. có đất và nhà ở bị thu hồi tại vùng Dự án hạ tầng Công viên Hồ Thiên Nga, quyết định thu hồi được ban hành và thực hiện di dời từ năm 2012 nhưng đến nay gia đình vẫn chưu nhận được đất tái định cư. Bà L. cho biết, tại thời điểm thu hồi đất giá bồi thường rất thấp chỉ 150 nghìn đồng/m2, và theo quy định thì ngay sau đó người dân được cấp tái định cư để ổn định cuộc sống, với giá cùng thời điểm khoảng 300 nghìn đồng/m2 tại khu tái định cư Bắc Nam.
Thế nhưng, đến nay đã gần tám năm, người dân vẫn chưa được cấp đất tái định cư là đã chịu nhiều thiệt thòi, lỗi này là do các cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện chưa hết trách nhiêm, “nợ” đất tái định cư của người dân. Trong khi đó, hiện nay khi “trả nợ” đất tái định cư cho người dân thì lại tính giá đất theo quy định mới hiện hành với mức quá cao, có nơi từ 2,2 triệu đến 4,2 triệu đồng/m2 nên người dân không đủ tiền để nhận đất. Bà L. kiến nghị các cấp tỉnh Đắk Nông sớm bố trí đất tái định cư và xem xét lại giá đất hiện tại, có chính sách phù hợp hỗ trợ về giá đất, nhất là đối với những hộ đã giải tỏa trong thời điểm cách nay hàng chục năm, để người dân ổn định cuộc sống.
Không chỉ chậm trong việc cấp đất tái định cư, việc quy hoạch “treo” cũng làm ảnh hưởng đến việc kê khai, bồi thường giải phóng mặt bằng. Gia đình ông Trần Công Ba có ba sào đất và nhà ở, thuộc tổ 3, phường Nghĩa Đức, thành phố Gia Nghĩa.
Đất có nguồn gốc hợp pháp, sử dụng liên tục từ trước năm 1975, do Hợp tác xã Quảng Thành (đơn vị cũ) cấp cho các xã viên. Đến năm 2005, khi Gia Nghĩa công bố quy hoạch Cụm công trình Thủy lợi Gia Nghĩa thì toàn bộ nhà và đất đều nằm trong diện phải giải tỏa.
Tuy nhiên, quá trình xác minh nguồn gốc xảy ra thiếu sót, ông Ba có đơn kiến nghị và được hội đồng bồi thường công nhận 300m2 đất thổ cư, sau đó tiến hành bồi thường theo quy định. Tuy nhiên, hội đồng bồi thường lại cho rằng ông Ba chuyển nhà trước thời điểm kê khai thu hồi đất nên không xét cấp đất tái định cư.
Ông Trần Công Ba cho biết, gia đình đang sinh sống ổn định thì năm 2005 Gia Nghĩa công bố quy hoạch. Sau đó mọi hoạt động sản xuất và sinh hoạt của gia đình bị ảnh hưởng, không được trồng mới cây trồng, nhà cửa xuống cấp cũng không được sửa chữa cơ nới… trong khi đó, dự án công bố quy hoạch xong là “treo” không thực hiện.
Bức xúc với cuộc sống chật chội, gia đình đã chuyển một phần tài sản vào dựng chòi tại đất rẫy thuộc tổ 4, phường Nghĩa Đức để sinh sống, nhà cũ để lại cho các con ở để học tập. Sau khi con đi học đại học, ông Ba cho một hộ dân bị giải tỏa cùng phường thuê để ở. Trong suốt thời gian trên, gia đình vẫn thường xuyên qua lại chăm sóc cây trồng, nhà cửa.
Thời gian công bố quy hoạch là năm 2005, mãi đến năm 2010 mới ban hành hướng dẫn một số nội dung cụ thể về bồi thường; năm 2011 tiến hành thống kê tài sản; năm 2012 ban hành quy định giá đất; năm 2015 phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Ông Ba cho rằng, việc dự án “treo” quá lâu khiến gia đình phải chuyển một phần công việc và nhân khẩu vào rẫy sinh sống. Tại thời điểm giả tỏa ông Ba là tổ trưởng tổ dân phố 3 nên đã gương mẫu chấp hành, vận động người dân trong khu vực chấp hành bàn giao mặt bằng thi công…
Việc hội đồng bồi thường cho rằng, gia đình ông đã chuyển đi trước năm 2011, thời điểm thống kê tài sản nên không cấp đất tái định cư là không đúng nên kiến nghị kéo dài.
Theo thống kê, các công trình dự án trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa hiện đang “nợ” dân 527 lô đất tái định cư. Trong đó, các hộ được bố trí tái định cư theo diện di chuyển chỗ ở là 87 lô; đất tái định cư theo diện trường hợp đặc biệt (không còn nơi ở khác) là 7 lô; đất tái định cư theo diện thưởng là 268 lô; số 165 lô thuộc
Dự án Hồ Gia Nghĩa và Cụm công trình Thủy lợi Gia Nghĩa đã được thống nhất phương án bố trí vị trí đất tái định cư. Ngoài ra, số hộ dân được phê duyệt tái định cư từ Dự án Thủy điện Đắk R’Tih mới được bàn giao về cho thành phố là 417 lô, trong đó quỹ đất bàn giao chỉ có 217 lô, số còn lại là thiếu quỹ đất.
Giám đốc Ban quản lý Dự án và Phát triển Quỹ đất thành phố Gia Nghĩa Vũ Tá Vượng cho biết, trước đây do không có quỹ đất nên “nợ” dân, hiện nay đã được bố trí quỹ đất, thành phố Gia Nghĩa đang quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực thực hiện song song nhiều khu tái định cư để có quỹ đất cấp cho dân.
Cụ thể, tại khu tái định cư Đắk Nur B với khoảng 493 lô, hiện đã hoàn thiện hơn 90% dự án; khu tái định cư phía đông Hồ trung tâm với khoảng 558 lô, hiện đã thực hiện được hơn 75% khối lượng. Ban quản lý Dự án và Phát triển Quỹ đất thành phố Gia Nghĩa đang phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện các phương án, trình thành phố Gia Nghĩa phê duyêt, và sẽ tiến hành cấp đất xong cho tất cả 527 lô đất “nợ” nêu trên trong quý 1, các trường hợp phát sinh cũng sẽ giải quyết dứt điểm trong quý 2 năm 2021; đối với 553 lô đất còn dư sẽ bố trí cho các dự án sau khi thu hồi đất trên địa bàn thành phố; các trường hợp người dân tiếp tục kiến nghị sẽ tiếp nhận và giải quyết thỏa đáng theo quy định của pháp luật.
Cũng theo ông Vượng, cái khó khăn nhất trong thời gian tới không phải là thiếu quỹ đất, mà vấn đề là giá đất tái định cư. Trên thực tế giá đất tại thời điểm thu hồi đất so với giá đất tại thời điểm cấp đất tái định cư cho người dân có sự chênh lệch rất lớn.
Tuy nhiên, theo quy định thì khi nhận đất tái định cư nếu tổng số tiền bồi thường không đủ để mua 100m2 đất tái định cư thì sẽ được hỗ trợ thêm phần thiếu còn lại để đạt số đất nêu trên, còn số đất từ 100m2 trở lên vẫn phải nộp tiền theo giá hiện hành… nên nhiều người dân còn kiến nghị.
Thời gian tới Ban quản lý Dự án và Phát triển Quỹ đất thành phố Gia Nghĩa sẽ tham mưu UBND thành phố Gia Nghĩa kiến nghị tỉnh Đắk Nông; các bộ, ngành trung ương xem xét có hướng dẫn, cơ chế cụ thể nhằm bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người dân và Nhà nước, tránh việc kiến nghị kéo dài như hiện nay.