Bảo đảm bí mật thông tin cá nhân trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở

NDO -

NDĐT - Từ 0 giờ ngày 1-4, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 chính thức bắt đầu và kéo dài trong 25 ngày. Trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm nay, một trong những điểm mới là áp dụng hai hình thức thu thập thông tin mới: điều tra bằng phiếu điện tử trên thiết bị di động và điều tra bằng phiếu trực tuyến sử dụng internet. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê), thông tin cụ thể với bạn đọc.

Đồ họa: Đăng Phi.
Đồ họa: Đăng Phi.

Phóng viên: Thưa ông Nguyễn Tuấn Anh, mục đích của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là gì? Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của đợt Tổng điều tra dân số lần thứ năm này?

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê), Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương: Xin nói rõ rằng, Tổng điều tra dân số và nhà ở (TĐTDS và NƠ) là Tổng điều tra thống kê quốc gia được thực hiện 10 năm một lần, với quy mô lớn nhất trong các cuộc Tổng điều tra thống kê quốc gia.

TĐTDS và NƠ năm 2019 nhằm thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở, phục vụ việc tổng hợp và biên soạn các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia được quy định trong Luật Thống kê; phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển dân số và nhà ở trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. TĐTDS và NƠ năm 2019 cũng đáp ứng nhu cầu thông tin đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.

Bên cạnh đó, Tổng điều tra còn phục vụ công tác giám sát thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết; cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp về dân số; xây dựng dàn mẫu chủ phục vụ các cuộc điều tra hộ dân cư.

Bảo đảm bí mật thông tin cá nhân trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở ảnh 1

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê (Ảnh: Ngân Anh).

Phóng viên: Ông có thể thông tin thêm cho bạn đọc về công tác chuẩn bị của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 tới thời điểm hiện tại? Trong quá trình chuẩn bị cho sự kiện thống kê quan trọng này, chúng ta có gặp khó khăn, vướng mắc nào?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Điều đặc biệt là, cuộc Tổng điều tra này được đặt trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các công đoạn của Tổng điều tra và áp dụng các phương pháp luận điều tra mới của thế giới. TĐTDS và NƠ năm 2019 đã được chuẩn bị từ rất sớm. Trong đó, tập trung nhất trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019.

Thời gian qua, một số nhóm công việc đã được chuẩn bị tích cực.

Trước hết, tổ chức và bộ máy chỉ đạo chuẩn bị và thực hiện Tổng điều tra từ Trung ương đến địa phương đã được hoàn thiện.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cơ quan thường trực thực hiện Tổng điều tra - đã nghiên cứu thiết kế phương pháp luận Tổng điều tra theo hướng phù hợp với yêu cầu thông tin và điều kiện áp dụng của Việt Nam. Đồng thời bảo đảm phương pháp luận quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin giúp nâng cao chất lượng thông tin, giảm thời gian sản xuất số liệu, giảm kinh phí Tổng điều tra.

Tiếp theo, hàng loạt công tác nghiệp vụ để chuẩn bị Tổng điều tra đã được triển khai. Cụ thể như: Thiết kế các loại phiếu hỏi, các loại phần mềm ứng dụng, xây dựng các tài liệu hướng dẫn và thực hiện tập huấn cho lực lượng tham gia Tổng điều tra; phân chia địa bàn điều tra thống kê và vẽ sơ đồ nền xã/phường; lập và cập nhật bảng kê hộ trong hai giai đoạn; xây dựng mạng lưới Tổng điều tra và phân quyền cho lực lượng tham gia Tổng điều tra trên hệ thống quản lý điện tử tập trung của Tổng điều tra, thử nghiệm và hoàn thiện toàn bộ hệ thống…

Ngoài ra, còn có việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, bao gồm hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền dữ liệu, bảo mật thông tin…; thực hiện các thủ tục hành chính phục vụ chuẩn bị và tổ chức Tổng điều tra; xây dựng kế hoạch truyền thông để tuyên truyền Tổng điều tra trong các giai đoạn cụ thể.

Đến thời điểm hiện nay, công tác chuẩn bị Tổng điều tra đã hoàn thành và sẵn sàng cho ngày 1-4-2019.

Cũng phải nói rằng, công tác chuẩn bị cũng gặp không ít khó khăn. TĐTDS và NƠ năm 2019 là Tổng điều tra đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn của Tổng điều tra. Đó là từ chuẩn bị xây dựng mạng lưới, thu thập thông tin, kiểm tra và nghiệm thu số liệu, xử lý số liệu đến công bố kết quả Tổng điều tra. Cải tiến Tổng điều tra theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin sẽ mang đến những lợi ích to lớn trong việc nâng cao chất lượng thông tin, rút ngắn thời gian sản xuất và công bố số liệu, minh bạch quá trình sản xuất thông tin thống kê và giảm chi phí trong dài hạn.

Tuy vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại và cần sự giúp sức từ rất nhiều cơ quan có liên quan.

Phóng viên: Vậy, điểm khác biệt đáng chú ý của TĐTDS và NƠ năm nay so với đợt Tổng điều tra năm 2009 là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Chúng ta đều biết, TĐTDS và NƠ năm 2009 chỉ sử dụng phương pháp điều tra trực tiếp. Cụ thể là, điều tra viên thống kê phỏng vấn trực tiếp đối tượng điều tra và ghi chép thông tin.

TĐTDS và NƠ năm 2019 áp dụng cả hai phương pháp. Đó là điều tra trực tiếp và điều tra gián tiếp (hộ dân cư tự cung cấp thông tin về dân số và nhà ở thông qua phiếu điều tra trực tuyến).

Điểm quan trọng là, TĐTDS và NƠ năm 2019 áp dụng hai hình thức thu thập thông tin mới: điều tra bằng phiếu điện tử trên thiết bị di động (còn gọi là CAPI) và điều tra bằng phiếu trực tuyến sử dụng internet (còn gọi là webform). Việc cải tiến này đem lại những lợi ích thiết thực trong nâng cao chất lượng số liệu, tăng tính minh bạch và chặt chẽ của quy trình sản xuất thông tin thống kê, rút ngắn thời gian công bố kết quả Tổng điều tra, giảm kinh phí điều tra thống kê trong dài hạn và phù hợp với xu hướng tổ chức điều tra của thế giới.

Tuy nhiên, đổi mới này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với ngành Thống kê trong thực hiện cuộc Tổng điều tra này. Hình thức webform có nhiều ưu điểm như giảm tải công việc của điều tra viên thống kê, giảm chi phí điều tra và giảm thời gian các hộ tham dự phỏng vấn.

Phóng viên: Thưa ông, cuộc Tổng điều tra dân số lần này nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía các tổ chức quốc tế như thế nào?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã hỗ trợ kỹ thuật cho TĐTDS và NƠ lần này. Đây cũng là cuộc TĐTDS và NƠ lần thứ năm UNFPA có hỗ trợ cho Việt Nam. Trong thời gian qua, Tổng cục Thống kê có sự phối hợp rất chặt chẽ với UNFPA để bảo đảm rằng, hỗ trợ của UNFPA đáp ứng đúng nhu cầu và ưu tiên của Chính phủ cho Tổng điều tra năm 2019. Tổng điều tra năm 2019 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, nguồn tài trợ ODA giảm nhiều, nhưng UNFPA vẫn ưu tiên dành nguồn ngân sách thỏa đáng hỗ trợ cho Tổng điều tra.

Trong cuộc Tổng điều tra lần này, UNFPA đã hỗ trợ Tổng cục Thống kê trong nhiều hoạt động chuẩn bị, như chia sẻ những hướng dẫn kỹ thuật của Liên hợp quốc về tiến hành TĐTDS và NƠ vòng 2020, hỗ trợ thiết kế mẫu cho phiếu dài của Tổng điều tra, hỗ trợ giai đoạn đầu thử nghiệm dùng máy tính bảng, điện thoại thông minh thu thập số liệu, hỗ trợ xây dựng tài liệu Tổng điều tra và nhiều hoạt động khác. UNFPA cũng sẽ hỗ trợ Tổng cục Thống kê trong phân tích và phổ biến kết quả Tổng điều tra.

Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục phối hợp để sử dụng hỗ trợ của UNFPA trong phân tích, tổng hợp và công bố kết quả Tổng điều tra, sử dụng các kết quả của Tổng điều tra cho tư vấn và xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia cũng như giám sát các SDG để bảo đảm “Không ai bị bỏ lại phía sau”.

Phóng viên: Một số người dân cũng chưa nắm rõ về quy trình tự cung cấp thông tin qua ứng dụng điện thoại và internet trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm nay. Ông có thể thông tin cho bạn đọc chi tiết hơn về nội dung này?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Điều tra bằng phiếu trực tuyến sử dụng internet (webform) là hình thức thu thập thông tin mới, lần đầu tiên được áp dụng trong Tổng điều tra. Do đó, việc kiểm tra, giám sát chất lượng thông tin do các hộ dân cư tự cung cấp là vấn đề quan trọng mà Tổng cục Thống kê đã tính tới.

Trong tháng 11 và 12 năm 2018, người lập bảng kê đã đến từng hộ dân cư để ghi nhận một số thông tin ban đầu về số nhân khẩu đang thực tế thường trú tại các hộ. Trong giai đoạn này, hộ dân cư được nghe giới thiệu về phương pháp tự cung cấp thông tin qua internet trên Trang thông tin điện tử của Tổng điều tra; nếu có nhu cầu, hộ đăng ký đồng thời cung cấp số điện thoại cho người lập bảng kê. Sau đó, ngày 31-3-2019, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương sẽ gửi tin nhắn điện thoại thông báo địa chỉ truy cập, tên tài khoản và mật khẩu đăng nhập tới các hộ đã đăng ký.

Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng, thực tế, các quy định về nghiệp vụ liên quan tới TĐTDS và NƠ là khá phức tạp, đặc biệt là các quy định liên quan tới xác định nhân khẩu thực tế thường trú tại hộ. Do đó, để bảo đảm các thông tin hộ tự cung cấp là chính xác, theo đúng quy định về nghiệp vụ, phiếu hỏi trên Trang thông tin điện tử được thiết kế với các hướng dẫn rất chi tiết, cụ thể và có lồng ghép các kiểm tra về logic giữa các thông tin mà hộ cung cấp. Do đó, người cung cấp thông tin chỉ cần thực hiện lần lượt theo hướng dẫn là có thể tự cung cấp thông tin đầy đủ cho Tổng điều tra.

Ngoài ra, sau khi các hộ hoàn thiện việc tự cung cấp thông tin, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp xã cũng có trách nhiệm kiểm tra lại tính logic, chính xác của các thông tin này trước khi nghiệm thu. Nếu nhận thấy các thông tin mà hộ cung cấp chưa hợp lý hoặc chưa đúng với thực tế tại địa phương, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp xã có trách nhiệm xác minh lại những thông tin này bằng cách gọi điện thoại hoặc trực tiếp đến hộ.

Phóng viên: Ông có thể thông tin cụ thể về thời điểm, thời gian thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Thời điểm điều tra là 0 giờ ngày 1-4-2019. Thời gian thu thập thông tin tại địa bàn trong 25 ngày, bắt đầu từ sáng ngày 1-4-2019 và kết thúc chậm nhất vào ngày 25-4-2019.

Ban Chỉ đạo Tổng điều tra xã, phường, thị trấn tổ chức lực lượng để điều tra những người lang thang, cơ nhỡ và những người sống bằng nghề trên mặt nước không có nhà trên bờ, không có bến gốc đang có mặt trong phạm vi xã, phường, thị trấn quản lý vào ngày điều tra đầu tiên (ngày 1-4-2019).

Phóng viên: Một trong những băn khoăn khác là những thông tin cá nhân được người dân cung cấp cho điều tra viên thống kê có được giữ kín, được bảo mật an toàn trên hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Thống kê không? Liệu thông tin đó có được sử dụng cho các mục đích khác?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Xin khẳng định rằng, “Bảo mật dữ liệu, thông tin thống kê” là một trong những nguyên tắc cơ bản của sử dụng dữ liệu và thông tin thống kê. Theo quy định tại khoản 2b, Điều 34, Luật Thống kê, điều tra viên thống kê có nghĩa vụ “Giữ bí mật thông tin thu thập từ tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê”. Ngoài ra, Điều 57 Luật Thống kê cũng quy định rất cụ thể về vấn đề bảo mật thông tin thống kê Nhà nước.

Do đó, những thông tin cá nhân mà người dân cung cấp cho điều tra viên thống kê sẽ được bảo đảm giữ bí mật, chỉ được sử dụng để phục vụ cho mục đích nghiên cứu, quản lý và điều hành chính sách chung; không sử dụng thông tin chi tiết của từng cá nhân cho các mục đích khác.

Tất cả các cuộc Tổng điều tra và điều tra thống kê đều thực hiện công tác số hóa dữ liệu. Tuy nhiên, đối với TĐTDS và NƠ năm 2019, công tác số hóa được thực hiện đồng thời (song song) với quá trình thu thập thông tin.

Cùng với đó, một số yêu cầu cụ thể về việc bảo mật dữ liệu Tổng điều tra cũng đã được quy định cụ thể đối với từng điều tra viên thống kê, giám sát viên và các cấp quản lý. Dữ liệu Tổng điều tra được quản lý tập trung và sử dụng phân tán theo phân quyền cho từng cấp; dữ liệu đã được thu thập và gửi về máy chủ của Tổng điều tra và sử dụng cho công tác kiểm tra, không chuyển ngược dữ liệu từ máy chủ về các thiết bị cá nhân. Do vậy, dữ liệu tổng thể của Tổng điều tra sẽ bảo đảm được bảo mật.

Trân trọng cảm ơn ông!

* Ngày 26-6-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 772/QĐ-TTg về tổ chức Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Và tiếp đó, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương đã ban hành phương án TĐTDS và NƠ năm 2019.

Về tổ chức, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp tỉnh, huyện, xã là Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp tỉnh, huyện, xã.

Đến nay, đã có ba Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp Bộ (Quốc phòng, Công an và Ngoại giao), 63 Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp tỉnh, 712 Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp huyện, 11.165 Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp xã đã được thành lập để chỉ đạo, chuẩn bị và thực hiện Tổng điều tra.

Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) là cơ quan thường trực thực hiện Tổng điều tra.