Tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận, dịch Covid-19 đã có mức độ nhiễm rất sâu, nhưng tại nhiều địa phương, mức độ ảnh hưởng nhẹ hơn rất nhiều…
Chậm thay đổi
Mặc dù đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4) đã qua 4,5 tháng nhưng công tác chống dịch vẫn còn những bất cập. Điều đáng nói là tình hình dịch ở trong nước đã có rất nhiều thay đổi nhưng biện pháp ứng phó tại nhiều địa phương chậm thay đổi theo.
Dù đã chi khoảng 300 tỷ đồng để thực hiện chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng từ ngày 18/8 đến 5/9, kể cả bổ sung lần hai của kế hoạch, với mục tiêu tách tất cả F0 ra khỏi cộng đồng, nhưng những ngày gần đây, tỉnh Đồng Nai liên tục ghi nhận khoảng 1.000 ca/ngày, chủ yếu tại địa bàn “vùng đỏ” có nhiều khu nhà trọ, tập trung đông công nhân ở TP Biên Hòa và các huyện Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Trảng Bom.
Từ ngày 9 đến 15/9, tỉnh quyết định chi thêm hơn 30 tỷ đồng thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch tại các nhà trọ có ca dương tính với Covid-19. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, Phan Huy Anh Vũ cho rằng, để thực hiện thành công chống dịch tại các khu nhà trọ, chính quyền các địa phương phải hành động quyết liệt hơn. Ngành y tế tham mưu các biện pháp chứ không thể làm thay được vì đang phải chia lực lượng trên nhiều mặt trận.
Sau 20 ngày (từ 18/8 đến 9/9) phong tỏa gần như toàn bộ địa bàn để tầm soát diện rộng, test nhanh Covid-19, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) đã bóc tách được hơn 1.500 trường hợp F0 trong cộng đồng, cách ly y tế hàng nghìn ca F1. Tuy nhiên, việc triển khai gấp trong giai đoạn 1 (từ ngày 18 đến 28/8) cũng còn những hạn chế nhất định.
Qua phản ánh của người dân, tại một số điểm lấy mẫu xét nghiệm chưa giữ khoảng cách cho nên có trường hợp lấy mẫu lần trước âm tính nhưng lần sau lại dương tính. Họ nghi ngờ việc tập trung quá đông tại các điểm lấy mẫu khiến cho nguồn vi-rút của người dương tính tồn lưu và xâm nhiễm vào cơ thể của những người có sức khỏe yếu. Rút kinh nghiệm, Chủ tịch UBND thành phố Mỹ Tho, Nguyễn Thành Công đã có công văn khẩn chấn chỉnh công tác tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tầm soát diện rộng cho giai đoạn 2 (từ ngày 29/8 đến 0 giờ ngày 9/9).
Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chiều 9/9, đại diện một số bộ, ngành, tổ chức khoa học cho rằng, nhiều địa phương đi đúng vào vết xe đổ như tại nhiều nước ở làn sóng dịch thứ nhất. Chuyển hướng chống dịch chậm và lúng túng trong áp dụng các biện pháp ứng phó, chẳng hạn chưa có tiêu chí khi áp dụng các quy định về giãn cách xã hội (theo Chỉ thị 15/CT-TTg hay Chỉ thị 16/CT-TTg). Khi giãn cách thì thực hiện chưa triệt để, vẫn còn “ngoài chặt, trong lỏng”; hay việc quy định cấp giấy đi đường chưa thống nhất gây phức tạp, khó khăn; một số biện pháp trong điều trị áp dụng không thống nhất, lãng phí, tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh… Đáng chú ý, định hướng của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 là kết hợp vắc-xin + công nghệ. Nhưng đến nay nguồn cung vắc-xin mua từ nước ngoài khan hiếm, vắc-xin sản xuất trong nước vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm còn công nghệ thì chưa như kỳ vọng. Đến nay đã có nhiều phần mềm phục vụ phòng, chống dịch được triển khai nhưng độ liên thông chưa tốt, chưa tạo được bộ dữ liệu dùng chung. Ngoài ra, chưa có các chế độ chính sách cho các lực lượng chống dịch…
Cần có chiến lược tổng thể
Tối 8/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra trực tuyến việc thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch của TP Hà Nội, một số quận, phường thuộc TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Qua kiểm tra cho thấy tại một số phường, lãnh đạo còn lúng túng, chưa nắm vững các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bí thư, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khẩn trương chỉ đạo quán triệt đầy đủ, sâu sắc mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch đến lãnh đạo các xã, phường, thị trấn theo phương châm lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”.
Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội phải hoàn thành mục tiêu xét nghiệm toàn dân trước ngày 15/9 để loại trừ nguồn lây ra khỏi cộng đồng. Thủ tướng yêu cầu, tại những nơi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 phải triển khai ngay trạm y tế lưu động. Thực hiện ngay việc tiêm vắc-xin khi được phân bổ, ưu tiên tiêm cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai và các đối tượng khác theo quy định. Lãnh đạo tỉnh, thành phố, quận, huyện phải tăng cường kiểm tra, giám sát xã, phường, thị trấn để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế, yếu kém...
Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chiều 9/9, nhiều đại biểu cho rằng cần có chiến lược tổng thể cho cả nước để các bộ, ban, ngành, địa phương… cùng thực hiện, tạo sự thống nhất. Hiện nay dịch đã nhiễm rất sâu và nặng ở TP Hồ Chí Minh và một số địa phương lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai… nhưng tại nhiều tỉnh, thành phố khác, dịch vẫn đang được kiểm soát. Do đó, cần có sự điều chỉnh về các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến trong nước.
Theo đó, với những tỉnh, thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh, ghi nhận ít ca mắc thì vẫn tiếp tục tăng cường công tác phát hiện, cách ly F0, F1, truy vết F2, F3. Đối với khu vực dịch bệnh lây nhiễm sâu cần có những biện pháp chống dịch “đặc biệt” như tập trung kiểm soát nguồn lây để kéo giảm số ca mắc mới, giảm nhanh số ca tử vong. Sau đó, các địa phương này dần nới lỏng hoạt động sản xuất, kinh doanh theo trạng thái bình thường mới như các nước phát triển đã tiêm vắc-xin đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn phải tạo vành đai an toàn, kiểm soát chặt người ra vào, không để dịch lây lan ra các địa phương khác.
Để sớm trở lại trạng thái bình thường mới, các chuyên gia thống nhất cần tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19; bảo đảm hệ thống điều trị đầy đủ thuốc, ô-xi, các trang thiết bị cần thiết giúp nâng cao hiệu quả điều trị, giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong.
Cùng với việc ưu tiên tiêm vắc-xin cho lực lượng tuyến đầu, người già, người có bệnh nền, cần tiếp tục phân bổ vắc-xin cho những khu vực cần phải bảo vệ ngay trước mắt (như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, chuỗi sản xuất, dịch vụ…) nhằm tạo miễn dịch cộng đồng sớm. Mặt khác đẩy nhanh việc triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em; cập nhật và đưa vào sử dụng sớm những loại thuốc điều trị Covid-19, kết hợp với các phương thuốc đông y để tăng cường thể trạng, sức khỏe người bệnh...
Giải pháp giãn cách xã hội là biện pháp làm chậm, chặn chuỗi lây nhiễm vi-rút SARS-CoV-2. Do vậy, cần tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội khi tỷ lệ bao phủ vắc-xin chưa cao. Điều quan trọng là thực hiện giãn cách xã hội phải nghiêm ngay từ đầu, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm bảo đảm an sinh xã hội và chăm sóc y tế cho người dân cũng như giữ gìn an ninh trật tự.