Những giá trị ấy luôn luôn được đề cao và vun đắp trong cuộc sống hiện tại, trong đó người cao tuổi giữ vai trò vô cùng quan trọng. Trước hết họ là những tấm gương sáng về đạo đức lối sống, về sự hy sinh xây dựng tổ ấm gia đình. Có biết bao người mẹ tần tảo một nắng hai sương nhịn ăn nhịn mặc để nuôi con khôn lớn thành người. Có biết bao người cha lặn lội tha phương dành dụm từng đồng, từng hạt gạo gửi về nuôi vợ, nuôi con. Thế hệ người cao tuổi hôm nay đã trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt giải phóng đất nước, những năm tháng vật lộn với thời buổi kinh tế khó khăn càng thấm thía những giá trị quý giá của gia đình truyền thống. Lớp người cao tuổi cũng giữ được nhiều vốn văn hóa của cha ông từ nghề đông y, nghề truyền thống đến các bộ môn nghệ thuật dân tộc có khả năng tạo ra nghề gia truyền đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Ðảng và Nhà nước luôn luôn đánh giá cao vai trò của gia đình như là tế bào của xã hội, là nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của xã hội Việt Nam. Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010 khẳng định: "Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...". Trong công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã có những thay đổi toàn diện và sâu sắc trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có các mối quan hệ gia đình. Quá trình đổi mới đem đến cho gia đình Việt Nam những cơ hội phát triển, mức sống của đại bộ phận các gia đình được nâng cao, các chức năng cơ bản của gia đình có nhiều biến đổi theo chiều hướng tích cực.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức to lớn. Mặt trái của cơ chế thị trường đã tạo ra lối sống thực dụng tôn thờ đồng tiền, coi thường đạo đức gia đình truyền thống. Chỉ vì tiền mà con cái có hành vi bất hiếu với bố mẹ, anh em mâu thuẫn, xích mích, vợ chồng không còn thủy chung. Nhiều gia đình lục đục, tan vỡ do nguyên nhân kinh tế, nhất là trong lúc này khi vấn đề thiếu việc làm, thu nhập chưa ổn định đang bức xúc. Bên cạnh đó, các sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài ùa nhập vào với những sách báo, phim ảnh đầy rẫy những hình ảnh sex, những cảnh làm tình trần trụi có tác động mạnh đến lớp trẻ dẫn đến tình trạng sinh hoạt tình dục ở tuổi vị thành niên ngày càng nhiều. Trong khi đó, các tệ nạn xã hội, nhất là mại dâm và ma túy luôn luôn rình rập đe dọa các gia đình. Theo thống kê của Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch số lượng các vụ ly hôn những năm gần đây tăng mạnh, năm sau cao hơn năm trước, trong đó số vụ ly hôn của các cặp vợ chồng trẻ chiếm tỷ lệ khá cao, mới lấy nhau được một vài năm đã bỏ nhau trở thành phổ biến. Kết quả cuộc điều tra quốc gia về gia đình cũng đưa ra con số đáng lo ngại, đó là hiện có 20% số các ông bố và 7% số các bà mẹ hoàn toàn không dành một chút thời gian nào chăm sóc con cái do phải lo kiếm sống. Trước thực trạng này việc giữ gìn và phát huy giá trị gia đình truyền thống là vô cùng quan trọng và trở nên cấp bách.
Người cao tuổi với sự trải nghiệm gần trọn cuộc đời cần trở thành trụ cột tinh thần vững chãi trong gia đình với việc nêu gương lối sống đạo đức, giáo dục những giá trị gia đình truyền thống cho con cháu từ những công việc nhỏ nhất trong sinh hoạt hằng ngày. Việc giáo dục con cháu cũng đầy khó khăn nếu không có kỹ năng thuyết phục dễ dẫn đến mâu thuẫn thế hệ, con cháu không nghe lời vì cho là "người cổ" áp đặt. Với tình thương yêu sâu sắc, với những việc làm cụ thể, những kinh nghiệm đã trải qua trong cuộc sống, phân tích sâu sắc những giá trị của gia đình truyền thống có tình, có lý nhất định sẽ có sức thuyết phục. Người cao tuổi có vai trò điều hòa mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, sớm phát hiện những vết rạn nứt trong các mối quan hệ để tìm cách hàn gắn hòa giải "trong ấm ngoài êm", dành nhiều thời gian trông nom, dạy dỗ các cháu khi bố mẹ chúng bận công việc làm ăn. Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa đang phát triển rộng khắp trong cả nước, đây là cơ hội để người cao tuổi gắn bó mình và gia đình mình với cộng đồng. Thực tế cho thấy, phong trào xây dựng Gia đình văn hóa đã thu hút rất đông người cao tuổi tham gia trong việc xây dựng hương ước, tiêu chí và nội dung Gia đình văn hóa, vận động mọi người tham gia phong trào... Từ những công việc đó, người cao tuổi vừa phát huy được những giá trị của gia đình truyền thống vừa nắm bắt được hơi thở của cuộc sống hiện đại để vun đắp gia đình mình phát triển bền vững theo xu thế phát triển của đất nước.
Chăm lo gia đình hòa thuận, hạnh phúc phát huy những giá trị truyền thống là việc làm rất có ý nghĩa đối với người cao tuổi để sống khỏe, sống vui, sống có ích.
LƯU DUY DẦN
(Hội Người cao tuổi Việt Nam)