Tiếp tục nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống HIV/AIDS

NDO -

TTXVN.- Ngày 1-12, UBND thành phố Hà Nội, Ban Phối hợp chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm TP Hà Nội  phối hợp tổ chức mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS với chủ đề "Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV".

Ðồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến dự và phát biểu ý kiến.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến ngày 30-9, trên địa bàn Hà Nội có 20.043 người nhiễm HIV, trong đó có 5.236 người bệnh AIDS. Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS của người dân Hà Nội là 278/100 nghìn dân; 535/577 xã, phường phát hiện người nhiễm HIV. Các chuyên gia dự báo ước tính đến năm 2020, Hà Nội sẽ có khoảng 34.350 người nhiễm HIV/AIDS. Ðiều này đặt ra cho thành phố những thách thức lớn trong công tác dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV để hạn chế số người nhiễm HIV mới trong cộng đồng.

  Phát biểu ý kiến tại lễ mít-tinh, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những cố gắng của Hà Nội, là địa phương đi đầu trong các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân nói riêng và phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm nói riêng. Với sự nỗ lực của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, Hà Nội đã ra khỏi danh sách mười thành phố có tỷ lệ lây nhiễm HIV bình quân cao nhất cả nước. Tuy vậy, với đặc thù của Thủ đô là có số người tạm cư lớn, luôn biến động, việc lây nhiễm HIV/AIDS luôn đi cùng với các tệ nạn xã hội. Do vậy, nếu chủ quan, mất cảnh giác, nguy cơ bùng phát dịch HIV có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

  Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội của Hà Nội cần tiếp tục nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS. Các đoàn thể, các tổ chức xã hội, mọi gia đình, mọi người dân cần trang bị kiến thức về dự phòng để tránh lây nhiễm HIV; tăng cường sự hỗ trợ và chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS. Cần tạo ra phong trào quần chúng sâu rộng, có sự đồng tâm, hợp lực của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.