Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - Tấm vé trở về tuổi thơ

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - Bộ phim chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh công chiếu mới đây, nhanh chóng tạo nên không khí bàn luận sôi nổi, “cơn sốt” mà điện ảnh Việt Nam chờ đợi đã rất lâu.

 Cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
Cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

Được giới thiệu hồi tháng 5, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh sớm nhận được sự kỳ vọng, chờ đợi của nhiều người hâm mộ. Không chỉ bởi tác giả của câu chuyện là nhà văn nổi tiếng, có “thương hiệu” chuyên viết cho thiếu nhi, mà còn bởi những thước phim, hình ảnh đẹp lung linh trong phim được công bố. Và bộ phim càng gây chú ý nhiều hơn, khi giành giải thưởng Phim hay nhất tại LHP quốc tế Silk Road 2015 diễn ra ở Trung Quốc chỉ vài ngày trước khi được công chiếu chính thức.

Phim là câu chuyện xoay quanh đám trẻ với tuổi thơ êm đềm, trong trẻo, ở một ngôi làng nghèo ven biển miền trung Việt Nam khoảng cuối những năm 80, đan xen những mẩu chuyện rời rạc, không đầu không cuối, trong đó ba nhân vật chính là hai anh em Thiều (Thịnh Vinh), Tường (Trọng Khang) và cô bé hàng xóm Mận (Thanh Mỹ). Phim mang đến những cảm xúc của tình anh em, tình cảm gia đình, những rung động thơ ngây vụng dại của lứa tuổi học trò hay cả những ký ức về một thời khó khăn của đất nước, khi chỉ một chiếc ti-vi đen trắng cũng “xa xỉ” biết bao. Và không chỉ có toàn sự dịu êm như cái tên, bộ phim còn chứa đựng cả những nỗi buồn, sự sợ hãi, nỗi cô đơn… hết sức trong sáng, nguyên sơ trong những năm tháng đầu đời của con người.

Diễn biến phim trôi qua nhẹ nhàng, đều đều, tập hợp ký ức của không ít người trưởng thành về ngày thơ bé xa xưa, với cả những mảng tươi sáng và u tối. Nơi ấy là những ngày mùa thu khăn quàng đỏ cắp sách đến trường làng, là những hôm chăn trâu thả diều, mò cua bắt ốc, vui đùa cùng đám trẻ con chơi chọi cỏ gà, bắn bi, câu cá, là theo mẹ đi chợ quê, là đón Trung thu với đèn ông sao dán giấy bóng kính xanh đỏ, đèn cù đục lỗ từ ống bơ sữa, là cánh đồng xanh mướt thẳng cánh cò bay, là những ngày đi mót khoai lấm lem bùn đất… Cũng có cả những lần phạm lỗi bị bố đánh đòn roi, những khi bị bạn học ngỗ ngược ở lớp bắt nạt, những đêm mưa gió trùm kín chăn vì sợ ma, và lá “thư tình” viết vội bị thầy giáo bắt phạt để cả lớp trêu cười, những mùa lũ ngập trắng đồng quê, phải ăn cháo cầm hơi với một dúm muối… Những hình ảnh ấy có phần xa lạ với giới trẻ ở các thành phố bây giờ, nhưng là kỷ niệm tuổi thơ không bao giờ quên của bao người thuộc thế hệ trước, sinh ra và lớn lên từ làng quê. Bộ phim đã tái hiện, sử dụng phục trang và đạo cụ, tinh tế từ những chi tiết rất nhỏ, đây cũng là điểm tiến bộ hơn so với nhiều phim khác lấy bối cảnh nông thôn giai đoạn cũ. Diễn xuất của bộ ba diễn viên nhí nhân vật chính cũng được yêu thích và đánh giá cao.

Nhưng, với những ai mong chờ một bộ phim kịch tính, sâu sắc, có cao trào, có gợi mở, hay những số phận bi kịch và nội tâm giằng xé, thì sẽ thất vọng vì Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh không phải như vậy. Câu chuyện không có những lớp lang đa nghĩa, chỉ là sự tích hợp cảm xúc từ những mẩu chuyện nhỏ vụn vặt. Một số trường đoạn chuyển thể còn hơi “non” so với miêu tả trong truyện, như khi Thiều ghen tị với Tường mà đánh em chấn thương, khi Mận chia tay Thiều theo mẹ lên thành phố… Nửa sau của phim mang đến nhân vật và câu chuyện hoàn toàn mới, với cách giải thích có phần gượng gạo, thiếu liền mạch với nửa đầu. Cảnh quay, góc quay tốt là một điểm cộng lớn cho phim, với bức tranh phong cảnh thiên nhiên làng quê Việt Nam xanh tươi, hút mắt. Song, cũng có người cho rằng, đạo diễn Việt kiều Victor Vũ và ê kíp có phần lạm dụng hình ảnh đẹp quá nhiều, khiến khán giả chỉ trầm trồ trước những khuôn hình ấn tượng về mặt thị giác mà dễ lạc điệu khỏi câu chuyện.

Với chi phí gần 20 tỷ đồng, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đánh dấu sự hợp tác thành công giữa Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) với các hãng phim tư nhân. Thành công đó không phải chỉ đến từ những suất chiếu kín chỗ ngồi tại các rạp chiếu phim, mà còn ở những tranh luận trái chiều sôi nổi của cộng đồng. Sau khi được chiếu rộng rãi, một luồng ý kiến cho rằng, đây mới là một tác phẩm dành cho đại chúng, với những yếu tố khiến mọi người đều có thể hiểu và cảm nhận được, chứ chưa mang dấu ấn cá nhân của đạo diễn hay có những sáng tạo nghệ thuật đột phá. Phim không mạnh về cốt truyện mà chỉ đơn thuần là “một vé đi tuổi thơ” trên chuyến tàu của ký ức và cảm xúc. Tuy nhiên, bất cứ ai cũng có một thời thơ ấu dù ở nơi đâu, dù có khác nhau về vẻ đẹp hay nỗi buồn, nên điều bộ phim làm được là đã chạm đến nỗi nhớ mong, hoài niệm một thời của mỗi người. Bởi vậy, nhiều ý kiến lên tiếng bênh vực cho bộ phim, cho rằng đó đơn giản là một câu chuyện gia đình, mang tính thư giãn với nhiều hồi ức đẹp, không nên đặt nặng việc phải có chiêm nghiệm hay triết lý sâu xa. Hiệu ứng của bộ phim cũng lan tỏa mạnh, với những hàng dài người trẻ xếp hàng mua vé, hay những câu chuyện và hình ảnh chế vui vẻ, ngộ nghĩnh ăn theo tên phim, ôn lại “tuổi thơ dữ dội” của nhiều người.

Chưa phải một tác phẩm điện ảnh đậm chất nghệ thuật và tiêu biểu cho phim Việt, nhưng Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đem đến một luồng gió mới cho thị trường phim hiện nay.