Phải đến khi Ðại sứ quán Việt Nam tại Nga tổ chức khen thưởng những cá nhân có nhiều đóng góp cho hoạt động của Mạng lưới người Việt Nam toàn Nga phòng, chống Covid-19 (Mạng lưới), ông Lý Tiến Hùng, Bí thư thứ nhất Phòng công tác lưu học sinh (Ðại sứ quán Việt Nam tại Nga) và các bác sĩ, nghiên cứu sinh Việt Nam tại Nga mới có dịp gặp nhau trực tiếp. Họ là thành viên trong nhóm y tế, nhiều người trước đó chỉ biết tên và thấy nhau qua điện thoại. Suốt hơn một năm qua, họ đã bàn bạc, trao đổi, vận động, kêu gọi … đều online, với sứ mệnh cùng cộng đồng người Việt Nam tại Nga chống chọi Covid-19.
Trước khi gia nhập Mạng lưới, nhóm y tế có nhiều thành viên hoạt động trong các nhóm tương trợ người Việt Nam tại các khu chợ ở thành phố Mát-xcơ-va. Khi dịch Covid-19 vừa bùng phát, người Việt Nam đã mau chóng tổ chức các chiến dịch hỗ trợ cộng đồng, trong đó có may khẩu trang tặng cư dân địa phương. Người dân Thủ đô Mát-xcơ-va bày tỏ sự nể phục, trân trọng những người bạn Việt Nam nhỏ bé nhưng có tấm lòng nhân hậu và ý chí mạnh mẽ, đã cố gắng làm được những điều tốt nhất trong khả năng của mình.
Khi nhiều phong trào tương trợ cộng đồng ra đời, cũng là thời điểm xuất hiện những cá nhân lợi dụng dịch bệnh để kiếm lời bằng dịch vụ dẫn thăm khám, liên hệ chữa trị… Ðể hạn chế những hệ quả xấu và trên hết là kết nối các phong trào thiện nguyện, Ðại sứ quán Việt Nam tại Nga đã mau chóng lập ra Mạng lưới người Việt Nam toàn Nga phòng, chống Covid-19. Ðây là sự phối hợp có tổ chức, gồm năm nhóm: y tế và giáo dục; thông tin; hỗ trợ phiên dịch; huy động và hỗ trợ hậu cần; hỗ trợ pháp lý.
Ông Lý Tiến Hùng nhớ lại những đêm khó ngủ của nhóm y tế vào đầu tháng 4 năm ngoái, khi dịch bùng phát mạnh trong cộng đồng. "Nay căng quá thầy ơi", hay "quá tải rồi thầy ơi"… là những dòng tin học trò báo cáo về tình hình cộng đồng sau một ngày tiếp nhận các cuộc điện thoại để tư vấn, gọi cấp cứu, hay phiên dịch… Nhiều người Việt Nam không biết tiếng Nga, không chỗ bấu víu trong những ngày dịch lây nhiễm với tốc độ chóng mặt. Có gia đình cả nhà nằm viện. Có cả những người đã buông bỏ, phó thác số phận, khi hệ thống y tế Nga quá tải. Còn Mạng lưới thì vẫn cố gắng làm mọi cách, trực 24/24 giờ để hạn chế tối đa số người nguy kịch hay tử vong vì Covid-19.
Thời điểm dịch bùng phát dữ dội, hệ thống y tế Nga không ít lần quá tải. Bệnh viện dã chiến hình thành, song có lúc thiếu thuốc đặc trị. Mạng lưới người Việt Nam bằng nhiều cách đã kết nối kịp thời với bệnh viện, nắm rõ danh sách các loại thuốc cần thiết, chủ động mua rồi tiếp tế cho bệnh viện. Có những câu chuyện được kể lại rằng, bệnh viện cách cả chục km, trời tối, đường xa và lạ, song cầm hộp thuốc trong tay, người chuyển hàng cứ đi theo bản đồ mà quên đi cảm giác sợ hãi. Lúc đó họ chỉ nghĩ về đồng bào mình đang nằm cấp cứu. Có người đến trước bệnh viện, song chỉ đứng ngoài hàng rào, treo thuốc vào cành cây, vì quy định cách ly nghiêm ngặt. "Bác sĩ Nga cảm động lắm, cảm ơn người Việt mình mãi", một người chuyển thuốc kể lại.
Ðể "cảm ơn bác sĩ" như tên của chương trình, tri ân những người đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19, người Việt Nam tại Nga đã cùng nhau cung cấp suất ăn miễn phí cho các "chiến sĩ áo trắng". Rất nhiều hình ảnh những tô phở Việt Nam được các y, bác sĩ Nga chia sẻ trên mạng, cùng dòng chữ cảm ơn nhiệt thành gửi đến cộng đồng về bữa ăn đêm muộn.
Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhưng nhờ có Mạng lưới và những người Việt nhiệt tâm luôn sẵn sàng hỗ trợ, cộng đồng người Việt Nam tại Nga đã có thể bình tĩnh và vững tâm hơn. Tinh thần vì cộng đồng của người Việt Nam cũng được các y, bác sĩ Nga đánh giá cao. Ðiều đó đang mỗi ngày góp phần nâng cao hình ảnh, giá trị con người Việt Nam trên "xứ sở Bạch dương".
THANH THỂ
(Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại LB Nga)