Nguy cơ lây lan dịch bệnh khi chạy xe máy về quê tránh dịch

NDO -

Thời gian gần đây, mỗi ngày có hàng nghìn người từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam đi xe máy về miền trung để tránh dịch. Việc di chuyển tự phát bằng phương tiện cá nhân không chỉ tiềm ẩn nguy cơ làm lây lan dịch bệnh và rủi ro về tai nạn giao thông mà còn gây lúng túng cho các địa phương trong việc tiếp nhận, tổ chức cách ly y tế. 

Cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Bình dẫn đường cho người dân về quê bằng xe máy qua địa bàn.
Cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Bình dẫn đường cho người dân về quê bằng xe máy qua địa bàn.

Nguy cơ lây lan dịch bệnh

Những ngày này, cùng với việc tổ chức đón công dân ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam về quê của các địa phương, hàng nghìn người dân tìm cách rời khỏi vùng dịch bằng xe máy chở cả gia đình cùng lỉnh kỉnh đồ đạc.

Không khó bắt gặp mỗi ngày, trên đường thiên lý bắc nam, nhiều gia đình dùng xe máy chở nhau vượt hơn 1.000 km về quê ở các tỉnh Bắc Trung Bộ để tránh dịch bệnh. Trên hành trình đó, họ phải dừng lại ở nhiều chốt kiểm soát dịch của các tỉnh để khai báo y tế và nghỉ chân rồi tiếp tục di chuyển.

Cách làm chung của các tỉnh là, nếu công dân có hộ khẩu của địa phương mình thì khai báo y tế rồi đưa đi cách ly tập trung; còn công dân tỉnh khác thì hỗ trợ nước uống, bánh mì rồi tổ chức xe ô-tô trung chuyển hoặc lực lượng cảnh sát giao thông áp tải, dẫn đường đưa qua địa bàn, tránh tiếp xúc với người dân sở tại.

Mỗi ngày, chốt kiểm tra y tế tại Lăng Cô, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) đón hàng trăm người về quê bằng xe máy. Vì lượng người chờ tại chốt đông, trời nắng nóng, không khí ngột ngạt nên việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang không được thường xuyên. Thậm chí, rác thải là khẩu trang, vật dụng sinh hoạt cũng vứt bỏ bừa bãi.

Nguy cơ lây lan dịch bệnh khi chạy xe máy về quê tránh dịch -0
 Cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Trị dẫn đường cho người dân về quê bằng xe máy qua địa bàn. 

Anh Nguyễn Đình H, trú tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) cho biết: “Gia đình tôi từ thành phố Hồ Chí Minh về đây đã một ngày. Tuy nhiên, chỉ có vợ đã đăng ký trở về quê qua Hue-S nên được đưa đi cách ly ngay. Hai cha con do chưa đăng ký nên phải tá túc bên đường để chờ”.

Chị Nguyễn Thị M, ở xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc thì nghĩ về quê được cách ly ngay, nhưng do về tự phát nên cơ quan chức năng chưa chuẩn bị kịp phải chờ khá mệt mỏi. Chị M nhắn với bà con tại thành phố Hồ Chí Minh cứ đăng ký trên Hue-S khi nào được duyệt rồi mới về để khỏi mất thời gian chờ đợi và có nguy cơ nhiễm bệnh.

Còn tại chốt kiểm tra y tế Quốc lộ 1A, đóng tại xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), mỗi ngày có hàng trăm xe máy vượt hành trình dài từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ về đến tỉnh Quảng Trị. Mỗi xe máy thường có hai người, thậm chí ba, bốn người khi có trẻ nhỏ đi cùng.

Lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Trị phát cơm, nước, đổ xăng miễn phí cho mọi người và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Sau khi phân luồng, khai báo y tế, người trong tỉnh thì được đưa đi cách ly tập trung, người ngoài tỉnh được Công an tỉnh Quảng Trị dẫn đường trong trật tự để qua khỏi địa bàn.

Nguy cơ lây lan dịch bệnh khi chạy xe máy về quê tránh dịch -0
 Người dân các tỉnh Bắc Trung Bộ chạy xe máy từ TP Hồ Chí Minh về quê tránh dịch đến đỉnh đèo Hải Vân vào rạng sáng 25/7. 

Bác sĩ Lê Phước Nho, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hải Lăng cho biết, từ ngày 26 đến 30/7 có hơn 900 người dân tỉnh Quảng Trị về quê đều được kịp thời đưa đi cách ly tập trung. Cơ quan chức năng làm việc tại chốt 24/24 giờ với nhiều nỗ lực để hạn chế tối thiểu nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.

Tiếp nhận đoàn người đi xe máy tự phát về quê, các cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Bình trực tại chốt kiểm tra y tế tại xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy phối hợp với các lực lượng phân luồng để xử lý.

Thượng tá Võ Văn Chính, chốt trưởng cho biết, có nhiều đoàn từ miền nam trở về quê qua chốt lúc nửa đêm, số lượng người và phương tiện đông, gây khó khăn trong công tác kiểm soát và thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Tuy vậy, lực lượng trực tại chốt tích cực hướng dẫn, hỗ trợ cho các đoàn đi qua địa bàn tỉnh bảo đảm quy định phòng, chống dịch bệnh và an toàn giao thông.

Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Bình, thời gian gần đây có hơn 300 người đi xe máy từ các tỉnh, thành phố phía nam về quê và được cách ly y tế tập trung. Trong số đó có nhiều trẻ em và một số phụ nữ đang mang thai. Cá biệt, có trường hợp chuyển dạ khi đang thực hiện cách ly y tế tập trung nên được chuyển ngay tới bệnh viện để phẫu thuật sinh con.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh, việc người dân về quê bằng xe máy rất vất vả, mệt mỏi, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh và mất an toàn giao thông. Nếu những người trong số đó bị nhiễm virus SARS-CoV-2 mà không được cách ly điều trị kịp thời làm lây lan cho cộng đồng thì sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.

Riêng tại tỉnh Thừa Thiên Huế, bước đầu ghi nhận hơn 20 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong số người đi xe máy về quê. Mặt khác, việc công dân từ vùng có dịch tự ý trở về địa phương bằng phương tiện cá nhân sẽ khiến chính quyền các cấp bị động trong việc tiếp nhận, cách ly phù hợp.

Không nên tự ý về quê

Để chia sẻ khó khăn với người dân ở các thành phố, địa phương phía nam đang bị dịch bệnh, các tỉnh miền trung có nhiều cách làm linh hoạt trên cơ sở nguồn lực và đặc điểm của địa phương.

Tỉnh Quảng Bình chưa tổ chức đón người dân về quê mà tìm cách hỗ trợ tối đa cho người dân tại chỗ ứng phó với dịch bệnh. Thông qua Hội đồng hương Quảng Bình tại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh đã hỗ trợ 3,5 tỷ đồng cho người dân khó khăn với mức mỗi hộ một triệu đồng. Người dân của tỉnh chung tay đóng góp lượng lớn lương thực, thực phẩm gửi vào cho các gia đình gặp khó khăn.

Nguy cơ lây lan dịch bệnh khi chạy xe máy về quê tránh dịch -0
 Chính quyền huyện Phú Lộc và lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã sắp xếp cho người dân nghỉ lưng trên đỉnh đèo Hải Vân, tiếp tế thực phẩm và giúp đỡ tiếp tục hành trình. 

Dù chưa có phương án đón công dân về từ vùng dịch song với những người đi xe máy về quê, tỉnh tổ chức đón, cách ly có trả phí một cách chu đáo. Các khu cách ly trong tỉnh tiếp tục được kích hoạt để đón người trở về quê bằng xe máy trong những ngày tới.

Tỉnh Quảng Trị cũng phối hợp với Hội đồng hương Quảng Trị tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đón gần 400 người có hoàn cảnh khó khăn về quê đợt một. Một số khách sạn cũng được sắp xếp để cho những người có nguyện vọng về quê để tổ chức cách ly có trả phí.

Trong khi đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức 2 đợt đón 615 công dân có hoàn cảnh khó khăn tại thành phố Hồ Chí Minh về bằng máy bay và tàu hỏa. Hiện, tổng quy mô cách ly toàn tỉnh là 10.000 chỗ, trong khi đang cách ly hơn 8.000 người về từ vùng dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, vừa kích hoạt 16 khu cách ly với sức chứa hơn 6.000 người để đón lượng người tự ý về quê; đồng thời tỉnh yêu cầu huyện Phú Lộc mở rộng khu cách ly về tới cấp xã làm thí điểm để triển khai toàn tỉnh.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh Bắc Trung Bộ kêu gọi người dân không tự ý rời khỏi vùng dịch về địa phương bằng các phương tiện cá nhân, vi phạm nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh.

Nguy cơ lây lan dịch bệnh khi chạy xe máy về quê tránh dịch -0
 Hiện dòng người từ TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục hành trình về quê để tránh dịch, có nguy cơ lây nhiễm cao. 

Đồng thời, với nguồn lực, điều kiện về cơ sở vật chất và y tế của các tỉnh trong khu vực còn hạn chế, trong khi đang dồn lực phòng chống dịch Covid-19 ngay tại địa phương, các tỉnh chưa thể đón cùng lúc tất cả công dân gặp khó khăn về quê mà trước hết ưu tiên đón các trường hợp đặc biệt khó khăn.

Nếu công dân ồ ạt trở về quê tự phát bằng phương tiện cá nhân sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho chính quyền và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng.

Chính quyền các địa phương khuyến cáo người dân đang sinh sống tại các địa phương có dịch hãy bình tĩnh, phối hợp với chính quyền nơi cư trú để từng bước đẩy lùi dịch bệnh. Các tỉnh sẽ tiếp tục có biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh.

Hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19