Những chuyến cứu nạn vượt cả sóng biển lẫn “bão” Covid-19

Những chuyến cứu nạn vượt cả sóng biển lẫn “bão” Covid-19
Bài 4: Những chuyến cứu nạn vượt cả sóng biển lẫn “bão” Covid-19 -0

 Không một ai biết chuyến cứu nạn lần này, người mình tiếp cận có mắc Covid-19 hay không, nhưng không vì thế mà các chiến sĩ mặc áo da cam thuộc Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) trì hoãn thực hiện sứ mệnh nhân đạo cao cả là cứu người gặp nạn trên biển, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho những con tàu lưu thông trong đại dịch. Hai năm qua, họ ngày đêm giữ gìn sự an toàn cho cảng biển bằng những chuyến đi cứu nạn mà không "mang virus" về bờ. Vẫn là công việc cũ, nhưng trong điều kiện dịch bệnh mới, họ đã phải vượt gấp đôi thử thách: cả sóng biển lẫn “bão” Covid-19. 

sub1-1624966655195.jpg

Trong số các vùng biển Việt Nam, năm qua, lượt tàu thuyền nước ngoài ra vào nhiều nhất và cần tới sự trợ giúp cứu nạn nhất chính là ở vùng biển Nha Trang. Các chiến sĩ cứu nạn ở Nhatrang MRCC đã có 17 lượt đi cứu nạn các thuyền viên trong trường hợp khẩn cấp, trong số đó, có đến chín lượt thực hiện nhiệm vụ cấp cứu thuyền viên người nước ngoài. Mỗi chuyến đi, các chiến sĩ cứu nạn lại một lần lo lắng.

“Nguy cơ bủa vây tứ phía khi người mà chúng tôi tiếp cận cứu là các thuyền viên nước ngoài mà không biết liệu họ có nhiễm SARS-CoV-2 hay không”, anh Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam khu vực IV nói. Ngoài chia kíp để bọc lót cho nhau, anh Bình chỉ biết trấn an anh em “Cố gắng bảo vệ an toàn cho bản thân để hoàn thành nhiệm vụ”.

Với nguyên tắc “vừa cứu người vừa phòng, chống dịch”, mỗi chuyến cứu nạn thuyền viên nước ngoài hay người Việt Nam trong thời điểm này đều bắt buộc thực hiện theo quy trình chung, sàng lọc các yếu tố dịch tễ của tàu cũng như thuyền viên.

Đầu năm 2020, khi dịch mới ngấp nghé cửa ngõ Việt Nam, các chiến sĩ cứu nạn trên biển đã được nâng cảnh báo lên một bước về an toàn trước nguy cơ lây nhiễm bệnh. Và chuyến cứu nạn đầu tiên trong tình hình dịch cũng mang nhiều cảm xúc lẫn lộn. Lần đầu tiên, anh em phải mặc đồ bảo hộ kín mít để bảo vệ an toàn cho hành trình dài nhiều giờ đồng hồ trên biển.

Bài 4: Những chuyến cứu nạn vượt cả sóng biển lẫn “bão” Covid-19 -0

Những bộ trang phục bảo hộ khiến cho công tác cứu nạn gặp nhiều khó khăn hơn.

Tối 8/2/2020, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam nhận được trực tiếp thông tin cứu nạn khẩn cấp từ tàu Ym Advance, có quốc tịch Marshall Islands, số IMO 538008585 hành trình từ Ấn Độ đi Hồng Kông (Trung Quốc). Ngày 9/2/2020, Thuyền trưởng Lưu Xuân Thắng – tàu SAR27-01 nhận nhiệm vụ đưa tàu SAR 27-01 và các anh em lên đường ứng cứu kịp thời thợ máy Alfredo Cayabyab trong tình trạng khó thở, phải sử dụng trang thiết bị trợ thở, tim đập nhanh, nôn mửa liên tục. “Trường hợp này bị nhiễm hóa chất môi trường, đang rơi vào tình trạng hôn mê không cử động được, rất nguy hiểm đến tính mạng”, anh Thắng kể.

Đoàn cứu nạn lúc này chỉ còn nửa kíp so với mọi khi. Mặc đồ bảo hộ nóng bức, mắt nhòe đi vì hơi nước đọng lại trên kính, đôi bàn tay thiếu đi phần nào sự chắc chắn vì găng tay trơn trượt, thiếu người khiến mỗi vị trí đều trở nên thiếu hụt… Nhưng bằng tất cả những kinh nghiệm đã được tôi luyện nhiều năm trên biển, các chiến sĩ áo cam đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Nạn nhân được đưa về bờ kịp thời, và các anh em đều thực hiện cách ly tại tàu cho tới khi nạn nhân có kết quả xét nghiệm âm tính.

Sau chuyến cứu nạn đầu tiên trong mùa Covid-19, các anh em ngồi lại cùng rút kinh nghiệm, làm thế nào để tối ưu được thời gian tiếp cận, cấp cứu kịp thời bệnh nhân, cũng như kinh nghiệm khắc phục khó khăn khi sử dụng trang thiết bị phòng dịch tiếp cận hiện trường.

Thế nhưng, không phải chuyến cứu nạn nào cũng giống nhau. Đặc biệt, có chuyến đi họ được giao trọng trách mang thi thể thuyền viên về bờ trong khi chưa rõ nguyên nhân tử vong của ca bệnh này có liên quan đến Covid-19 hay không.

Bài 4: Những chuyến cứu nạn vượt cả sóng biển lẫn “bão” Covid-19 -0
Bất chấp sóng biển và nguy cơ lây nhiễm Covid-19, các chiến sĩ tàu SAR vẫn thực hiện sứ mệnh cứu người trên biển. 

Tháng 12/2020, Trung tâm nhận được cuộc gọi cần sự hỗ trợ của tàu CHEMSINYOO (Quốc tịch: Marshall Islands; Số IMO: 9248461) có năm thuyền viên cần cấp cứu khẩn cấp khi đang hành trình từ Singapore đi Trung Quốc. Tai nạn lao động bất ngờ xảy ra tại buồng máy, một thuyền viên tử vong tại chỗ và bốn thuyền viên khác bị đa chấn thương, bất tỉnh, chảy nhiều máu và có biểu hiện xuất huyết não, rất nguy hiểm đến tính mạng.

“Ngoài hướng dẫn các biện pháp sơ cứu để giữ tính mạng cho các thuyền viên, chúng tôi phải yêu cầu thuyền trưởng cung cấp thông tin chi tiết liên quan đến lịch trình di chuyển, báo cáo y tế của các thuyền viên trên tàu và phối kết hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan tại địa phương để lên phương án hỗ trợ tốt nhất cho thuyền viên khi về bờ”, anh Bình kể.

Trung tâm thực hiện các quy trình kiểm dịch khắt khe với các cơ quan chức năng tại địa phương trong việc cử cán bộ y tế và bố trí các trang thiết bị y tế phòng dịch cũng như công tác phòng ngừa một cách tốt nhất để bảo đảm tiếp nhận bệnh nhân đưa về bờ cấp cứu. Lúc 7 giờ 10 phút ngày 21/12/2020, nhận cuộc gọi cần cứu nạn, hai tàu cứu nạn chuyên dụng đang ứng trực tại Nha Trang cùng tổ cấp cứu y tế lập tức lên đường.  

Bài 4: Những chuyến cứu nạn vượt cả sóng biển lẫn “bão” Covid-19 -0

Đến 8 giờ sáng hôm sau, tàu tiếp cận được tàu CHEMSINYOO và bốn thuyền viên bị nạn. Các thuyền viên lúc này ở trong tình trạng đa chấn thương ở vùng đầu, chân, tay..., rất nguy hiểm. Hai tàu cứu nạn cùng các lực lượng sau khi thực hiện các quy trình kiểm dịch Covid-19 đã tiếp nhận bốn người bị nạn cùng một thi thể đưa về cảng Nha Trang vào lúc 15 giờ chiều.

“Đó là một chuyến đi cứu nạn dài nhiều cảm xúc. Biển động dữ dội do ảnh hưởng của cơn bão số 14, những cơn sóng hất thẳng lên boong tàu, hành trình phải kéo dài hơn vì mưa bão”, thuyền trưởng tàu SAR 27-01 kể.

Chuyến cứu nạn nhiều trăn trở nhất trong mùa Covid-19 với các chiến sĩ tàu SAR 27-01 là vào tháng 3 vừa qua. Đó là khi tàu cá Biển Đông 1 của Việt Nam bị tàu Olymphia (Quốc tịch Marshall Islands) đâm chìm ngoài biển. Trên tàu bị nạn có chín thuyền viên. Sau cú đâm mạnh, tàu Biển Đông 1 chìm, một thuyền viên bị thương, hai người mất tích.

Thuyền trưởng Thắng trầm ngâm kể lại: “Tàu cá bị đâm cách Tuy Hòa, Phú Yên khoảng 89 hải lý về phía Đông, cách Nha Trang, Khánh Hòa khoảng 110 hải lý về phía Đông Bắc. Hôm đó biển động, sóng gió lớn, vị trí cách quá xa Nha Trang. Bảy thuyền viên được vớt kịp thời, nhưng có một người bị thương rất nặng. Hai người vẫn mất tích. Chúng tôi chỉ biết tăng tốc hướng về phía tàu bị nạn. Nhưng sau hơn một ngày nỗ lực tìm kiếm trong điều kiện sóng gió dữ dội, chúng tôi không thể tìm được hai thuyền viên mất tích. Đó là vụ việc chúng tôi vẫn trăn trở cho đến bây giờ”. 

sub2-1624967118621.jpg

Thách thức lớn nhất với lực lượng cứu nạn trên biển trong một năm rưỡi qua là rủi ro lây nhiễm bệnh cao. Nếu như ở biên giới, dịch bệnh có thể kiểm soát qua việc ngăn ngừa nhập cảnh trái phép, phong tỏa chặt chẽ biên giới, thông tin truy vết nhanh chóng, thì ở trên biển, những biện pháp này rất khó để thực hiện khi các tàu thuyền, thuyền viên đi và đến từ khắp mọi nơi trên thế giới.

Thực hiện nghĩa vụ quốc tế về tìm kiếm cứu nạn hàng hải theo Công ước SAR-79 mà Việt Nam là thành viên tham gia, Trung tâm có trách nhiệm xử lý 100% tai nạn, sự cố xảy ra trên vùng biển Việt Nam. Bất kể là ai, người đã đi qua vùng dịch hay có yếu tố dịch tễ mù mờ, khi gặp tai nạn, sự cố và yêu cầu trợ giúp, lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Trung tâm luôn ứng trực để sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ vào bất kỳ thời điểm nào.

Chính vì tính chất đó, công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển trước đây vẫn tiềm ẩn những rủi ro trong quá trình triển khai như điều kiện thời tiết xấu, tính chất vụ việc tai nạn nguy hiểm có cháy nổ, hàng nguy hiểm... thì nay các lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn lại có thêm một thách thức lớn nữa là nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Bài 4: Những chuyến cứu nạn vượt cả sóng biển lẫn “bão” Covid-19 -0

Xác định nguy cơ lây nhiễm lớn, để bảo đảm luôn có kíp sẵn sàng lên đường ứng cứu, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã thay đổi cơ chế làm việc của nhân viên khối văn phòng trong khi vẫn duy trì trực tìm kiếm cứu nạn 24/7. Phòng nghiệp vụ chính (Phối hợp cứu nạn) kéo dài ca trực, chia bộ phận thành hai nhóm phụ trách trực liên tục trong khoảng thời gian dài nhất có thể, hạn chế tối đa tiếp xúc giữa trực ban. Các phòng ban khác thực hiện làm việc trực tuyến tại nhà.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch bố trí các tàu thường trực tìm kiếm cứu nạn ở các vị trí khác nhau, bảo đảm mỗi phương tiện hoạt động độc lập, không tiếp xúc với phương tiện hoặc các bộ phận khác trong thời gian thường trực phòng chống Covid-19. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hoạt động trực tuyến trong công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp hoạt động.

Tại Nha Trang, Trung tâm cũng thành lập Tiểu ban Phòng chống dịch Covid-19 làm đầu mối thông tin phối hợp với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại địa phương để kịp thời cập nhật mọi văn bản chỉ đạo mới nhất của tỉnh cũng như các chỉ đạo từ cơ quan cấp trên để triển khai đến toàn đơn vị.

Ngoài đặc thù phải trực chiến ở tàu, sau mỗi chuyến đi cứu nạn có yếu tố thuyền viên nước ngoài hoặc không rõ nguy cơ tình trạng của người bị nạn, các thuyền viên đều phải tự cách ly tại tàu cho tới khi có kết quả xét nghiệm âm tính của người bị nạn. 

Anh Lưu Xuân Thắng kể lại, chuyến “cách ly tại tàu” dài nhất với anh em là bốn ngày. Đó là những ngày đầu tiên khi có dịch, năng lực xét nghiệm còn hạn chế nên tốc độ trả kết quả rất chậm. Những ngày sau này, kết quả xét nghiệm có nhanh hơn, anh em nhanh chóng đảo được vị trí để đi cứu nạn.

 
Bài 4: Những chuyến cứu nạn vượt cả sóng biển lẫn “bão” Covid-19 -0

Hầu hết anh em công tác tại Trung tâm MRCC Nha Trang đều quê ngoài bắc như Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An… Nhưng có lẽ, đây là lần đầu tiên họ trải qua chuyến đi dài ngày xa nhà tới vậy.

Thuyền trưởng Lưu Xuân Thắng quê Hải Phòng kể lại, chỉ ngay sau Tết nguyên đán năm 2020, khi dịch ngấp nghé cửa ngõ Việt Nam, đơn vị đã cảnh báo “các đồng chí không di chuyển”. Đó là khi Khánh Hòa cũng phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên. Sau cái Tết ăn vội, anh trở lại đơn vị cùng anh em ứng trực 24/24.

Bảo đảm an toàn cho đơn vị, bảo đảm an toàn cho hoạt động cứu nạn không bị “tê liệt” khi có ca nhiễm, tất cả các thuyền viên trên tàu đều ăn ở tại chỗ. Bất kỳ ai khi có việc quan trọng trở về gia đình, khi quay lại tàu đều phải thực hiện cách ly y tế an toàn mới được lên tàu. “Đó là một thách thức rất lớn với công tác cứu nạn. Các kíp khi chia nhỏ nhân lực mỏng, nếu thiếu bất kỳ vị trí nào sẽ là khó khăn cho anh em còn lại. Vì thế, ai nấy đều cố gắng bám trụ các vị trí”, anh Thắng kể.

Những chuyến cứu nạn vượt cả sóng biển lẫn “bão” Covid-19 -0

Ông Bùi Văn Minh, Tổng Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cho biết, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhất là nhiều nơi trên thế giới vẫn chưa thể kiểm soát, các anh, em khi thực hiện nhiệm vụ luôn xác định tâm lý, tư tưởng vững vàng trong mọi hoàn cảnh. Trong các đợt cao điểm, khi làm nhiệm vụ cứu nạn trên biển đối với các thuyền viên nước ngoài phải đặc biệt bảo đảm các quy trình, quy định và hướng dẫn trong công tác phòng chống dịch của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam và Trung tâm.

“Quan trọng nhất là cứu người, vì thế chúng tôi thường xuyên phải chạy đua với thời gian. Cứu người giữa trùng khơi luôn gặp nhiều khó khăn. Cứu người trong bối cảnh dịch bệnh lại càng thêm thử thách. Tuy vậy, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, mẫn cán, lực lượng cứu nạn của đơn vị luôn nỗ lực bằng mọi cách tốt nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Không vì dịch bệnh mà không thực hiện nhiệm vụ cứu nạn”, ông Minh cho hay.

Trong giai đoạn dịch bùng phát và cao điểm ở Việt Nam, Trung tâm đã thực hiện cứu nạn một thuyền viên quốc tịch Thái Lan trên tàu NORDANA MALEE bị liệt mặt phải, méo miệng, huyết áp cao ngày 25/1; bảy thuyền viên tàu cá QB 985532 TS ngày 5/2; 40 thuyền viên tàu cá QNa 90337 ngày 9/2; một thuyền viên người Philippines bị đau ngực khó thở trên tàu YM ADVANCE ngày 9/2; một thuyền viên quốc tịch Philippines đi trên tàu FEDERAL CARDINAL cờ Panama, bị đau ngực, mất cảm giác dẫn đến bất tỉnh ngày 23/4 ... Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Trung tâm đã thực hiện cách ly toàn bộ thuyền viên trên tàu tìm kiếm cứu nạn theo quy định.

Ngày 27 và 28/4/2020, Trung tâm điều động tàu SAR 413 và 272 tham gia tìm kiếm cứu nạn bảy thuyền viên tàu JAGAT RAYA, quốc tịch Indonesia bị chìm tại khu vực cửa Định An. Kết quả các tàu tại hiện trường đã cứu sáu thuyền viên, tàu SAR 413 cứu hỗ trợ y tế cho hai thuyền viên hoàn toàn tuân thủ phương án tìm kiếm cứu nạn trong phòng dịch Covid -19. 

 
Bài 4: Những chuyến cứu nạn vượt cả sóng biển lẫn “bão” Covid-19 -0

Sau gần một năm rưỡi xa nhà, thủy thủ trưởng Hồ Ngọc Nam (quê Nghệ An) nhận được tin bố mất đột ngột vào sáng 8/6. Các đường bay hạn chế, sân bay Nghệ An đóng cửa. Thủy thủ trẻ nén chặt nỗi đau trong lòng xin đơn vị cho về chịu tang bố. Ngọc Nam chỉ có cách duy nhất đi chuyến bay cuối ngày ra Hà Nội, và bắt xe khách xuyên đêm về Nghệ An. “Lúc tôi về tới nhà là chín giờ sáng ngày hôm sau, cả nhà chỉ còn kịp chờ tôi thắp nén nhang rồi đưa bố ra đồng”, Nam kể lại trong nỗi đau chưa thể nguôi ngoai.

Vừa trở về đơn vị sau khi hoàn thành cách ly hai tuần, Nam cùng tàu SAR đang giong buồm ra Đà Nẵng để bảo dưỡng tàu định kỳ. Nam tâm sự, anh chỉ hối hận, những năm tháng bệnh tật cuối đời của bố, anh không được chăm sóc ông ngày nào cho tới khi qua đời. Nhưng vì công việc, anh và các đồng nghiệp không thể lơ là bất kỳ giây phút nào, sẵn sàng hy sinh những ngày nghỉ phép mỗi năm để bám trụ tàu, giữ sự bình yên cho cảng biển và tính mạng ngư dân.

Cùng với những chuyến cứu nạn "gấp đôi thử thách" trong mùa Covid-19, các chiến sĩ cứu nạn đã tự tin và hiểu biết hơn, thao tác cũng chuyên nghiệp hơn trước nên không còn sợ nguy cơ lây nhiễm như ban đầu. Những hoang mang đã dần qua, nhưng những lo lắng vẫn còn đó. Những lúc rảnh rỗi, anh em bảo nhau thường xuyên cập nhật thông tin về dịch bệnh, nắm bắt tốt thông tin chỉ đạo của cấp trên, cơ quan nhà nước trong phòng, chống dịch.

Đến ngày 10/6/2021, đã có 87/155 thuyền viên cứu nạn được tiêm vaccine mũi thứ nhất (chiếm 56,13 % tổng số thuyền viên của Trung tâm). Để anh em yên tâm công tác, Trung tâm đang cố gắng tiếp cận nguồn vaccine tiêm đủ hai mũi vaccine cho toàn bộ thuyền viên cứu nạn. Có như thế, họ mới yên tâm thực hiện nhiệm vụ cứu nạn trên biển, cùng góp phần thông thương hàng hóa qua vận tải biển trong đại dịch.

Những chuyến cứu nạn vượt cả sóng biển lẫn “bão” Covid-19 ảnh 11

Ngày xuất bản: 28-06-2021

Chỉ đạo nội dung:  NGỌC THANH

Thực hiện nội dung: HỒNG VÂN - BÍCH NGỌC

Đồ hoạ & kỹ thuật: NGUYỄN ĐĂNG 

Ảnh: THẢO LÊ - LAM TRẦN