Tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

NDO -

Ngày 20/7, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tóm tắt Tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trước Quốc hội. Nhân Dân điện tử xin giới thiệu toàn văn Báo cáo tóm tắt của Hội đồng Bầu cử quốc gia. 

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tại phiên khai mạc. Ảnh: LÂM HIỂN
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tại phiên khai mạc. Ảnh: LÂM HIỂN

Căn cứ vào quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, trên cơ sở kết quả tổng kết công tác bầu cử tại Hội nghị toàn quốc ngày 15/7/2021, báo cáo tổng kết cuộc bầu cử của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành Trung ương và tổng kết của Ủy ban bầu cử ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Hội đồng bầu cử quốc gia đã tiến hành tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Hội đồng bầu cử quốc gia đã có Báo cáo đầy đủ tổng kết cuộc bầu cử gồm 32 trang và 12 phụ lục với gần 150 trang. Sau đây, xin báo cáo tóm tắt kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 như sau: 

I. BỐI CẢNH, ĐẶC ĐIỂM CỦA CUỘC BẦU CỬ

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là cuộc bầu cử rất đặc biệt, một sự kiện chính trị quan trọng thu hút sự quan tâm của Nhân dân cả nước và quốc tế, thể hiện ở những điểm cơ bản sau đây: 

1. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đã trải qua hơn 75 năm độc lập, 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp đồng thời đề ra các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường, tạo nền tảng, tiền đề vững chắc để phát triển đất nước nhanh và bền vững. 

2. Cuộc bầu cử diễn ra trong khó khăn, thử thách, khi mà cùng lúc vừa phải tổ chức cuộc bầu cử thành công, đúng pháp luật, vừa phải bảo đảm an toàn trong điều kiện phòng, chống đại dịch Covid-19 và thực hiện tốt nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống và an toàn cho người dân. 

3. Cuộc bầu cử được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, thống nhất, sát sao, toàn diện, đồng bộ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự vào cuộc, chung sức đồng lòng, đoàn kết thống nhất của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng thuận của Nhân dân và cử tri cả nước.  

4. Cuộc bầu cử lần này có số lượng cử tri đi bầu lớn nhất từ trước đến nay, với 69.523.277 cử tri và tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu là 69.243.939 cử tri (đạt 99,60%). Trong bối cảnh khó khăn, tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều cử tri ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, phương tiện đi lại khó khăn hoặc đang phải điều trị hoặc thực hiện cách ly y tế để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn tự nguyện, hăng hái, tích cực tham gia bỏ phiếu. 

5. Cuộc bầu cử được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, chủ động, chuyên nghiệp, sáng tạo, với tinh thần trách nhiệm rất cao, nắm bắt nhanh nhạy, xử lý kịp thời, linh hoạt, đúng pháp luật trong mọi tình huống phát sinh.  

6. Thành công của cuộc bầu cử cho thấy sức mạnh tổng hợp của Nhân dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, thể hiện sinh động tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với chế độ xã hội chủ nghĩa, với Đảng và Nhà nước, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, được dư luận trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài và truyền thông quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Cuộc bầu cử là minh chứng cho thấy càng trong khó khăn, thử thách, lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường vượt qua khó khăn và khát vọng vươn lên, vốn là những giá trị cơ bản làm nên sức mạnh Việt Nam, càng được trỗi dậy, phát huy và lan tỏa mạnh mẽ hơn.

II. VỀ CÔNG TÁC CHUẨN BỊ BẦU CỬ

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử thể hiện sự chủ động, quyết liệt, sát sao, trách nhiệm, sáng tạo, thể hiện sự quyết tâm, đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở trong triển khai công tác bầu cử 

Bộ Chính trị đã ban hành 02 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ban, Bộ, ngành có liên quan đã ban hành 144 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, làm cơ sở triển khai công tác bầu cử với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, kịp thời, tất cả vì thành công chung của cuộc bầu cử.  

Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức 02 Hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình cũng tổ chức các hội nghị trực tuyến để tập huấn công tác bầu cử. Trên cơ sở thống nhất về nhận thức và hành động, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở các địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử khẩn trương, nghiêm túc trách nhiệm, quyết liệt và sáng tạo.  

2. Việc thành lập và hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử được thực hiện kịp thời, bảo đảm số lượng, thành phần theo đúng quy định của pháp luật  

Ngay tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 118/2020/QH14 thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, gồm 21 thành viên và được bổ sung kiện toàn tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Sau khi được thành lập, Hội đồng bầu cử quốc gia đã ban hành Quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm của các thành viên, thành lập bộ phận giúp việc gồm Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia và 04 Tiểu ban tham mưu, giúp việc trong các lĩnh vực về: Pháp luật và Thông tin, tuyên truyền; Nhân sự; Giải quyết khiếu nại, tố cáo; An ninh, trật tự và Y tế. Hội đồng bầu cử quốc gia đã tổ chức 08 phiên họp toàn thể để xem xét, quyết định các nội dung thuộc trách nhiệm của Hội đồng theo quy định của pháp luật. 

Theo quy định của Luật Bầu cử, các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương được thành lập, gồm: 63 Ủy ban bầu cử cấp tỉnh; 682 Ủy ban bầu cử cấp huyện; 10.195 Ủy ban bầu cử cấp xã; 184 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội; 1.059 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh; 6.188 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện; 69.474 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã và 84.914 Tổ bầu cử.  

3. Công tác nhân sự, hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử được triển khai bài bản, dân chủ, khách quan, thận trọng, khoa học, bảo đảm nguyên tắc và quy trình, thủ tục

Trong quá trình hiệp thương có sự trao đổi, giải trình cụ thể, bảo đảm thống nhất trong lựa chọn, giới thiệu được những người tiêu biểu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Các hội nghị lấy ý kiến cử tri về người ứng cử tại nơi cư trú, nơi công tác được tổ chức công khai, dân chủ, đúng quy định. Chính vì vậy, chất lượng ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp được bảo đảm; yêu cầu về số dư, tỷ lệ nữ, trẻ tuổi, dân tộc, ngoài Đảng đều đạt hoặc cao hơn so với quy định. 

4. Việc lập, niêm yết danh sách cử tri được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, rà soát, cập nhật kịp thời, bảo đảm quyền bầu cử của công dân

Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện việc lập, niêm yết danh sách cử tri theo đúng quy định, bảo đảm dân chủ, khách quan, làm cơ sở để cử tri kiểm tra, giám sát, phát hiện, phản ánh những sơ suất, sai sót về danh sách cử tri và quyền bầu cử của công dân. Việc rà soát, cập nhật, bổ sung danh sách cử tri được thực hiện thường xuyên, kịp thời, đặc biệt là trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, người lao động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp di chuyển từ các thành phố về nguyên quán đã dẫn đến những biến động nhất định trong việc lập danh sách cử tri.  

5. Việc vận động bầu cử được tổ chức linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm dân chủ, đúng pháp luật, bình đẳng giữa những người ứng cử  

Trên cơ sở quy định của pháp luật, hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, việc vận động bầu cử được thực hiện đúng luật, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, cơ bản bảo đảm công bằng giữa những người ứng cử. Nhiều địa phương đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử theo hình thức trực tiếp kết hợp với kết nối trực tuyến đến các xã, phường, thị trấn. Đây là lần đầu tiên việc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử được thực hiện theo hình thức này.  

6. Công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp chặt chẽ, kịp thời, đồng bộ, sáng tạo, rộng khắp, tạo sức lan tỏa sâu rộng  
Các cơ quan truyền thông, báo chí dành nhiều chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng, triển khai phối hợp chặt chẽ, đồng bộ theo đúng kế hoạch; không chỉ tuyên truyền trực quan, thông qua tranh cổ động, áp phích, băng rôn, thông qua hệ thống loa truyền thanh,… mà còn ứng dụng các phương thức thông tin, tuyên truyền hiện đại, qua đó đã huy động hiệu quả sức mạnh tổng hợp của các loại hình thông tin, các phương thức truyền thông. Một số cơ quan báo chí lớn đã có các chuyên trang, chuyên mục riêng về bầu cử trên mạng internet . Các nhà mạng truyền thông đã gửi tin nhắn đến thuê bao, thực hiện phát âm thông báo khẩu hiệu để động viên người dân tích cực tham gia bầu cử.

7. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm tuyệt đối; quán triệt đầy đủ, nghiêm túc, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong công tác bầu cử

Hội đồng bầu cử quốc gia phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chính quyền các cấp để nắm tình hình, chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội phục vụ bầu cử. Bộ Công an đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, giao nhiệm vụ và phát lệnh ra quân bảo đảm an ninh, trật tự Ngày bầu cử trong toàn quốc. Lực lượng Công an đã xây dựng, triển khai phương án bố trí, phân công 123.047 cán bộ, chiến sĩ bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn 100% khu vực bỏ phiếu trong Ngày bầu cử. 

Mọi yếu tố tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự liên quan đến cuộc bầu cử đã được cấp ủy, chính quyền, các lực lượng công an, quân đội chủ động, kiên quyết, kịp thời phát hiện và đã có kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp, phương tiện để giải quyết từ sớm, từ xa nhằm bảo đảm an ninh, trật tự an toàn cuộc bầu cử. 

Các địa phương, đơn vị, các tổ chức phụ trách bầu cử và các tổ chức liên quan đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định về bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong cuộc bầu cử. Các lực lượng tuyến đầu chống dịch, các tổ chống dịch tại cộng đồng đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc hỗ trợ lực lượng chức năng trong việc tuyên truyền, vận động, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Đối với các trường hợp đang điều trị tại các bệnh viện, đang cách ly tại cơ sở cách ly tập trung mà không thành lập khu vực bỏ phiếu riêng và các trường hợp cách ly tại nhà, thành viên Tổ bầu cử đã mang hòm phiếu phụ, trang bị bảo hộ phòng dịch đến tận nơi cách ly để cử tri thực hiện quyền bầu cử theo quy định. 

8. Công tác xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử được tiến hành chủ động, kịp thời, nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật

Tính đến 17 giờ ngày 2/7/2021, Hội đồng bầu cử quốc gia tiếp nhận tổng số 220 đơn thư của công dân có nội dung khiếu nại, tố cáo và phản ánh về bầu cử và ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, giảm 22% so với kỳ bầu cử trước. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo về bầu cử, nhất là các đoàn đông người, phức tạp giảm nhiều, số lượng đơn thư gửi Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ bằng 18% so với kỳ bầu cử trước. Điều này cho thấy cấp ủy, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu, lựa chọn người ứng cử; làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cấp cơ sở.

9. Công tác giám sát, kiểm tra về bầu cử được coi trọng, triển khai bài bản, theo đúng kế hoạch và đạt hiệu quả cao

Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức 3 đợt kiểm tra, giám sát trong thời gian chuẩn bị bầu cử và ngay trước, trong Ngày bầu cử, đảm bảo hầu hết các tỉnh, thành phố được kiểm tra, giám sát theo đúng quy định. Ở địa phương, Ban Chỉ đạo bầu cử và Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố cũng đã tổ chức hơn 960 đoàn kiểm tra, giám sát bầu cử ở các đơn vị hành chính trực thuộc, nhất là các địa bàn có nguy cơ phức tạp về an ninh, trật tự, địa bàn có diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp. 

10. Công tác tham mưu, phục vụ bầu cử chuyên nghiệp, tận tụy, trách nhiệm, chủ động và kịp thời 

Hội đồng bầu cử quốc gia đã thành lập 04 Tiểu ban và Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia để tham mưu, giúp việc Hội đồng bầu cử quốc gia. Ở địa phương, bộ máy giúp việc các tổ chức phụ trách bầu cử với lực lượng nòng cốt là các cơ quan nội vụ đã tham mưu, giúp việc đắc lực, có hiệu quả, bảo đảm kết nối, trao đổi thông tin kịp thời với các cơ quan ở Trung ương đã góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử.

11. Kinh phí bầu cử, cơ sở vật chất - kỹ thuật và các điều kiện bảo đảm cho cuộc bầu cử được chuẩn bị kỹ càng, chu đáo, phục vụ tốt nhất cho cuộc bầu cử

Ngoài các chi phí trực tiếp cho công tác bầu cử như những kỳ bầu cử trước, trong cuộc bầu cử lần này còn phát sinh thêm nhiều chi phí khác liên quan đến việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh, tổ chức bầu cử ở các điểm cách ly, bổ sung số lượng lớn hòm phiếu phụ và khắc thêm con dấu “Đã bỏ phiếu”,... Song với quyết tâm, nỗ lực, cố gắng của các địa phương, cơ bản các điều kiện bảo đảm bầu cử đều được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, phục vụ tốt nhất cho cuộc bầu cử.  

12. Công tác thi đua, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bầu cử được tổ chức sâu rộng, kịp thời, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch 

Các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức phát động các phong trào thi đua thực hiện tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 gắn với phong trào thi đua yêu nước, góp phần thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hội đồng bầu cử quốc gia biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của hệ thống chính trị, các tổ chức bầu cử và của cử tri cả nước, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 đã thực hiện tốt công tác bầu cử, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trên cơ sở tổng kết công tác bầu cử trong cả nước, các cơ quan ở Trung ương và địa phương đã lựa chọn ra các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để đề nghị khen thưởng. Tính đến ngày 12/7/2021, đã có 4.157 tập thể và 7.684 cá nhân đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tặng bằng khen; có 587 tập thể và 633 cá nhân được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tặng Bằng khen; có 224 tập thể và 218 cá nhân được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.  

III. KẾT QUẢ CUỘC BẦU CỬ

1. Kết quả bầu đại biểu Quốc hội khóa XV 

Trong cuộc bầu cử ngày 23/5/2021, cử tri cả nước đã bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét xác nhận tư cách người trúng cử theo quy định của pháp luật, Hội đồng bầu cử quốc gia đã quyết định không xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV vì không bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật đối với 01 trường hợp tại đơn vị bầu cử số 01 thuộc tỉnh Bình Dương. Do đó, đã có 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (đạt 99,8%). Trong đó:

- Đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở trung ương giới thiệu: có 194 người trúng cử; đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở địa phương giới thiệu: có 301 người trúng cử; đại biểu tự ứng cử: có 04 người trúng cử. Số đại biểu dự kiến hoạt động chuyên trách ở Trung ương trúng cử là 126 người; số đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương trúng cử là 67 người.

- Về cơ cấu thành phần: đại biểu là phụ nữ: 151 người (tỷ lệ 30,26%); đại biểu là người dân tộc thiểu số: 89 người (tỷ lệ 17,84%); đại biểu trẻ dưới 40 tuổi: 47 người (tỷ lệ 9,42%); đại biểu là người ngoài Đảng: 14 người (tỷ lệ 2,81%); đại biểu khóa XIV tái cử hoặc đã từng là đại biểu Quốc hội các khóa trước: 203 người (tỷ lệ 40,68%); đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội: 296 người (tỷ lệ 59,32%).

- Về trình độ chuyên môn: trên đại học: 392 người, tỷ lệ 78,56% (trong đó: Tiến sĩ: 144 người, Thạc sĩ: 248 người); đại học: 106 người (tỷ lệ 21,24%); dưới đại học: 01 người (tỷ lệ 0,20%). Về học hàm: Giáo sư: 12 người (tỷ lệ 2,40%), Phó Giáo sư: 20 người (tỷ lệ 4%).  

Cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV đã giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách. Lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội dự kiến hoạt động chuyên trách trúng cử cao, đạt 38,6%  tổng số đại biểu Quốc hội. Các cơ cấu như tỷ lệ đại biểu là phụ nữ, trẻ tuổi, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử đều đạt hoặc vượt so với chỉ tiêu đặt ra. Đặc biệt, lần đầu tiên trong 15 nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội trúng cử là người dân tộc thiểu số đạt 17,84% - cao nhất từ trước đến nay và đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội nước ta có thêm đại diện của 02 dân tộc thiểu số rất ít người là Lự và Brâu . Tỷ lệ đại biểu Quốc hội trúng cử là phụ nữ đạt 30,26% - cao nhất từ Quốc hội khóa VI trở lại đây . Với kết quả này, Việt Nam được nâng lên đứng thứ 51 trên thế giới, thứ 4 ở Châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA) về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội.  

2. Kết quả bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

HĐND cấp tỉnh: bầu được 3.721 đại biểu. Trong đó, đại biểu là phụ nữ: 1.079 người (tỷ lệ 29,00%); đại biểu là người dân tộc thiểu số: 636 người (tỷ lệ 17,09%); đại biểu trẻ dưới 40 tuổi: 511 người (tỷ lệ 13,73%); đại biểu tái cử: 1.566 người (tỷ lệ 42,09%); đại biểu là người ngoài Đảng: 184 người; đại biểu tự ứng cử: 02 người. Về trình độ chuyên môn: tỷ lệ trên đại học 58,32%; đại học 39,75%; dưới đại học 1,93%. 

HĐND cấp huyện: bầu được 22.550 đại biểu. Trong đó, đại biểu là phụ nữ: 6.584 người (tỷ lệ 29,20%); đại biểu là người dân tộc thiểu số: 4.110 người (tỷ lệ 18,23%); đại biểu trẻ dưới 40 tuổi: 5.002 người (tỷ lệ 22,18%); đại biểu tái cử: 10.608 người (tỷ lệ 47,04%); đại biểu là người ngoài Đảng: 1.057 người; đại biểu tự ứng cử: 08 người. Về trình độ chuyên môn: tỷ lệ trên đại học 28,92%; đại học 66,39%; dưới đại học 4,69%. 

HĐND cấp xã: bầu được 239.788 đại biểu. Trong đó, đại biểu là phụ nữ: 69.487 người (tỷ lệ 28,98%); đại biểu là người dân tộc thiểu số: 49.286 người (tỷ lệ 20,55%); đại biểu trẻ dưới 40 tuổi: 88.324 người (tỷ lệ 36,83%); đại biểu tái cử: 129.458 người (tỷ lệ 53,99%); đại biểu là người ngoài Đảng: 28.092 người; đại biểu tự ứng cử: 51 người. Về trình độ chuyên môn: tỷ lệ trên đại học 2,56%; đại học 52,56%; dưới đại học 44,88%. 

3. Bầu cử thêm, bầu cử lại

3.1. Về bầu cử thêm 

- Không có đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh nào phải tổ chức bầu cử thêm. 

- Có 02 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện ở 02 tỉnh Kiên Giang và Quảng Ngãi phải tổ chức bầu thêm 02 đại biểu; sau khi tổ chức bầu cử thêm đã bầu được 02 đại biểu HĐND cấp huyện. 

- Có 216 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã ở 188 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 30 tỉnh, thành phố phải tổ chức bầu cử thêm. Số lượng đại biểu HĐND cần bầu cử thêm là 336 đại biểu; sau khi tổ chức bầu cử thêm đã bầu được 212 đại biểu HĐND cấp xã.

3.2. Về bầu cử lại 

- Không có đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện nào phải bầu cử lại. 

- Có 05 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã phải bầu cử lại 14 đại biểu; sau khi tổ chức bầu cử lại đã bầu đủ 14 đại biểu HĐND cấp xã.

4. Việc xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử, với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm và rất thận trọng, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp đã tiến hành xong việc xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đến nay, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất của HĐND để xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương và kiện toàn nhân sự theo đúng quy định.

IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ KẾT QUẢ CỦA CUỘC BẦU CỬ 

1. Về những kết quả đạt được

Dưới sự lãnh đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, khoa học, kịp thời, chuyên nghiệp, sáng tạo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp, các ngành, các tổ chức phụ trách bầu cử từ Trung ương đến địa phương, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công rất tốt đẹp. Cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng pháp luật, bình đẳng, bảo đảm an toàn, tiết kiệm và thực sự là Ngày hội lớn của toàn dân.

Cuộc bầu cử diễn ra trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ tư, với diễn biến rất phức tạp nhưng đã được tổ chức an toàn; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm nhiều so với các kỳ bầu cử trước; không có các tình huống bất thường xảy ra ngay cả tại một số địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh.  

Cuộc bầu cử đã phát huy được tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch trong từng bước triển khai, từ dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng cho đến hiệp thương, lấy ý kiến cử tri, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng, việc tổ chức vận động bầu cử cũng như việc bỏ phiếu, kiểm phiếu. Kết quả bầu được 499 đại biểu Quốc hội, cơ bản bầu đủ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, khẳng định công tác nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, dân chủ, đúng quy định của pháp luật.  

Cuộc bầu cử với quy mô lớn như vậy được tổ chức thành công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp càng khẳng định niềm tin vững chắc của Nhân dân với chế độ xã  hội chủ nghĩa, với Đảng và Nhà nước ta trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Có được kết quả này chính là do sự đồng tâm, hiệp lực, sự đoàn kết, ủng hộ của toàn dân, ý thức và trách nhiệm cao trong thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Đại đoàn kết toàn dân tộc chính là cội nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam - bài học kinh nghiệm quý báu này đã được đúc rút qua lịch sử dân tộc và tiếp tục phát huy, khơi dậy trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

2. Về một số bất cập, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc bầu cử lần này còn một số hạn chế, liên quan đến công tác rà soát danh sách cử tri, nắm số lượng cử tri thường trú và tạm trú trên địa bàn ở một số đơn vị hành chính cấp xã còn chậm và gặp khó khăn do số lượng cử tri tạm trú thường xuyên biến động. Việc xác định quyền bầu cử của cử tri cách ly y tế tập trung còn lúng túng, nhất là cử tri được cách ly y tế tập trung tại đơn vị hành chính cấp xã mình cư trú. Ở một vài nơi, tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là phụ nữ, người dân tộc thiểu số chưa đạt so với quy định. Cơ cấu đại biểu trúng cử có nơi chưa đạt, một số trường hợp nhân sự do Trung ương giới thiệu về địa phương ứng cử nhưng không trúng cử ; vẫn có nơi bầu chưa đủ số lượng đại biểu HĐND cấp xã. Ở một số khu vực bầu cử còn để xảy ra nhầm lẫn trong việc đóng dấu phiếu bầu; sai sót trong in ấn tiểu sử tóm tắt của ứng cử viên, danh sách chính thức người ứng cử không sắp xếp đúng thứ tự; phiếu bầu in sai tên đệm của một số ứng cử viên đại biểu HĐND cấp xã. Vẫn còn một số ít đơn vị hành chính cấp xã chưa bầu đủ số lượng đại biểu cần bầu, phải tổ chức bầu cử thêm; còn 05 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã phải tổ chức bầu cử lại,...  

Những hạn chế, bất cập trên đây xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu là do tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào đúng thời điểm cận kề Ngày bầu cử với diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh. Việc tổ chức bầu cử với yêu cầu bảo đảm nghiêm ngặt về an toàn, đúng pháp luật trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 là chưa có tiền lệ, tạo áp lực, thách thức rất lớn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và những người trực tiếp làm công tác bầu cử ở địa phương, dẫn đến một số nơi trong quá trình triển khai còn lúng túng. Hướng dẫn về quy trình tổ chức rà soát, xét duyệt tiêu chuẩn chính trị của người ứng cử có nội dung chưa rõ ràng, thiếu ràng buộc trách nhiệm. Một số nơi chưa thực hiện tốt công tác giới thiệu người ứng cử nên chưa bảo đảm dự kiến về cơ cấu, thành phần đại biểu HĐND,… Tuy nhiên, những sai sót, khiếm khuyết nói trên chỉ là cá biệt và đều đã được các cơ quan, tổ chức phụ trách bầu cử khắc phục, xử lý kịp thời theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật. 

3. Bài học kinh nghiệm

Từ những thành công và một số hạn chế của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, rút ra những bài học kinh nghiệm như sau:  

Thứ nhất, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, sự tin tưởng, đồng thuận của Nhân dân, ý thức trách nhiệm của công dân, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị đối với công tác bầu cử là yếu tố quyết định, bảo đảm chắc chắn cho thành công của cuộc bầu cử. 

Thứ hai, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng đối với công tác chuẩn bị bầu cử là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cuộc bầu cử. Song song với đó là sự quyết liệt, sâu sát, chủ động, sáng tạo trên cơ sở kế thừa bài học kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước đây của Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trong quá trình tổ chức thực hiện; sự phân công, hợp tác tích cực, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác bầu cử tạo sự thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở.  

Thứ ba, thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền sâu, rộng, có trọng tâm, trọng điểm đến mọi người dân với nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, nội dung phong phú, kết hợp các phương thức truyền thống với ứng dụng tối đa công nghệ thông tin hiện đại. Bảo đảm sự công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, bình đẳng trong từng công việc chuẩn bị bầu cử; phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên. 

Thứ tư, bảo đảm thực hiện tốt quy trình nhân sự; từ việc hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, lấy ý kiến cử tri về người ứng cử, vận động bầu cử để lựa chọn được những ứng cử viên xứng đáng, đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn quy định.  

Thứ năm, chủ động nắm bắt tình hình, bám sát địa bàn cơ sở; chuẩn bị đầy đủ phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và y tế; phối hợp chặt chẽ các lực lượng an ninh, quốc phòng, dân phòng và sự ủng hộ của Nhân dân để bảo đảm an toàn tuyệt đối cuộc bầu cử; giải quyết tốt các đơn, thư khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử và nhân sự ứng cử viên; thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời chỉ đạo, giải quyết những vướng mắc, khó khăn ở địa phương, cơ sở. 

V. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

1. Đối với Quốc hội

Đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan tiến hành tổng kết, tổng hợp những kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, địa phương về những bài học kinh nghiệm, những cách làm hay, có hiệu quả trong cuộc bầu cử lần này để nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bầu cử. Chẳng hạn như việc đổi mới hình thức tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử theo hình thức trực tiếp và trực tuyến; việc thành lập mới, duy trì hoặc giải thể khu vực bỏ phiếu do số lượng cử tri có biến động; việc phân luồng, điều tiết để cử tri đi bầu cử theo giờ; việc tổ chức bầu cử sớm ở một số địa bàn khó khăn,… 

2. Đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương Đảng thống nhất hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về tiêu chuẩn chính trị, độ tuổi và sức khỏe của người ứng cử để bảo đảm kịp thời, thống nhất. Việc dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội cần có tiêu chí cụ thể hơn, bảo đảm sát với tình hình thực tế ở địa phương; cần có cơ chế phù hợp để các địa phương được tham gia ý kiến trong quá trình dự kiến cơ cấu, thành phần, dự kiến phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.  

3. Đối với Chính phủ

- Trong các kỳ bầu cử sau, đề nghị xem xét vướng mắc liên quan đến quy định việc in tài liệu phục vụ bầu cử, đồng thời, cần có hướng dẫn về chế độ đối với những người trực tiếp tham gia phục vụ bầu cử, đặc biệt là thành viên Tổ bầu cử phải phục vụ công tác bầu cử tại các khu vực cách ly phòng, chống dịch Covid-19. 

- Đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các ứng dụng số trong việc lập, rà soát danh sách cử tri, phát thẻ cử tri, xác nhận cử tri đi bỏ phiếu, công tác tuyên truyền, vận động bầu cử, việc bỏ phiếu, kiểm phiếu, tổng hợp, báo cáo kết quả bầu cử,… để bảo đảm nhanh chóng, chính xác, tiện dụng và an toàn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai phức tạp có thể xảy ra.  

Kính thưa các vị đại biểu Quốc  hội,

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công rất tốt đẹp. Những công việc còn lại như tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, chuyển tài liệu đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV sẽ được Hội đồng bầu cử quốc gia thực hiện nghiêm túc theo quy định của Luật Bầu cử. Những kiến nghị góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương về việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, hướng dẫn, chỉ đạo công tác bầu cử sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc. 

Hội đồng bầu cử quốc gia trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo sâu sát của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy Đảng đối với công tác bầu cử và hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia. Hội đồng bầu cử quốc gia đề nghị Quốc hội nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần trách nhiệm cao của các tầng lớp nhân dân và cử tri cả nước; sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong toàn quốc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể nhân dân các cấp, các tổ chức phụ trách bầu cử, các lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 và các cơ quan hữu quan từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện tốt công tác bầu cử, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. 

Hội đồng bầu cử quốc gia tin tưởng rằng, với niềm tin và quyết tâm mới, Quốc hội khóa XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng kỳ vọng, niềm tin yêu của cử tri và Nhân dân cả nước.