Hậu quả khi tự điều trị, dùng thuốc không rõ nguồn gốc

Thời gian gần đây Bệnh viện Nội tiết T.Ư liên tục tiếp nhận, điều trị nhiều người bệnh bị biến chứng do tự ý điều trị bệnh bằng thuốc nam, các loại lá cây. Đáng lo ngại, những loại thuốc nam này không rõ nguồn gốc, còn việc người bệnh sử dụng các loại lá cây để điều trị là do truyền miệng. Hậu quả là bệnh không hết, thêm biến chứng, thậm chí đe dọa tính mạng.

Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư.
Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư.

BASEDOW là bệnh tự miễn, đặc trưng bởi cường chức năng tuyến giáp do các kháng thể kích thích tuyến giáp xuất hiện và lưu hành trong máu. Ðây là bệnh lý thường gặp trong các bệnh nội tiết, chiếm khoảng 10-30% các bệnh lý tuyến giáp. Theo các chuyên gia, basedow là bệnh rất nguy hiểm cho hệ tim mạch, nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, người bệnh sẽ chết trong tình trạng suy tim, suy kiệt và đặc biệt là trong tình trạng cơn bão giáp, một biến chứng rất nặng của bệnh. Khi bị cơn bão giáp, người bệnh sẽ sốt cao, tinh thần hoảng loạn, lo lắng hoặc kích thích dữ dội, tim đập rất nhanh… Các phương pháp điều trị bệnh basedow phổ biến gồm: phương pháp nội khoa (thuốc kháng giáp trạng tổng hợp), điều trị bằng Iod 131 và phẫu thuật.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, Bệnh viện Nội tiết T.Ư tiếp nhận nhiều người bệnh basedow với nhiều biểu hiện như hoại tử, sẹo lớn ở vùng cổ… do điều trị bệnh bằng thuốc nam. Thậm chí có trường hợp khi nhập viện trong tình trạng cấp cứu, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt, phải đặt nội khí quản, thở máy… Chị Lê Thị Th. (33 tuổi, quê Thanh Hóa) nhập viện hôm 15-3. Mắc bệnh basedow gần 10 năm, chị Th. từng đến khám tại các bệnh viện, nhưng người bệnh không tuân theo phác đồ điều trị của các bệnh viện, về nhà nghe theo lời giới thiệu của những người chung quanh, chị lại áp dụng biện pháp điều trị (uống, đắp các loại thuốc nam lên vùng cổ) của các cơ sở khám, chữa bệnh tự phát tại Hải Dương, Hưng Yên... Hậu quả của việc đắp thuốc nam tự chế là gây bỏng rát, hoại tử nghiêm trọng vùng da cổ của người bệnh. Khi được đưa đến Bệnh viện Nội tiết T.Ư, người bệnh mệt, gầy yếu (38kg), cổ to với nhiều vết sẹo lớn nhăn nhúm trên cổ, mắt lồi, tay run…

Theo thống kê, trung bình mỗi tháng Khoa Chăm sóc bàn chân (Bệnh viện Nội tiết T.Ư) tiếp nhận và xử lý từ hai đến ba ca mắc tiểu đường bị bỏng với mức độ khác nhau, trong đó có những trường hợp do tự ý ngâm chân bằng nước nóng hoặc các loại cây không rõ nguồn gốc, dẫn đến bỏng nặng. Khi bị bỏng, người bệnh không chịu tới bệnh viện mà cố ý tự điều trị tại nhà, dẫn đến tình trạng hoại tử lan rộng khó chữa trị, thậm chí phải cắt cụt chi, đe dọa đến tính mạng. Ðiển hình như ông Vàng A. L. (59 tuổi, ở Sơn La) vừa phải cắt bỏ toàn bộ bàn chân tới giữa cẳng bàn chân do người bệnh bị biến chứng bỏng quá nặng, hoại tử sâu và không còn dấu hiệu phục hồi. Qua tìm hiểu, trước đó vài tháng, ở nhà ông L. ngâm chân bằng các bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc và không đúng cách. Một trường hợp khác là ông Nguyễn Văn D. (61 tuổi, ở Mỹ Ðức, Hà Nội) được chẩn đoán tiểu đường hơn 13 năm. Một tháng trước bị biến chứng thần kinh gây tê bì bàn chân, ông tự ý ngâm chân bằng nước nóng với nhiệt độ cao gây bỏng loét. Không tới viện điều trị, người bệnh lại tự ý dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc đắp lên bàn chân khiến vết thương tiếp tục bỏng sâu, chảy dịch. Ðến khi vết thương lan rộng, bàn chân đã nhiễm trùng, hoại tử sâu, rộng, người bệnh mới chịu để người nhà đưa vào viện.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Phó trưởng Khoa chăm sóc bàn chân cho biết: Tình trạng người bệnh đang điều trị bệnh tiểu đường nhưng vẫn tự ý dùng các bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc để tự chữa trị vẫn diễn ra khá thường xuyên, họ không lường trước được những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra. Ðáng lo ngại, người bệnh tiểu đường thường chỉ đi khám khi đã có biến chứng nặng, do đó quá trình điều trị khó khăn hơn nhiều so với các vết bỏng thông thường. Các bác sĩ không chỉ phải tích cực cắt lọc, chăm sóc vết thương hoại tử mà còn phải kiểm soát đường huyết cũng như dùng thuốc hỗ trợ nuôi dưỡng vùng tổn thương kích thích da tự mọc, hạn chế xuất hiện thêm vết thương... Do vậy, người mắc bệnh tiểu đường nên khám định kỳ để giảm biến cố nhiễm trùng loét do bỏng; không nên tự ý ngâm chân bằng nước nóng hay đắp các loại thuốc không rõ nguồn gốc để giảm cảm giác đau, rát, tê bì.

Hiện nay, vẫn còn khá nhiều người bệnh do tin tưởng những lời giới thiệu của bạn bè, người thân cho nên đã tự điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh không được cấp phép. Họ được các ông lang, bà lang tư vấn uống thuốc nam, đắp thuốc lá, cao dán… để điều trị bệnh. Ðể tránh tình trạng tiền mất tật mang, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh và người nhà người bệnh cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo, giới thiệu về các phương pháp chữa bệnh chưa được kiểm chứng, thiếu cơ sở khoa học. Khi phát hiện các triệu chứng bệnh, cần đến các cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị đúng cách.