Tội phạm ngày càng trẻ hóa, những hệ lụy to lớn

(Tiếp theo và hết)(*)
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng ra quân xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội.
Lực lượng chức năng ra quân xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội.

Bài 2: Ngăn chặn tội phạm từ gốc

Xử lý nghiêm minh tất cả những hành vi vi phạm, không vùng cấm sẽ tạo ra uy lực của pháp luật và cơ quan thực thi. Khi người dân cảm thấy pháp luật là phương tiện để bảo vệ mình, họ sẽ tự nguyện chấp hành. Muốn vậy, trước hết cần thay đổi từ tế bào của xã hội, đó là gia đình. Khi ông bà, cha mẹ làm chiếc “gương soi” chuẩn mực, con cái sẽ giảm bớt sự lệch lạc từ suy nghĩ, đến hành vi.

Việc tội phạm hình sự có xu hướng trẻ hóa, tỷ lệ người phạm tội dưới 18 tuổi ngày càng tăng cho thấy mặt trái của cơ chế thị trường và sự suy giảm mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình, suy giảm đạo đức xã hội. Ðối với người dưới 18 tuổi phạm tội, cần có chính sách pháp luật riêng, nhất là các giải pháp phòng ngừa, giáo dục.

Triệt phá tội phạm “nguồn”

Xác định ma túy là “tội phạm nguồn”, lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa luôn kiên trì, kiên quyết, quyết liệt tiến công tội phạm ma túy, thực thi các biện pháp “giảm cung”; triệt xóa các đường dây mua bán, vận chuyển, các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy. Bắt, xử lý hình sự 1.200 đối tượng, đưa đi cai nghiện bắt buộc 800 đối tượng, góp phần “giảm cầu”, kiềm chế hoạt động ma túy, góp phần chuyển hóa địa bàn phức tạp, ổn định tình hình an ninh trật tự.

Thượng tá Lê Khắc Minh, Trưởng Phòng Cảnh sát Ðiều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Thanh Hóa trăn trở: Gần đây, giới tội phạm chuyển hướng sản xuất ma túy tổng hợp, có thành phần hóa học cao, pha trộn vào thực phẩm chức năng, cà-phê, thuốc lá, bánh bích-quy, trà sữa, “nước vui”, thuốc lá điện tử... rao bán công khai trên mạng và trá hình tại các cổng trường học.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 1.000 học sinh, sinh viên trên địa bàn sử dụng thuốc lá điện tử, có nguy cơ “sa lầy” ma túy, dẫn đến hủy loại về thể chất, lệch chuẩn về đạo đức, nhân cách, là con đường ngắn dẫn tới các hành vi phạm tội.

Ngoài nỗ lực của lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng chống ma túy, đòi hỏi mỗi gia đình, cơ sở giáo dục và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, cơ quan chức năng trong đấu tranh, phòng chống, ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường, nhân rộng mô hình phòng chống ma túy ở lứa tuổi thanh, thiếu niên.

Ðại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết: Công an tỉnh Bình Dương tập trung chỉ đạo thực hiện các công tác trọng tâm: Tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 các cấp chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng chống tội phạm thật sự hiệu quả ngay từ cơ sở. Tăng cường công tác nắm tình hình, tập trung rà soát số đối tượng có dấu hiệu hoạt động tội phạm, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý; triển khai quyết liệt các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tập trung trấn áp mạnh các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, tập trung ở các thành phố lớn, các tuyến, địa bàn trọng điểm.

Bên cạnh đó, duy trì hiệu quả các mô hình, tổ chức quần chúng nòng cốt ở cơ sở; nâng cao hiệu quả các Tổ tuần tra đặc biệt 171 trong công tác phòng chống tội phạm tại các tuyến, địa bàn, chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm.

Ðể ngăn ngừa thanh, thiếu niên phạm tội, Công an thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan người chưa thành niên trên địa bàn thành phố. Kế hoạch được triển khai từ cuối tháng 10/2022 có sự phối hợp, góp sức của mỗi gia đình, nhà trường cũng như xã hội. Ngoài việc chủ động kế hoạch đấu tranh tại các địa bàn, các tổ công tác 141, các trinh sát Phòng Cảnh sát Hình sự chủ động nắm tình hình ngăn chặn vụ việc từ “trứng nước”.

Các lực lượng chức năng: Phòng Cảnh sát Hình sự, Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát Giao thông, các tổ công tác 141, 142 nắm rõ phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động, đặc điểm tội phạm để bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, lập chốt trên các tuyến đường, khu vực, địa bàn, khung giờ thường xảy ra các vụ việc, nhất là các địa bàn giáp ranh. Thời gian tới, Công an thành phố tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các tổ chức chính trị, xã hội ở các cấp, nâng cao trách nhiệm của các nhà trường.

Tăng hình phạt để giảm tội phạm

Về vấn đề xử lý đối với tội phạm chưa thành niên, Luật sư Phùng Văn Trang, Trưởng Văn phòng luật sư Ðức Pháp Quyền lại cho rằng: Pháp luật hình sự nước ta đối với người chưa thành niên là nhằm giúp đỡ, cải tạo, giáo dục để họ nhận ra và sửa chữa những sai lầm, tạo điều kiện để các em hòa nhập cộng đồng, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Ðây là nguyên tắc bao trùm, thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước lấy giáo dục làm nền tảng, trọng tâm trong xử lý các vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên.

Tuy nhiên, pháp luật cũng cần cân nhắc tăng hình phạt đối với một số trường hợp người chưa thành niên, từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, phạm tội nghiêm trọng với thủ đoạn man rợ, tàn bạo, gây hậu quả lớn và bất bình dư luận.

Ngoài ra, luật pháp cũng cần phải có những cơ chế và biện pháp can thiệp sâu hơn nữa vào vai trò, trách nhiệm giáo dục của cha mẹ đối với trẻ em. Thậm chí có chế tài xử lý nghiêm khắc về trách nhiệm dân sự như bồi thường tổn thất về tinh thần, thiệt hại về vật chất đối với những bậc cha mẹ, người thân của trẻ vị thành niên phạm tội. Nhiều chuyên gia pháp luật đề nghị quy định làm rõ trách nhiệm của gia đình, chính quyền địa phương, nhà trường và các cơ quan đoàn thể trong việc bảo vệ trẻ em.

Ðối với những hành vi vi phạm về quyền trẻ em, cần kiên quyết áp dụng các biện pháp can thiệp kịp thời, tránh để trẻ phải sống trong một gia đình thiếu lành mạnh, thiếu giáo dục và có những tác động tiêu cực đến sự phát triển và hình thành nhân cách. Nếu thực hiện được những giải pháp đồng bộ này, mới có thể giảm được tình trạng tội phạm trẻ hóa đang gây nhức nhối trong xã hội.

Theo Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan, trách nhiệm giáo dục, bảo vệ trẻ em không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà còn là trách nhiệm của nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, cơ chế phối hợp, trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan tổ chức và chính quyền địa phương trong việc bảo vệ trẻ em còn nhiều bất cập. Hiện nay, mặc dù có nhiều cơ quan cùng thực hiện giám sát quyền trẻ em, nhưng lại chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm giám sát độc lập quyền trẻ em. Ðây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới những “lỗ hổng” trong quá trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Thượng tá, Tiến sĩ tội phạm học Ðào Trung Hiếu cho rằng, để phòng ngừa tình trạng tội phạm trẻ hóa, ngoài vai trò nòng cốt của lực lượng công an, cần đẩy mạnh giáo dục từ gia đình. Gia đình phải là chủ thể quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống; kiểm soát được các mối quan hệ xã hội của chính con em mình, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hành vi lệch lạc, sai trái.

Muốn vậy, mỗi một gia đình cần chấn chỉnh xây dựng lại nền nếp gia phong, gia giáo, truyền thống quý báu của dân tộc. Ðây là lúc cần phải phát huy lại những giá trị đó bằng các cách khác nhau để ngay tại các gia đình, các thành viên có trách nhiệm với nhau, thương yêu đùm bọc nhau. Chính cha mẹ phải là những người tạo ra “liều vắc-xin” cho con mỗi ngày, tạo sức đề kháng tốt ngay từ trong mỗi gia đình.

Bên cạnh đó, sự giáo dục và trang bị kỹ năng mềm từ nhà trường cũng hết sức quan trọng. Ngoài tăng cường giáo dục kỹ năng sống, nhà trường cần tổ chức các biện pháp quản lý khoa học, chặt chẽ đối với học sinh; nâng cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh; tăng cường công tác tuyên tuyền, giáo dục pháp luật trong nhà trường; phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường, gia đình, lực lượng chức năng trong việc trao đổi thông tin, cùng quản lý giáo dục học sinh, sinh viên phát triển toàn diện cũng như răn đe, ngăn chặn kịp thời những hành vi phạm tội.

Nhà nước cần ban hành, thực hiện các quy phạm pháp luật, quản lý chặt chẽ nhà mạng, kiểm duyệt nội dung internet, quản lý các hoạt động kinh doanh, giáo dục có liên quan đạo đức, nhận thức và phát triển hình thành nhân cách của trẻ em. Những hoạt động kinh doanh có tính bạo lực, kích động bạo lực, lôi kéo làm ảnh hưởng xấu sự phát triển hình thành nhân cách của trẻ em thì phải nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh, kịp thời.

Ðể đối phó và xử lý thực trạng này, bên cạnh chế tài xử lý vi phạm mạnh tay ở khâu hậu kiểm, các cơ quan chức năng cần tăng cường những động thái siết chặt khâu tiền kiểm, buộc các nhà mạng phải tiêu hủy, tháo gỡ văn bản, ghi âm, ghi hình, văn hóa phẩm có nội dung độc hại dưới hình thức điện tử trên môi trường mạng và kỹ thuật số...

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 1/11/2023.