Quy định điều kiện đi lại, các loại hình vận tải ở TP Hồ Chí Minh được hoạt động

NDO -

Nhiều quy định mới về các hoạt động vận tải, việc lưu thông đi lại khi TP Hồ Chí Minh trở lại nhịp sống “bình thường mới” được nêu trong Quy định do Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh vừa ban hành, hướng dẫn tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố và một số trường hợp cần thiết giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố kể từ ngày 1/10.

Từ ngày 5/10 xe buýt được hoạt động trở lại trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Từ ngày 5/10 xe buýt được hoạt động trở lại trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Xe buýt được hoạt động từ ngày 5/10

Đối với hoạt động vận tải hành khách, hầu hết các phương thức vận tải được hoạt động lại kể từ ngày 1/10. Trong đó, từ ngày 5/10, xe buýt được hoạt động với tần suất và thời gian tùy theo tình hình, nhu cầu thực tế từng khu vực, theo quyết định công bố của Sở Giao thông vận tải.

Đối với xe taxi, mỗi đơn vị kinh doanh vận tải đăng ký số lượng phương tiện hoạt động tối đa không vượt quá 20% số xe quản lý (theo số liệu phù hiệu đã đăng ký với Sở Giao thông vận tải). Với xe du lịch, mỗi đơn vị kinh doanh vận tải đăng ký số lượng phương tiện hoạt động tối đa không vượt quá 30% số xe quản lý.

Ngoài ra, với loại hình xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm, ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách, được phép đăng ký hoạt động tối đa không vượt quá 10% số xe quản lý.

Đối với đường thủy, Sở Giao thông vận tải cho phép Bến phà Bình Khánh, Cát Lái được tiếp tục hoạt động. Các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa vận chuyển hành khách ở khu vực huyện Cần Giờ; Các bến phục vụ du lịch; Khu bến du lịch Cảng công viên Bạch Đằng (quận 1)… được phép hoạt động với tần suất khai thác tối đa không quá 50% và không chở quá 50% sức chở cho phép của phương tiện.

Riêng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hành khách bằng xe mô-tô, xe máy, không được phép hoạt động.

Người dân rời thành phố phải được cơ quan thẩm quyền cho phép

Việc tổ chức giao thông giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh cũng như các tỉnh đến TP Hồ Chí Minh cũng được quy định cụ thể.

Theo đó, đối với hoạt động vận tải hàng hóa, các phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông đến và lưu thông ngang qua TP Hồ Chí Minh phải có giấy nhận diện (có mã QR) được cấp tại các địa chỉ: vantai.drvn.gov.vn hoặc suckhoe.dancuquocgia.gov.vn (hoặc ứng dụng VNEID). Đối với phương tiện có lộ trình quá cảnh qua TP Hồ Chí Minh, không được dừng, đỗ phương tiện trong suốt quá trình lưu thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh (trừ trường hợp bất khả kháng như: phương tiện bị hư hỏng, sự cố kỹ thuật, về sức khỏe của người trên phương tiện,…).

Trường hợp người từ các tỉnh vào TP Hồ Chí Minh để khám chữa bệnh (ngoại trừ trường hợp cấp cứu) phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu) và phải có giấy chuyển viện (của các bệnh viện) từ các tỉnh, thành phố đến Bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh, giấy hẹn tái khám hoặc thông tin xác nhận đăng ký của các Bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh. 

Ngược lại, người dân TP Hồ Chí Minh từ các tỉnh, thành phố khác di chuyển trở về TP Hồ Chí Minh, phải bảo đảm các điều kiện sau: Có giấy tờ chứng minh thường xuyên cư trú, làm việc tại TP Hồ Chí Minh như hộ khẩu, giấy tạm trú, căn cước công dân hoặc chứng minh thư, giấy khai sinh (đối với trẻ em); Có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu). Tương tự, phương tiện di chuyển đối với các loại hình vận tải hành khách liên tỉnh (bằng ô-tô, đường thủy, đường sắt, đường hàng không); xe ô-tô cá nhân (lái xe và người đi cùng phải đáp ứng điều kiện nêu trên).

Đồng thời, việc di chuyển này phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền: bằng văn bản của UBND tỉnh, thành phố nơi đi hoặc văn bản của Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, người dân đi từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành phố khác trong một số trường hợp cấp bách cũng phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp cấp bách được quy định như sau: đưa đón người bệnh hiểm nghèo, con nhỏ, phụ nữ mang thai; thực hiện cuộc hẹn phỏng vấn trước khi đi nước ngoài; và một số trường hợp cấp bách khác. Đồng thời, phải bảo đảm các điều kiện sau:  Là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm vaccine phòng Covid-19 (ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và 14 ngày sau tiêm); Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực theo quy định của ngành y tế. Phương tiện di chuyển: các loại hình vận tải hành khách liên tỉnh (bằng ô-tô, đường thủy, đường sắt, đường hàng không); xe ô-tô cá nhân (lái xe và người đi cùng phải đáp ứng điều kiện y tế nêu trên).

Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh: Người tham gia lưu thông phải sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng y tế TP Hồ Chí Minh hoặc Sổ sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động). Trường hợp không có mã QR, xuất trình một trong các giấy tờ sau: Là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng; Đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 ít nhất 1 mũi và 14 ngày sau tiêm.