Chuyến tàu ngày cuối năm

NDO -

Chỉ còn vài giờ nữa là đến giao thừa, khi nhà nhà đang cùng nhau quây quần chờ đợi thời khắc quan trọng và thiêng liêng nhất trong năm, thì tại sân ga Hà Nội, vẫn còn đó nhiều người đang khắc khoải trông đợi những chuyến tàu cuối cùng để về nhà đón Tết. Mỗi người là một câu chuyện khác nhau, nhưng trong họ vào thời khác này đều có một niềm mong ước duy nhất là kịp lên chuyến tàu để chờ đợi giây phút đoàn viên. 

Chuyến tàu ngày cuối năm

Chuyến tàu cuối năm đong đầy trách nhiệm

Ga Hà Nội ngày cuối cùng của năm rất vắng vẻ, dường như mọi người đã về quê từ nhiều ngày trước để chuẩn bị cho những giây phút đoàn viên. Ngồi trên băng ghế chờ của nhà ga, cậu thanh niên Nguyễn Trọng Minh Chính liên tục nhìn vào điện thoại để chờ đến giờ lên chuyến tàu đoàn viên của mình.

Tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông-Vận tải, Chính hiện đang công tác tại một cơ quan nhà nước, mang hành trang chuẩn bị trở về thành phố Vinh để đón Tết cùng gia đình. Trong quá trình công tác, gần đến Tết thì Chính được thông tin nằm trong diện F1 nên quyết định ở lại Hà Nội và cách ly thêm một tuần, bảo đảm an toàn trước khi về quê.  

Chính chia sẻ: "Cuộc sống đi làm xa nhà sau một năm nhiều biến động và căng thẳng, chỉ muốn chạy về thật nhanh đón Tết cùng gia đình." Các thành viên trong gia đình đang đợi Chính ở quê cũng động viên, nhưng nghĩ đến trách nhiệm vì sự an toàn và sức khỏe của người thân, họ hàng nên em quyết định ở lại nhà trọ thêm một thời gian rồi mới lên đường về nhà. “Bây giờ sức khoẻ của gia đình là quan trọng nhất, em chỉ hy vọng một mùa xuân nhiều sức khoẻ, ai cũng được an toàn”, Chính tâm sự.

Chuyến tàu ngày cuối năm -0
 Nguyễn Trọng Minh Chính (24 tuổi, Quan Hoa, Hà Nội)

Chuyến tàu mang cả niềm thương

Cách đó vài hàng ghế, một người phụ nữ dáng người khắc khổ cứ dăm phút lại đứng lên rồi lại ngồi xuống, mắt nhìn xa xăm như mang nặng tâm tư của một người xa xứ. Đó là cô Phạm Thị Tuyên (62 tuổi) quê ở xã Gia Phụ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Hành lý những ngày cuối năm của cô chỉ là chiếc ba lô nhỏ, bên trong vẻn vẹn vài bộ quần áo. Đây cũng là tất cả hành trang của một người phụ nữ bôn ba từ Hà Tĩnh lên thủ đô để để chữa bệnh cho người cháu.

Khi xóm làng đang vui vầy bên làn khói bánh chưng, bà Tuyên và con dâu phải tất tả đưa đứa cháu nội 6 tháng tuổi lên Hà Nội cấp cứu. Cháu nội bà không may mắc bệnh tim bẩm sinh, đến gần Tết thì trở nặng. Gia cảnh khó khăn, con trai nằm liệt giường do tai nạn lao động, bà Tuyên phải đưa con dâu và cháu lên Thủ đô.

Nhưng đến nơi thì bà lại phải ở bên ngoài do quy định của bệnh viện phòng chống dịch chỉ cho một người vào thăm nuôi. Con dâu ở với con, bà lại không có chỗ ăn, chỗ ngủ. Đến ngày cuối cùng của năm, bà Tuyên quyết định về quê để lo Tết cho gia đình.

Vừa bận tâm chuyện cháu nội ở viện, vừa lo lắng con dâu phải bươn chải một mình, cái Tết quê nhà lại làm nặng trĩu đôi mắt của bà. “Tôi lo lắng lắm, nhưng cũng phải cố gắng để về quê với con trai. Ở nhà quê không có mình thì Tết cũng khó khăn”. 

Đưa mắt xa xăm nhìn bảng điện báo giờ tàu chạy, bà Tuyên thì thầm: “Chút nữa là tới giờ được về nhà rồi. Cũng sắp năm mới, mong rằng năm sau sẽ thật nhiều điều tươi sáng.”

Chuyến tàu ngày cuối năm -0
 Cô Phạm Thị Tuyên (62 tuổi, xã Gia Phụ, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh)

Đi xa để thấy đất nước mình đẹp hơn

Đối với những chuyến đi cuối năm, tàu hỏa dường như là phương tiện lựa chọn cuối cùng. Nhiều người không kịp đón xe khách, có người thì không đủ kinh phí đi máy bay. Nhưng đối với cụ ông Phạm Tiến Thông (84 tuổi), đây là một sự lựa chọn vô cùng thú vị.

Ở lứa tuổi “xưa nay hiếm”, cụ ông quyết định vào Thành phố Hồ Chí Minh thăm con cháu của mình bằng phương tiện tàu hỏa để được “trải nghiệm” hành trình xuyên Việt mà thời trẻ mình hằng ao ước. “Đất nước mình đẹp lắm, tôi chọn tàu hỏa để nhìn thấy được những cảnh đẹp của quê hương”, cụ Thông chia sẻ.

Mỗi vùng miền đều có những cách đón Tết khác nhau, chính vì thế cụ muốn được nhìn thấy và chiêm ngưỡng tận mắt. Tinh thần học hỏi của cụ ông ngoài 80 dường như là vô hạn. “Tôi chấp nhận đến đón Tết trễ, có thể sẽ đến nơi vào ngày mùng 2, nhưng đây là trải nghiệm đặc biệt, một cái Tết đặc biệt nhất của tôi”.

Hơn nữa, tàu hỏa ít người, sẽ là một sự lựa chọn an toàn trong phòng chống dịch. Chỉ vào hành lý của mình, cụ Thông vui vẻ tươi cười và háo hức như một người trẻ tuổi trước chuyến “du xuân” đặc biệt của mình. Nụ cười của cụ như làm sáng rỡ và mang lại mùa xuân cho nhà gà Hà Nội vào giờ phút đặc biệt nhất của năm.

Chuyến tàu ngày cuối năm -0
Cụ Phạm Tiến Thông (84 tuổi, Bùi Thị Xuân, Hà Nội)