Hơn 20 năm săn con của cặp vợ chồng hiếm muộn

NDO -

NDĐT – Ở tuổi 44, anh Trần Xuân Chính lần thứ hai được làm cha trong niềm vui khôn xiết của cả gia đình. Vợ anh, chị Hoàng Thị Hạnh cũng đã 43 tuổi, kể hơn 20 năm qua, hai anh chị đã trải qua rất nhiều biến cố để có được như ngày hôm nay.

Anh Chính, chị Hạnh làm bố mẹ ở tuổi 44.
Anh Chính, chị Hạnh làm bố mẹ ở tuổi 44.

Ở một vùng quê nghèo tại Yên Bái, anh Chính và chị Hạnh nên duyên khi ở tuổi 20. Sau khi cưới, anh chị sớm có cháu đầu lòng nhưng chỉ hơn một tháng tuổi, bé không may qua đời.

Sau thời gian dài không thấy có con nữa, anh chị chạy chữa khắp nơi. Năm 2000, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chị Hạnh được bác sĩ cho biết bị tắc vòi trứng, cũng thử các phương pháp điều trị nhưng không kết quả.

“Cứ đông tây y, nơi nào mách, chúng tôi đều làm cả. Thậm chí còn mời cả thầy cúng về nhà làm lễ. Mất vài năm ròng rã không thấy có tín hiệu gì, chúng tôi cũng đâm nản, bỏ liều, không chạy chữa ở đâu nữa”, anh Chính kể.

Đến năm 2017, anh chị quyết tâm một lần nữa để xem số phận có may mắn mỉm cười với anh chị. Lần đầu tiên làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội không thành công. Bác sĩ khuyên về 1-2 tháng hãy làm tiếp nhưng vợ chồng quá sốt ruột, nôn nóng đã đến xin chuyển phôi sớm. Lần 2 làm IVF chỉ sau hai tuần khi lần đầu thất bại cho kết quả được sáu phôi. Anh chị quyết định đặt ba phôi, còn ba phôi trữ lại.

“Lúc ấy là nhà đã bán hết những gì có được, gồm cả hai mảnh đất ông bà để lại để có tiền chữa trị. Để có được đứa con gái đầu lòng này, đến giờ chúng tôi mới giả được 2/3 số nợ thôi”, anh Chính cho hay.

Hơn 20 năm săn con của cặp vợ chồng hiếm muộn ảnh 1

Bé gái 11 tháng tuổi là kết quả của hành trình đầy yêu thương, chia sẻ, bao dung và cố gắng của anh chị.

Chia sẻ về hành trình hơn 20 năm mới được ôm một đứa con trong tay, anh kể, giữa hai vợ chồng không ít lần nảy sinh mâu thuẫn, thậm chí nói tới chuyện chia tay. Bạn bè anh thi thoảng vẫn kích bác là lấy vợ hai có con ngay, việc gì phải chạy chữa cho tốn kém. Cũng có lúc tâm lý không vững vàng, nhưng anh vẫn nuôi hy vọng có một ngày hạnh phúc sẽ mỉm cười.

Sự kiên trì và cố gắng của cả hai vợ chồng chính là "quả ngọt" ngày hôm nay - một bé gái xinh xắn gần 11 tháng tuổi. Anh bảo, hai vợ chồng đang có kế hoạch khi bé được hai tuổi sẽ đến bệnh viện chuyển phôi lần nữa.

Làm mẹ ở tuổi 41 sau năm lần gom trứng

Đây cũng là một câu chuyện săn con hết sức đặc biệt đối với chị Lò Thị Nhung (quê Điện Biên) khi đã ở tuổi 41 và bị mắc bệnh lý suy buồng trứng sớm.

Chị Nhung kể, chị lập gia đình từ năm 2011 và có con tự nhiên sau một năm cưới nhưng không may bị lưu thai khi thai gần hai tháng. “Lúc ấy tôi nghĩ chủ quan nên để kệ bẵng đi. Ba năm sau, vẫn không thấy thụ thai được, tôi mới đi khám tại các phòng khám tư tại Thanh Hóa (nhà chồng chị) và cũng đã được thực hiện kỹ thuật IUI nhưng không thành công”, chị Nhung kể.

Năm 2016, chị tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, các bác sĩ cho biết chị bị suy buồng trứng sớm, chất lượng dự trữ buồng trứng thấp.

Chị phải trải qua năm lần gom trứng, lần nhiều nhất cũng chỉ bảy quả, lần ít chỉ được ba quả. Chị cho biết mỗi lần chọc trứng tuy không đau nhưng rất mệt, phải cố gắng rất nhiều.

Hơn 20 năm săn con của cặp vợ chồng hiếm muộn ảnh 2

Cậu con trai kháu khỉnh có được sau năm lần gom trứng của chị Nhung.

“Sau khi chọc trứng bốn lần với ba lần chuyển phôi không thành công, vợ chồng tôi kiểm tra chuyên sâu về sức khỏe thì phát hiện. phân mảnh ADN của chồng tôi là 32,3%, vượt ngưỡng cho phép (20%) cần phải điều trị. Xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ của cả hai vợ chồng thì chồng cũng mắc đa hình lập đoạn dị nhiễm sắc vai dài nhiễm sắc thể số 1. Vậy là chúng tôi lại phải trải qua một thời gian dài để điều trị”, chị Nhung kể.

Cuối cùng, sau rất nhiều nỗ lực của cả gia đình và bác sĩ, trong lần chọc trứng vào cuối năm 2017, chị đã có được hai phôi tốt nhất nhờ kỹ thuật nuôi phôi lên ngày 5 tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Chị Nhung kể, đến ngày thứ bảy sau chuyển phôi, chị đi thử máu và biết mình đã chuyển phôi thành công, chị đã khóc như một đứa trẻ vì quá hạnh phúc. “Hạnh phúc quá lớn khi tôi đã ở độ tuổi rất khó khăn để có được một cậu con trai kháu khỉnh như bây giờ”, chị Nhung ôm cậu con trai vào lòng âu yếm và kể tiếp “Tôi vẫn nuôi ý định sinh thêm một bé nữa dù hiện tại không còn phôi dự trữ”.