Vừa qua, các cán bộ Ðội Quản lý thị trường số 24, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp Ðội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy, Công an huyện Hoài Ðức (Hà Nội) bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất mật ong hoa nhãn tại thôn Cao Trung, xã Ðức Giang, huyện Hoài Ðức của ông Phan Văn Quyết. Thời điểm kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường bắt quả tang cơ sở đang sản xuất mật ong từ đường, nước cốt mạch nha... Ông Quyết không xuất trình được các giấy tờ liên quan cũng như hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc các nguyên liệu, hàng hóa tại cơ sở. Qua kiểm đếm có khoảng hơn 2.000 lít mật ong hoa nhãn đã được đóng gói thành phẩm và dán nhãn mác ở xã Ông Ðình (huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Mỗi chai mật ong 1 lít được cơ sở bán trên mạng xã hội với giá 99 nghìn đồng…
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Văn Bảo (21 tuổi), Phạm Quang Trường (21 tuổi), Lê Văn Tới (33 tuổi) cùng ngụ tại thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bảo và Trường điều khiển xe máy chở 18 lít mật ong giả để chào bán cho người dân phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát với giá 500 nghìn đồng/lít. Nghi bị lừa, người dân trình báo công an và ngay sau đó ba người này đã bị công an mời lên làm việc. Ðể thực hiện trót lọt hành vi phạm tội, trước đó cả ba người đã gặp nhau để bàn việc sản xuất mật ong giả từ đường, nước lã, phèn chua... Tại cơ quan công an, các đối tượng đã thừa nhận toàn bộ hành vi sản xuất và bán mật ong giả cho người dân…
Hiện nhu cầu sử dụng mật ong chữa bệnh, làm đẹp và chế biến món ăn là rất lớn. Và mật ong giả, chất lượng kém cũng rất nhiều. Nguyên liệu để sản xuất loại mật ong này rất dễ mua, gồm hàn the, mật nha, phèn chua, đường mía, mật ong thật và một số loại hóa chất. Mỗi loại nguyên liệu đều có tác dụng riêng, thí dụ phèn chua có tác dụng chống vón đường, mật nha tạo hương thơm,… Khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu thì trộn vào nhau rồi đổ nước nấu lên. Tiền nguyên liệu chỉ mất vài chục nghìn đồng nhưng được tới 5-7 lít mật ong thơm ngon như thật. Nếu bán trót lọt thì thu được từ 1 đến 2 triệu đồng. Mật ong hoa rừng, hoa nhãn và thậm chí hoa thuốc phiện đều có thể sản xuất được. Sau đó, các loại mật ong "công nghệ" này được vận chuyển lên các tỉnh miền núi, khu du lịch,… để bán lại cho du khách. Ðể người mua tin tưởng khi đóng chai, người sản xuất cho thêm sáp ong, con ong chết và đổ một ít mật ong thật lên trên; đồng thời "thổi" giá như mật ong rừng xịn…
Tiến sĩ, bác sĩ Ðinh Thị Lam, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Ðống Ða (Hà Nội) cho biết, mật ong là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền, được sử dụng để chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe và chế biến một số món ăn cao cấp... Tuy nhiên, nếu thường xuyên dùng mật ong giả, kém chất lượng và chứa những chất như phèn chua, hàn the hoặc chất phụ gia bị cấm dùng trong thực phẩm thì người sử dụng sẽ bị suy nhược cơ thể, tăng cân, béo phì do không hấp thụ được dinh dưỡng từ đường tiêu hóa như bình thường. Nguy hiểm hơn, loại mật ong pha chế "công nghệ" này có thể gây ra các bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường; gây ợ chua, ợ nóng, đắng miệng, viêm dạ dày, trào ngược dạ dày; ảnh hưởng đến não bộ, hệ thần kinh, gây mất ngủ… Do đó, người tiêu dùng chỉ nên mua và sử dụng các loại mật ong của các cơ sở có uy tín, có thương hiệu; tuyệt đối không sử dụng các loại mật ong không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Ðể phân biệt mật ong thật và giả có thể dùng que sạch khuấy đều mật ong lên, nếu xuất hiện mầu đục là mật ong giả. Dùng sợi dây thép đã hơ nóng cho vào mật ong, nếu là mật ong giả sẽ có hiện tượng sủi bọt. Dùng hành tươi nhúng vào mật ong, nếu cọng hành bị héo thì là mật ong thật. Ðổ kín mật ong lên lòng đỏ trứng gà, nếu lòng đỏ trứng gà chín từ từ là mật ong thật. Nhỏ mật ong vào khăn giấy, nếu là mật ong thật sẽ không thấm qua giấy. Mật ong thật có mùi vị rất thơm và rất sánh, vị khé nhiều, rất khó tan…