Vĩnh Phúc đột phá vào điểm nghẽn, việc khó

NDO -

Tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai các giải pháp đột phá để tháo gỡ rào cản, khai thông các nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Thành quả trong phòng, chống dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế ấn tượng sáu tháng đầu năm là kết quả của nỗ lực, quyết tâm đổi mới tư duy và hành động.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc cải tiến cung cách phục vụ nhân dân.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc cải tiến cung cách phục vụ nhân dân.

Công phá các điểm nghẽn

Ngay từ đầu năm 2021, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã dành nhiều thời gian làm việc với các sở, ngành và chín huyện, thành phố để làm rõ các điểm nghẽn, xác định các giải pháp đột phá của mỗi ngành, mỗi địa phương. Sau khi xem xét đề án khai thông nguồn lực, xử lý điểm nghẽn của các đơn vị, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo rõ, người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm chính trong việc này, tập trung tháo gỡ bằng được các khó khăn, vướng mắc.

Với quyết tâm đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung thực hiện bảy nhóm giải pháp khai thông các điểm nghẽn, chú trọng xây dựng các cơ chế, chính sách mang tính đột phá, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, triển khai các dự án xã hội hóa, hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Sở Xây dựng tăng cường công khai quy trình, hồ sơ, thủ tục, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, công khai phí và lệ phí trên cổng thông tin điện tử của Sở và tại trụ sở cơ quan; ban hành nhiều quy định mới để tháo gỡ khó khăn trong thủ tục đầu tư, xây dựng theo hướng phân cấp, ủy quyền cho các cấp, các ngành và chủ đầu tư. Văn phòng UBND tỉnh rà soát các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bãi bỏ, thay thế, đổi mới quy trình làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành.

Vĩnh Phúc đột phá vào điểm nghẽn, việc khó -0
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Ngọc Mỹ (huyện Lập Thạch).Ảnh: TRÀ HƯƠNG 

Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nguyễn Văn Trường cho biết, Trung tâm thường xuyên chấn chỉnh phong cách, thái độ phục vụ của đội ngũ công chức, đẩy mạnh thu phí, lệ phí trực tuyến. Sáu tháng đầu năm 2021, số hồ sơ trả trước hạn và đúng hạn đạt 99,49%...

Thành phố Vĩnh Yên - thủ phủ của tỉnh Vĩnh Phúc quyết liệt tháo gỡ bốn điểm nghẽn lớn là bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB); vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng; chỉnh trang đô thị; cải cách hành chính. Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Bình cho biết, thành phố đã chỉ đạo cưỡng chế, tháo dỡ nhiều công trình trái phép tại các phường Liên Bảo, Khai Quang và xã Định Trung, trong đó có những công trình giá trị xây dựng nhiều tỷ đồng.

Trong quá trình xử lý vi phạm về đất đai, Thành ủy kêu gọi cán bộ, đảng viên gương mẫu tháo dỡ công trình vi phạm, khi xử lý vi phạm cũng xử lý các hộ có cán bộ, đảng viên trước. Nhờ đó hàng chục dự án hạ tầng đô thị, giao thông được tiếp tục triển khai sau thời gian dài bị ách tắc. Các đơn vị trực thuộc thành phố cũng xác định 50 nhiệm vụ cụ thể nhằm khai thông nguồn lực, tháo gỡ vướng mắc khi tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố.

Các địa phương khác trong tỉnh đều xác định công tác bồi thường, GPMB là điểm nghẽn lớn nhất, làm hạn chế tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và tiêu tốn rất nhiều thời gian của cấp ủy, chính quyền. Hiện nay, các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, Bình Xuyên đang triển khai tuyên truyền, vận động GPMB với tần suất cao, biện pháp đa dạng, đồng thời tổ chức cưỡng chế hàng trăm trường hợp tại các dự án khu, cụm công nghiệp, giao thông và đô thị.

Thời điểm dịch bệnh lên cao điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo tỉnh làm việc theo chế độ thời chiến. Ngày chủ nhật 16/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp lúc 6 giờ 30 phút, HĐND tỉnh họp bất thường lúc 8 giờ sáng cùng ngày để cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh ủy thành ba nghị quyết về hỗ trợ kinh phí tiêm vắc-xin Covid-19, hỗ trợ tiền ăn cho người bị cách ly y tế bắt buộc và quy định về mức giá tạm thời đối với dịch vụ xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Chiều và tối cùng ngày, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tổ chức họp để triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh. Như vậy, chỉ trong một ngày, chủ trương, quan điểm của cấp ủy đã được cụ thể hóa bằng chính sách cụ thể và triển khai ngay vào cuộc sống. Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, hằng ngày Thường trực Tỉnh ủy duy trì họp giao ban lúc 6 giờ sáng, còn lúc bình thường giao ban vào 6 giờ 30 phút sáng.

Nhiều cuộc họp của UBND tỉnh diễn ra vào buổi tối, ngày nghỉ. Tinh thần làm việc đó đã truyền cảm hứng đến cấp huyện, xã. Đồng chí Lê Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường ghi nhận: Phong cách chỉ đạo ráo riết của Trung ương, của tỉnh khiến cho guồng máy cấp huyện phải quay vòng nhanh hơn, không thể chần chừ, lần lữa. Toàn bộ cán bộ, công chức huyện Vĩnh Tường đang phải căng mình làm việc để đáp ứng tiến độ GPMB các dự án.

Tăng trưởng kinh tế ấn tượng

Vĩnh Phúc cũng phát huy tốt việc xây dựng các chính sách đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Những tháng đầu năm, tỉnh đã ban hành hàng loạt chính sách tháo gỡ điểm nghẽn về bồi thường, GPMB, như chính sách thưởng GPMB nhanh cho người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân; chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thông qua hỗ trợ trực tiếp khoản chênh lệch lãi suất vay; chính sách hỗ trợ kinh phí tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại; chính sách chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để triển khai các công trình, dự án...

 Tất cả sở, ngành đều tập trung hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, như thành lập các tổ hỗ trợ doanh nghiệp trực tuyến, trực tiếp; tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến. Do đó, mặc dù dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp nhưng không có doanh nghiệp hay phân xưởng nào phải đóng cửa, tất cả người lao động được bảo đảm việc làm. Ông Daiki Mihara (Đ.Mi-ha-ra), Tổng Giám đốc Công ty Honda Việt Nam bày tỏ cảm kích: Trong bối cảnh dịch Covid-19, công ty đã nhận được sự hỗ trợ và hướng dẫn kịp thời của tỉnh về thủ tục hành chính, các biện pháp phòng, chống dịch khi vận chuyển, lưu thông hàng hóa, làm thủ tục nhập cảnh cho chuyên gia nước ngoài. Nhờ đó, công ty vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống cho cán bộ, công nhân viên.

Nhờ kết hợp hài hòa giữa chống dịch và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, sáu tháng đầu năm, tỉnh Vĩnh Phúc thu được nhiều kết quả nổi bật với tăng trưởng kinh tế đạt 14,21%, mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây và cao thứ ba toàn quốc.

Thu ngân sách nhà nước hơn 19 nghìn tỷ đồng, bằng 133% so với cùng kỳ. Thu hút vốn đầu tư trong nước đạt hơn bảy nghìn tỷ đồng, tăng gần 55% so với cùng kỳ năm 2020, thu hút FDI đạt hơn 177 triệu USD. Có gần 220 doanh nghiệp phục hồi hoạt động và thêm 620 doanh nghiệp thành lập mới. Hoạt động xuất, nhập khẩu tiếp tục phục hồi, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.

Đến nay toàn tỉnh thành lập 12 khu công nghiệp và 15 cụm công nghiệp thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp vào đầu tư. Nhiều địa phương sắp hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới như các huyện Vĩnh Tường, Tam Đảo, Tam Dương. Tỉnh phấn đấu có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm nay. Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc khẳng định: Nghị quyết của Đảng đang đi vào cuộc sống với những cách làm thiết thực, hiệu quả.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung chống dịch, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết từng bước, hiệu quả các vấn đề về đầu tư công, bồi thường, GPMB, đổi mới công tác quản lý, điều hành để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Cấp ủy, chính quyền sẽ tập trung xây dựng cơ chế, thể chế, chính sách mang tính đột phá để tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực.