Bình Dương nỗ lực kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh

NDO -

Xét nghiệm trên diện rộng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, tỉnh Bình Dương đang ghi nhận ca bệnh tăng trong những ngày gần đây. Theo khẳng định của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, ca bệnh có tăng nhưng tỉnh vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Lấy mẫu xét nghiệm để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng tại phường An Phú.
Lấy mẫu xét nghiệm để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng tại phường An Phú.

Tính từ đợt dịch thứ tư đến chiều 20/8, tỉnh Bình Dương ghi nhận 59.824 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Trong đó, có 5.390 ca bệnh phát hiện qua khám tại cơ sở y tế; 17.997 ca bệnh phát hiện trong khu cách ly tạm thời cho người xét nghiệm nhanh dương tính; 21.761 ca bệnh phát hiện trong khu phong tỏa; 12.922 ca trong cộng đồng (chợ, khu không phong tỏa). 

Vì sao ca bệnh tăng?

Đáng chú ý, trong ba ngày, từ 18 đến ngày 20/8, ca bệnh ghi nhận tại Bình Dương tăng rất cao: ngày 18/8 ghi nhận 2.513 ca; ngày 19/8 ghi nhận 3.255 ca và ngày 20/8 ghi nhận 4.223 ca.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương, cho biết: F0 trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu tăng nhanh là do tỉnh đang thực hiện chiến lược xét nghiệm diện rộng đợt 2 trong cộng đồng để bóc tách F0 bắt đầu từ ngày 2/8. Theo đó, từ ngày 2/8 đến nay, các địa phương đã xét nghiệm nhanh và làm xét nghiệm PCR cho 821.527 người, qua đó phát hiện có 22.386 trường hợp dương tính.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh triển khai lấy mẫu PCR cho 111.549 công nhân tại 120 công ty trong các khu công nghiệp, kết quả có 275 trường hợp dương tính. Tính cả hai đợt xét nghiệm diện rộng để tách F0, từ ngày 17/7 đến nay, tỉnh Bình Dương đã xét nghiệm cho 2.456.203 người, đã phát hiện 35.328 người nghi nghờ mắc Covid-19. 

Số ca mắc tăng cao khi tỉnh thực hiện chiến lược xét nghiệm diện rộng chứng tỏ Bình Dương đã đánh giá đúng nguy cơ dịch bệnh, rà soát đúng đối tượng, không để bị sót lọt F0 trong cộng đồng. Nếu tỉnh tăng cường các biện pháp chống dịch mà không phát hiện được ca bệnh thì coi như các biện pháp chống dịch của tỉnh không hiệu quả.

Lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương cũng cho biết, việc điều trị cho người mắc Covid-19 của tỉnh đang có nhiều chuyển biến tích cực, số ca bệnh điều trị được xuất viện trong những ngày qua tăng rất nhanh. Ngày 19/8, có 7.154 bệnh nhân Covid-19 xuất viện; ngày 20/8 có 4.951 ca, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 được điều trị đã xuất viện tại Bình Dương lên 27.147 người. 

“Khóa chặt, đông cứng” vùng đậm đặc F0

Để ứng phó tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã đưa ra nhóm 5 công việc ưu tiên hàng đầu mang tính cấp thiết hiện nay.

Đó là: bảo vệ “vùng xanh”, tấn công “vùng đỏ; thực hiện nghiêm và rất nghiêm giãn cách xã hội; chăm lo an sinh xã hội cho người dân là trọng yếu, thường xuyên; xét nghiệm là giải pháp then chốt; giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển biến nặng và số ca tử vong là ưu tiên hàng đầu. 

Bảo vệ “vùng xanh”, các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Dầu Tiếng và thị xã Bến Cát đang thống nhất thực hiện mô hình ba xanh: “Nhà máy xanh, Nhà trọ xanh và Công nhân xanh” nhằm đưa các hoạt động của đời sống xã hội trở về trạng thái bình thường mới từ ngày 1/9, từ đó bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. 

“Vùng đỏ” của Bình Dương gồm TP Thủ Dầu Một, TP Dĩ An, TP Thuận An và thị xã Tân Uyên. Xác định hai “vùng đỏ đậm đặc” về dịch bệnh Covid-19 là TP Thuận An và thị xã Tân Uyên, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo, có phương án thắt chặt, khóa chặt giãn cách đến hết ngày 15/9 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, địa phương cần lên phương án triển khai lực lượng tiến hành phong tỏa chặt cả bên trong lẫn bên ngoài theo tinh thần “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, không để xảy ra tình trạng người địa phương này đến địa phương khác và ngược lại. 

Ngày 19/8, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã giao Đảng bộ, Chính quyền TP Thuận An và thị xã Tân Uyên triển khai “khóa chặt, đông cứng” ngay các khu dân cư ở 11 phường đậm đặc F0 trong vòng 15 ngày để thực hiện xét nghiệm sàng lọc, bóc tách nhanh F0 ra khỏi cộng đồng từ ngày 22/8 theo nguyên tắc khóa chặt 24/24 giờ không cho người dân ra khỏi nhà “ai ở đâu ở yên đó”, cách ly tuyệt đối “người cách ly người, nhà cách ly nhà,…”.

11 phường có khu dân cư đậm đặc F0 phải thực hiện “khóa chặt, đông cứng” trong vòng 15 ngày, gồm các phường Bình Chuẩn, Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa thuộc TP Thuận An và các phường Uyên Hưng, Hội Nghĩa, Tân Phước Khánh, Thái Hòa, Khánh Bình, Tân Vĩnh Hiệp và Tân Hiệp thuộc thị xã Tân Uyên.

Giao Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh căn cứ vào thực tế nguồn nhân lực khẩn trương điều phối, bổ sung thêm lực lượng cho TP Thuận An, thị xã Tân Uyên để bảo đảm an ninh trật tự; tuần tra, kiểm tra thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch trong thời gian thực hiện “khóa chặt, đông cứng” các phường nêu trên.

Giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức, bố trí lại các khu cách ly, thu dung ở gần TP Thuận An và thị xã Tân Uyên để kịp thời hỗ trợ nhanh cho các địa phương trong tiếp nhận, thu dung các trường hợp F0 khi có kết quả sàng lọc. 

Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cũng giao ngành y tế tỉnh khẩn trương điều phối, bổ sung lực lượng lấy mẫu cho TP Thuận An và thị xã Tân Uyên trong xét nghiệm sàng lọc bóc tách F0; có phương án đến từng nhà để xét nghiệm và tiêm vaccine đối với 11 phường nêu trên; triển khai bố trí nhanh phương án trạm y tế di động tại các địa phương. Trước mắt, bố trí ngay các trạm y tế di động tại 11 phường của TP Thuận An, thị xã Tân Uyên để bảo đảm việc khám, chữa bệnh, cung cấp thuốc cho người dân…

Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cho biết, đến hôm nay, tỉnh Bình Dương vẫn kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Vấn đề hiện nay là việc thu dung điều trị.

Hiện, công tác thu dung điều trị đã tổ chức tốt hơn ở tầng 1, tầng 2 và tầng 3. Tầng 1 khoảng hơn 20.000 giường bệnh, tầng 2 gần 3.000 giường bệnh sẵn sàng và tầng 3 thì có hai bệnh viện khoảng hơn 600 giường bệnh. Như vậy, việc điều trị đang được tổ chức lại một cách nhịp nhàng, chất lượng để phối hợp giữa các tầng điều trị nhằm mục tiêu phải giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân. 

Do Bình Dương có số lượng người lao động nơi khác đến ở nhà trọ là chính nên tỉnh phải tổ chức nhiều bệnh viện dã chiến hơn nữa để tất cả các bệnh nhân nếu không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì phải được thu dung và điều trị được hết tất cả các ca bệnh. 

Dẫn lại số liệu đến nay tỉnh Bình Dương đã có hơn 27.000 ca bệnh được ra viện, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho rằng, tỉnh Bình Dương sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để mở ra nhiều bệnh viện có mặt bằng lớn nhằm tập trung thu dung điều trị hiệu quả cho toàn bộ người bị bệnh.

Dồn sức dập dịch tại các tỉnh thành phía nam