Nỗ lực phòng, chống Covid-19 để sản xuất, thi công an toàn

Trong thời gian giãn cách xã hội, các đơn vị, doanh nghiệp của TP Hà Nội vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa tổ chức sản xuất an toàn, đẩy nhanh tiến độ những dự án trọng điểm.

Kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế đối với công nhân tại công trường xây dựng hầm chui nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến (Hà Nội).
Kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế đối với công nhân tại công trường xây dựng hầm chui nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến (Hà Nội).

Tuy nhiên, các đơn vị mong muốn thành phố quan tâm, tạo điều kiện hơn về lưu thông hàng hóa, xét nghiệm sàng lọc và tiêm vắc-xin để người lao động yên tâm sản xuất.

Chủ động các phương án sản xuất

Mới đây, Công ty TNHH Thời trang STAR tại Cụm công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội đã tiến hành phong tỏa, tạm dừng hoạt động do có một ca dương tính với SARS-CoV-2, khiến 786 công nhân phải nghỉ việc, thực hiện cách ly 14 ngày. Trước đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng phải tạm dừng hoạt động do lây nhiễm Covid-19. Vì vậy, siết chặt các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập công xưởng, nhà máy, bảo vệ sản xuất an toàn, đồng thời, sẵn sàng các phương án cho các tình huống xấu đang là nhiệm vụ hàng đầu của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội.

Tại Công ty TNHH Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh), 12 tổ phòng, chống Covid-19 cùng hàng trăm các tổ nhỏ tại các phân xưởng, phòng, ban đã được kích hoạt nhằm giám sát, bảo đảm an toàn cho hơn 7.600 công nhân đang làm việc tại đây. Công ty đã chủ động xây dựng 23 tiêu chí, 63 hoạt động để phòng, chống dịch.

Nhà ăn của công ty được bố trí tấm vách, bảo đảm khoảng cách, ghi tên từng công nhân tại từng vị trí. Trên các xe đưa đón công nhân đến nhà máy theo quy định “một cung đường, hai điểm đến” cũng đánh số ghế theo danh sách. Nếu trường hợp có ca F0, công tác truy vết sẽ nhanh chóng hơn. Công ty đã chuẩn bị đủ vật tư như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn đủ dùng trong một đến hai tháng. Đồng thời, bố trí phòng cách ly tạm thời đối với người có biểu hiện sốt, ho, khó thở trong quá trình làm việc.

Công ty cổ phần Miza (Cụm công nghiệp Nguyên Khê, huyện Đông Anh) đã xây dựng phương án sản xuất an toàn “ba tại chỗ” cho 80 người lao động. Nơi nghỉ ngơi cho công nhân, nhân viên được bố trí tại khu văn phòng với đầy đủ các trang, thiết bị phục vụ sinh hoạt. Công ty TNHH B.Braun Việt Nam (Cụm công nghiệp Thanh Oai, huyện Thanh Oai) cũng chuẩn bị sẵn sàng phương án “ba tại chỗ” để duy trì sản xuất. Giám đốc Tài chính Công ty TNHH B.Braun Việt Nam Nguyễn Việt Hùng cho biết, với hơn 1.500 công nhân, công ty đã đề xuất phương án “ba tại chỗ” và báo cáo UBND huyện Thanh Oai, các cơ quan chức năng phê duyệt.

Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn về đơn hàng, vận chuyển, cũng như không đáp ứng được đầy đủ yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19, không ít doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã phải tạm ngừng hoạt động hoặc cho số lượng lớn công nhân nghỉ việc tạm thời. Công ty TNHH Goshi Thăng Long hiện đã cho hầu hết các công nhân nghỉ làm, nhận 75% lương hỗ trợ do không có việc. Trên địa bàn huyện Phú Xuyên cũng chỉ còn một số đơn vị sản xuất các mặt hàng thiết yếu, hoặc sản xuất các mặt hàng công tác phòng dịch có phương án, cam kết thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch là còn hoạt động…

Theo Sở Công thương Hà Nội, tính đến cuối tháng 7/2021, đã có 140 doanh nghiệp xây dựng phương án “ba tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến”. Ngoài ra, khoảng 580 cơ sở sản xuất đã thực hiện khai báo phòng, chống dịch Covid-19 trên hệ thống khai báo trực tuyến do Sở Công thương cung cấp. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội cũng lưu ý các doanh nghiệp cần thận trọng khi tiến hành phương án sản xuất “ba tại chỗ” để các nhà máy, cơ sở sản xuất không trở thành ổ dịch lớn khi triển khai cách làm này.

“Cấm trại” để thi công

Các công trình giao thông trọng điểm của thành phố Hà Nội cũng tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công. Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, để bảo đảm an toàn phòng dịch, Sở chỉ cho phép sáu công trình giao thông tiếp tục triển khai trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố. Đó là dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, hầm chui Lê Văn Lương, xây dựng đường Vành đai 3 đi dưới thấp qua hồ Linh Đàm (cầu vòm sắt), mở rộng đường dưới thấp và làm đường trên cao Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Vọng - cầu Vĩnh Tuy, xây dựng cầu sông Lừ (quận Đống Đa), xây dựng cầu Trí Thủy (huyện Chương Mỹ). Tuy nhiên, các công trình này phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, nếu để xảy ra vi phạm, Sở sẽ yêu cầu đình chỉ thi công ngay.

Tại công trường dự án đường Vành đai 2 từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng, dù thời tiết khá nóng, nhưng các công nhân đều nghiêm túc đeo khẩu trang khi làm việc. Đại diện nhà thầu Trung Nam E&C cho biết, dự án lập 12 mũi thi công chia làm hai ca, tất cả đều được bố trí khép kín, chỉ có một cổng vào. Khi đến công trường làm việc, toàn bộ công nhân đều phải đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, quét mã QR Code và khai báo thông tin trên sổ nhật ký công trường. Những người có nhiệt độ cao bất thường sẽ được đưa vào phòng cách ly tạm thời để theo dõi. Ngoài ra, các đơn vị chức năng cũng tiến hành xét nghiệm ngẫu nhiên cho công nhân bằng test nhanh Covid-19 và xét nghiệm cuốn chiếu cho toàn bộ công nhân.

Phó Giám đốc Tư vấn quản lý dự án Vành đai 2 Đào Đăng Hiệp cho biết, toàn dự án đã hoàn thiện được 60% sản lượng công việc. Đối với phần trên cao, các đơn vị thi công đang tập trung hoàn thiện hai phần còn lại từ cầu Vĩnh Tuy đến chợ Mơ và từ chợ Mơ đến Ngã Tư Vọng. Dự kiến đến quý I năm 2023 sẽ thông xe toàn bộ dự án để phục vụ việc đi lại của người dân trên tuyến giao thông huyết mạch này.

Tại dự án hầm chui Lê Văn Lương, các nhà thầu cũng tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Ông Đặng Anh Tuấn, đại diện Ban điều hành dự án của Fecon, đơn vị chia thành ba ca thi công để bảo đảm giãn cách. Tất cả công nhân đều thuê nhà trọ tập trung và quán triệt chỉ được đi từ nhà đến công trường làm việc, không tiếp xúc với người bên ngoài, thực hiện khai báo đầy đủ, có sổ theo dõi y tế thường xuyên.

Tương tự như vậy, công trình cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 cũng đang được đẩy nhanh tiến độ với ba ca thi công liên tục. Hơn 500 công nhân thực hiện “cấm trại”, được bố trí ăn ở tập trung, tuyệt đối không được ra ngoài, riêng cấp dưỡng và thủ kho do phải tiếp xúc với bên ngoài khi đi mua thực phẩm, nguyên vật liệu, thì có nhật ký theo dõi từng ngày. “Chúng tôi bố trí cho công nhân các kíp ăn uống, sinh hoạt lệch ca nhau, đồng thời chia nhỏ các mũi thi công để bảo đảm tiến độ đề ra”, đại diện nhà thầu liên danh Vinaconex - Trung Chính cho biết.

Về lâu dài, cùng với việc chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, các doanh nghiệp cũng kiến nghị thành phố ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho lực lượng công nhân, bởi bên cạnh khẩu trang, khử khuẩn, giãn cách… trong sản xuất, thì đây là giải pháp quan trọng bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất, duy trì tăng trưởng kinh tế - xã hội, thực hiện tốt “mục tiêu kép” đề ra.

QUỐC TOẢN, GIA MINH