Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, dự án luật lần này “có ý nghĩa quan trọng, là dấu mốc trong hoạt động lập pháp, thể hiện tinh thần lập pháp chủ động”. Dự án “1 luật sửa 8 luật” Chính phủ trình có phạm vi sửa đổi rộng, ở nhiều lĩnh vực khác nhau và có mối tương quan.
Nhìn lại những tháng qua, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ vào cuộc sớm, hành động quyết liệt, mạnh mẽ, quyết tâm chuẩn bị “thật kỹ, thật chín” đối với những chính sách pháp luật tác động xã hội rộng lớn, cấp thiết, bằng những cơ chế, thể thức đặc thù, đặc biệt. Chính phủ đang đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng hình thức một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật và quy trình, thủ tục rút gọn. Mục tiêu đề ra nhằm kịp thời xử lý các vấn đề thực tiễn phát sinh liên quan việc thực hiện “mục tiêu kép”.
Thí dụ, Bộ trưởng Tư pháp chỉ ra yêu cầu cần kíp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án đối với trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều nơi, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; và nhiều nội dung quan trọng khác nhau.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Nhu cầu sửa đổi, bổ sung pháp luật là thường xuyên, cần phải có quan điểm mang tính nguyên tắc để bảo đảm thống nhất. Dự án luật “1 luật sửa 8 luật” quan trọng trình Quốc hội tới đây, được xem xét theo trình tự, thủ tục rút gọn. Vì thế, chỉ xem xét những vấn đề cấp bách, cấp thiết, đã được đánh giá tương đối đầy đủ tác động; bên cạnh đó, đề nghị các cơ quan hữu quan rà soát thật kỹ từng chính sách, từng luật cần sửa đổi, bổ sung. Những vấn đề chưa rõ, chưa có sự đồng thuận cao thì không đưa vào dự án luật, rà soát những vấn đề kỹ thuật văn bản trong dự thảo luật, bảo đảm tính rõ ràng, thống nhất.
Vấn đề được quan tâm nữa, là trong quá trình xem xét, quyết định các nội dung trình Quốc hội tại phiên họp bất thường sắp tới, các điều khoản chuyển tiếp trong kết cấu dự án luật này phải rất chặt chẽ.
Trong trường hợp có những vấn đề Chính phủ dự kiến phải có nội dung hướng dẫn chi tiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu một nghị định quy định chi tiết chung cho nhiều luật, không khuyến khích tách ra thành tám nghị định hướng dẫn, để khi được ban hành luật sửa đổi, bổ sung có thể thực thi được ngay ■