Ngày 23-6, kết thúc đợt nắng nóng gay gắt ở Bắc Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của gió mùa tây nam hoạt động mạnh, hôm nay (22/6), ở vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau và vùng biển phía tây bắc quần đảo Trường Sa có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; sóng biển cao 2 - 3 m; biển động. 

Nắng nóng gay gắt tại tỉnh Thanh Hóa, có nơi trên 40oC. Ảnh: TRUNG VŨ
Nắng nóng gay gắt tại tỉnh Thanh Hóa, có nơi trên 40oC. Ảnh: TRUNG VŨ

Khu vực nam Biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, từ Cà Mau, Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên các vùng biển phía nam có khả năng kéo dài 2-3 ngày tới.

Ngoài ra, từ đêm 22 đến hết đêm 25/6, ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, với lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm/đợt, có nơi hơn 250 mm/đợt. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi.

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp nóng phía tây bị nén dịch dần xuống phía nam kết hợp hiệu ứng phơn mạnh, cho nên hôm nay (22/6), ở Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37 - 40oC, có nơi hơn 40oC. Dự báo, từ ngày 23/6, nắng nóng diện rộng kết thúc ở Bắc Bộ và có xu hướng dịu dần ở các tỉnh Trung Bộ.

* Chiều 21/6, Ban chỉ đạo T.Ư về PCTT đã có Công văn số 292/VPTT gửi Ban chỉ huy PCTT các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa về việc chủ động ứng phó mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh. Theo đó, yêu cầu: Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thường xuyên thông báo, hướng dẫn kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do các hiện tượng thời tiết xấu, nhất là dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và mưa lớn; lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi. Tổ chức kiểm tra rà soát nơi ở của người dân, sẵn sàng các phương án ứng phó, tránh bị động khi có tình huống thiên tai xảy ra. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.

* Huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đang tập trung khôi phục gần 700 ha lúa hè thu bị thiệt hại do bão số 2 vừa qua.  Trận mưa gây thiệt hại lớn, làm chậm lịch thời vụ, nguy cơ ngập lụt vào thời điểm cuối vụ. Hiện toàn huyện còn hơn 250 ha chưa gieo cấy, chủ yếu tại các vùng thấp trũng chưa tiêu thoát nước. Huyện chỉ đạo các địa phương khẩn trương khơi thông dòng chảy, bơm tiêu thoát nước để tiến hành gieo cấy bảo đảm mục tiêu đạt gần 8.000 tấn lúa cho vụ hè thu năm nay.

* Để ổn định đời sống người dân vùng sạt lở tại tỉnh Quảng Nam, đến cuối tháng 4-2021, Khu dân cư Bằng La - Trà Leng đã được bàn giao cho những người dân bị mất nhà cửa do sạt lở đất ở Trà Leng sử dụng. Khu tái định cư rộng 6 ha, phân lô xây nhà và các công trình công cộng. Diện tích mỗi nhà 50,4 m2, được xây dựng mô hình nhà sàn truyền thống của đồng bào nơi đây. Khu tái định cư còn có nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống đường giao thông nội bộ, cấp nước sinh hoạt và điện.

* Tại tỉnh Bắc Giang, các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Dũng, Việt Yên và TP Bắc Giang đang ở cấp dự báo cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm. Khu vực các huyện Sơn Động, Yên Thế, Tân Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang cấp dự báo cháy rừng cấp IV (cấp nguy hiểm). Chi cục Kiểm lâm tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, đôn đốc chính quyền cấp xã, các chủ rừng và lực lượng kiểm lâm cơ sở thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.