Quan tâm những người có uy tín trong cộng đồng

Trong thực tế xã hội, những người có uy tín, có vị trí và vai trò quan trọng, không thể thiếu đối với sự phát triển của cộng đồng, là người đi đầu trong quá trình vận hành cuộc sống cộng đồng ở địa phương.

Người có uy tín luôn hiện diện ở việc duy trì phong tục, tập quán, tập tục, ổn định, trật tự an toàn xã hội, phát triển sản xuất, thực hiện giải quyết các mối quan hệ với cộng đồng khác và với hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước các cấp. Chính phủ đã có những tiêu chí, chính sách cụ thể để lựa chọn, công nhận người có uy tín và quan tâm người có uy tín, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Người có uy tín là công dân Việt Nam, không phân biệt thành phần dân tộc, cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Là người tiêu biểu, có nhiều công lao, đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết các dân tộc. Hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư. Có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi nhất định bằng lời nói, qua việc làm, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.

Tại các địa phương trong cả nước, những già làng, trưởng bản, người có uy tín đang phát huy tốt vai trò, trách nhiệm và vị trí của mình trong đời sống xã hội. Như tại tỉnh Gia Lai, hiện có khoảng 955 người được công nhận là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ trong hai năm qua, đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình với cộng đồng, phối hợp tổ chức hơn 50 nghìn buổi tuyên truyền, phát động quần chúng tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các thôn, làng, thu hút hơn 1,5 triệu lượt người tham gia. Nhờ sự phối hợp của các ngành chức năng và phát huy tốt vai trò của người uy tín, tiêu biểu trong tuyên truyền, vận động cho nên đến nay trên địa bàn một số huyện của tỉnh trước kia là điểm nóng về an ninh, trật tự nay đã trở nên bình yên. Trong đó, có nơi cơ bản đã xóa bỏ được tổ chức và hoạt động của tà đạo "Hà mòn"; không còn đối tượng lẩn trốn ngoài rừng, các đối tượng cầm đầu, cốt cán đã bị xử lý, kiểm điểm trước dân… Tại Hà Nội, nhiều người có uy tín đã chủ động, trách nhiệm cùng Tổ hòa giải địa phương tổ chức vận động hòa giải thành công hàng chục vụ việc liên quan tới mâu thuẫn gia đình, tranh chấp đất đai…, góp phần bảo vệ bình yên của thôn, xóm, khu dân cư. Tại tỉnh Sóc Trăng, trong những năm qua, nhiều người uy tín đã không ngại khó, ngại khổ, trực tiếp đến từng hộ gia đình trong khóm, ấp để tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Bên cạnh tuyên truyền đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước, nhiều người uy tín còn phát huy thế mạnh của mình trong phát triển kinh tế bằng những việc làm cụ thể như đi đầu trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hướng dẫn các gia đình thực hiện nhiều phương thức sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Vai trò của người uy tín là không thể thiếu được trong thực tế. Tuy nhiên, hiện nay, đội ngũ những người có uy tín ở địa phương đã và đang đối mặt với một số khó khăn, trở ngại. Ðáng chú ý, độ tuổi trung bình của người có uy tín đang bị già hóa. Ðiều này dẫn đến tình trạng một số người chủ yếu dùng những kinh nghiệm và hiểu biết truyền thống, chưa kịp cập nhật thông tin trong thời đại công nghệ 4.0, gặp khó khăn đối với những vấn đề mới phát sinh trong cuộc sống và chưa tiếp cận, chưa thuyết phục được thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, đội ngũ người có uy tín hằng năm tại các địa phương luôn có biến động, trong đó cần lưu ý việc do độ tuổi người có uy tín ngày càng cao, có nơi số lượng người ra khỏi danh sách nhiều hơn số lượng bổ sung, dẫn đến thiếu ổn định.

Hiện nay, người có uy tín ở địa phương đang là đầu mối, là người đảm nhận khá nhiều trách nhiệm và công việc. Ðể có thể làm tốt, đáp ứng được yêu cầu thực tế, đòi hỏi người có uy tín cần bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian. Có thể thấy, rất nhiều việc của các đoàn thể, cơ quan, ban, ngành đều phải nhờ đến sự tham gia của người có uy tín. Trong khi đó, những chế độ chính sách đãi ngộ đối với họ tuy đã được quan tâm, nhưng vẫn cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để nâng cao hơn nữa... Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tổ chức tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm cho người có uy tín. Thường xuyên thăm hỏi, tặng quà người có uy tín để động viên kịp thời trong công việc, cuộc sống. Mở rộng hơn nữa các hoạt động biểu dương người có uy tín tiêu biểu. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện tốt, thuận lợi để người có uy tín phát huy vai trò trong cộng đồng, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động, sản xuất để không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống.