Theo đạo luật mới, quyền hành pháp sẽ do chính phủ và các cơ quan liên bang khác thực hiện, dưới sự chỉ đạo chung của Tổng thống (theo văn bản luật trước đó, chỉ có Chính phủ thực hiện quyền hành pháp).
Luật mới cũng thay đổi thủ tục bổ nhiệm Thủ tướng, theo đó Tổng thống chỉ có thể bổ nhiệm vị trí Thủ tướng, sau khi ứng cử viên cho vị trí này được Đuma Quốc gia (Hạ viện) chấp thuận. Tuy nhiên, nếu ứng cử viên Thủ tướng không nhận được sự ủng hộ của các hạ nghị sĩ sau ba lần biểu quyết, Tổng thống sẽ có quyền tự mình bổ nhiệm Thủ tướng.
Luật mới cũng cho phép Tổng thống bổ nhiệm vị trí Bộ trưởng các bộ sức mạnh (gồm các Bộ Quốc phòng, Ngoại giao và Nội vụ), sau khi đã tham khảo ý kiến Hội đồng Liên bang (Thượng viện). Đồng thời, Hội đồng Liên bang có quyền hủy bỏ việc xem xét đề xuất ứng cử viên vào các vị trí kể trên, nếu trong vòng một tuần các đề xuất này không được đệ trình lên Thượng viện.
Các thành viên còn lại trong nội các sẽ do Đuma Quốc gia phê chuẩn, theo đề nghị của Thủ tướng. Và tương tự như quy trình bổ nhiệm vị trí Thủ tướng, nếu ứng cử viên cho các vị trí Phó Thủ tướng và Bộ trưởng sau ba lần biểu quyết vẫn không được Đuma Quốc gia chấp thuận, Tổng thống sẽ có quyền tự bổ nhiệm.
Ngoài ra, luật mới có một thay đổi quan trọng, đó là “sự ra đi” của Thủ tướng sẽ không kéo theo việc toàn bộ nội các phải từ chức theo. Cụ thể, Tổng thống có thể bổ nhiệm Thủ tướng mới, nhưng vẫn giữ lại các thành viên nội các cũ.
Cơ cấu nội các vẫn như trước đây, sẽ do Tổng thống tự quyết định. Bên cạnh đó, luật mới quy định tăng gấp 5 lần ngưỡng hỗ trợ tài chính, từ mức 100 lên 500 triệu rúp.
Luật này có hiệu lực ngay trong ngày được công bố chính thức.