Tình người nơi nhà dưỡng lão

Trong hành trình thiện nguyện, chúng tôi trở lại thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) để đến với Nhà dưỡng lão Đức Thọ, một địa chỉ yêu thương mà mỗi khi nhắc đến, ai nấy đều thấy xúc động. Nơi đây, suốt nhiều năm qua vẫn đang nuôi dưỡng hàng trăm mảnh đời tuổi già neo đơn, không nơi nương tựa.
0:00 / 0:00
0:00
Bữa ăn tại Nhà dưỡng lão Đức Thọ (Sóc Trăng). (Ảnh: DƯƠNG GIANG)
Bữa ăn tại Nhà dưỡng lão Đức Thọ (Sóc Trăng). (Ảnh: DƯƠNG GIANG)

“Trái tim vàng”

Cách trung tâm thị xã Vĩnh Châu hơn 2km, Nhà dưỡng lão Đức Thọ nằm yên bình trong không gian khoảng chừng 1.500m². Được xây dựng vào năm 2007 và đi vào hoạt động từ ngày 30/4/2009, tính đến nay, nơi đây đã cưu mang, nuôi dưỡng hơn 200 cụ già neo đơn. Doanh nhân Ngô Đoan Thanh (tên thường gọi là Toan Xia) đã dành phần lớn tài sản của gia đình, mong muốn tạo lập được một nơi nuôi dưỡng những người già không nơi nương tựa.

Ngay từ khi còn là một thầy giáo nghèo, ông Đoan Thanh đã ước muốn được xây một nhà dưỡng lão cho những mảnh đời kém may mắn. Cho đến khi làm kinh doanh, có điều kiện kinh tế, ông kêu gọi được 20 người nữa đồng hành, chung tay cùng với mình để quyết tâm xây dựng nhà dưỡng lão miễn phí.

Nhà dưỡng lão Đức Thọ được xây dựng khá khang trang, chia thành từng khu khác nhau: Khu văn phòng làm việc, khu nhà ở cho cụ ông, khu nhà ở cho cụ bà, nhà bếp, nhà ăn (còn để làm hội trường khi có việc), trạm y tế chăm sóc các cụ và khu nhà mát dùng làm nơi sinh hoạt tập thể. Khuôn viên rộng rãi của nhà dưỡng lão trồng nhiều cây xanh, cây ăn trái, thoáng mát và rất yên tĩnh.

Điều kiện để được nhận vào nuôi dưỡng tại nhà dưỡng lão Đức Thọ là những cụ già hơn 60 tuổi, không nơi nương tựa, hoặc có con nhưng con quá nghèo, không có điều kiện để nuôi dưỡng. Ban quản lý cũng tạo điều kiện để cụ nào còn người thân vẫn được về thăm gia đình khi cần.

Mỗi cụ ông, cụ bà sống ở Nhà dưỡng lão Đức Thọ đều có hoàn cảnh và nỗi niềm riêng. Có cụ không còn người thân; có cụ vì cuộc sống quá khó khăn, không còn sức khỏe để mưu sinh; một số cụ có con nhưng con lại quá nghèo khó, không có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng; cũng có cụ bị người thân đưa đến đây rồi bỏ lại, không một lần trở lại thăm hỏi…

Những ngày đầu đến đây, nhiều cụ mất ổn định tinh thần cả tuần, ít nói chuyện, ít tiếp xúc với những người chung quanh. Nhưng các cụ đã dần vui vẻ trở lại bởi sự ấm áp, đầy ắp tình người từ những tình nguyện viên đang chăm sóc, nuôi dưỡng họ trong nhà dưỡng lão.

Điều nuối tiếc nhất là một năm sau khi nhà dưỡng lão đi vào hoạt động, năm 2010, ông Đoan Thanh không may đã mất do một cơn bạo bệnh, để lại di nguyện cho người con trai lớn Ngô Minh Trung cùng những người sáng lập tiếp nối lý tưởng và tâm huyết cả đời của mình.

Tiếp nối yêu thương

Sau khi nhà sáng lập Ngô Đoan Thanh qua đời, hội những nhà hảo tâm từng cùng ông xây dựng nên Nhà dưỡng lão Đức Thọ đã bầu ông Nguyễn Trung Khánh làm Trưởng ban quản lý. Ông Khánh cũng là thành viên gắn bó với Nhà dưỡng lão Đức Thọ ngay từ những ngày đầu, nhưng vì công việc cho nên ông chỉ có thể đến đây những khi công việc kinh doanh đã hoàn tất.

Nhưng 5 năm trở lại đây, ông Khánh đã quyết định cho thuê nhà xưởng sản xuất cơ khí để dành toàn bộ quỹ thời gian làm việc ở nhà dưỡng lão. “Lúc đầu tôi nghĩ sẽ chỉ làm vài năm vì tôi có công việc kinh doanh riêng rất bận rộn, nhưng khi chăm sóc những người già neo đơn, cơ nhỡ, bất hạnh, tôi ngày càng có tình cảm, thấy thương họ lắm và cuối cùng đã gắn bó tới tận giờ này”, ông Nguyễn Trung Khánh chia sẻ.

Nhà dưỡng lão còn có hai cô cấp dưỡng và anh Lâm Văn Lực làm kế toán. Mỗi người một việc nhưng khi cần, ai nấy đều có thể thực hiện các công việc chăm sóc rất thuần thục như điều dưỡng viên. “Nhiều cụ lớn tuổi, già yếu, thậm chí bị tai biến nằm một chỗ cũng được chăm sóc chu đáo, từ thay tã, tắm, giặt đồ... Khi có cụ qua đời, nhà dưỡng lão lo việc hậu sự và thông báo cho gia đình. Những trường hợp không có người thân, nhà dưỡng lão sẽ đứng ra tổ chức luôn tang lễ”, ông Khánh cho biết.

Nguồn kinh phí để nuôi dưỡng các cụ già hiện nay chủ yếu là tiền đóng góp từ các nhà hảo tâm. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng rất quan tâm, tạo điều kiện và giúp đỡ bằng cách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các cụ; mỗi tháng hai lần các cụ sẽ được cán bộ trạm y tế trực tiếp đến thăm khám bệnh, cấp thuốc đầy đủ; những ngày lễ, Tết, các cụ cũng được tặng quà, động viên tinh thần.

Chia sẻ về khó khăn lớn nhất sau hơn 15 năm gắn bó với Nhà dưỡng lão Đức Thọ, Trưởng ban quản lý Nguyễn Trung Khánh cho biết, đó là sự thay đổi tính tình của các cụ đang sống ở đây. “Chỉ cần các cụ sống vui, sống khỏe, sống chan hòa với nhau là chúng tôi mừng lắm rồi.

Nhiều người đáng tuổi cha mẹ mình, tôi đâu thể nói nặng lời được mà chỉ có thể nhẹ nhàng khuyên nhủ. May mà các cụ đều tin và rất quý tôi cho nên tôi khuyên là họ nghe, nhanh chóng giải quyết mâu thuẫn, hiểu lầm và vui vẻ với nhau ngay, một già một trẻ như nhau mà”, ông Khánh vui vẻ kể.

Cũng có hoàn cảnh đặc biệt, mẹ mất từ khi mới lên 5, dù được các chị gái chăm sóc, cho ăn học đầy đủ, nhưng thẳm sâu trong lòng ông Nguyễn Trung Khánh vẫn có cảm giác thiếu hụt tình cảm. Đó cũng là một trong những lý do thôi thúc ông dành trọn thời gian cho nhà dưỡng lão.

Những giọt nước mắt đã lăn trên gương mặt sạm đen của người đàn ông trải qua nhiều biến cố ấy “Tôi vẫn nói với hai con của mình, chúng ta có 5 ký gạo, cũng có thể cho đi 3 ký để cứu giúp những người không được như mình. Nhìn những tình cảm mà các nhà hảo tâm gửi trao đến những cụ già ở đây, tôi càng nhận ra tình người mới là điều quan trọng nhất, chính điều đó chứ không phải chỉ vật chất đã cứu sống những mảnh đời kém may mắn”, ông Khánh xúc động nói.

Hiện nay, nhà dưỡng lão Đức Thọ đang cưu mang 21 cụ từ 60 đến 86 tuổi. Lấy tình thương làm trách nhiệm, các tình nguyện viên nơi đây đã hết lòng chăm sóc, thường xuyên chia sẻ, động viên, là chỗ dựa tinh thần giúp các cụ lạc quan, vui vẻ trở lại, biến nhà dưỡng lão thành một nơi chỉ có tình nhân ái. Sau một thời gian sống ở nhà dưỡng lão, nhiều cụ đã yêu mến nhau như ruột thịt, một số cụ khi được người thân có điều kiện đón về nhà chăm sóc lại quyến luyến chẳng nỡ rời xa.

Một sáng mùa thu thật trong lành, không gian ngập tràn nắng và sự sống từ mầu xanh cây cỏ, khu nhà dưỡng lão Đức Thọ xôn xao tiếng cười nói, trò chuyện của những cụ ông, cụ bà cùng đi thể dục; đâu đó một nhóm các cụ thích nhổ cỏ cho giãn gân giãn cốt. Vừa làm vừa trò chuyện, họ kể cho nhau nghe những kỷ niệm, chia sẻ với nhau những kinh nghiệm chữa bệnh, hay chỉ là những lời hỏi han khi có cụ nào đó mới ốm dậy… Tình người nơi nhà dưỡng lão Đức Thọ chan hòa cùng mùi hương hoa trái, tinh khiết và thật bình an.